Bài 3:
Mua đất làm nhà ở 18 năm vẫn bị kê biên bán đấu giá, một kiểu thi hành án “ậm ờ”?
(Dân trí) - Là người được thi hành án và đã mua tài sản từ chính cơ quan thi hành án, nhưng sau gần hai thập kỷ quản lý, sử dụng nhà đất đã mua hợp pháp này, ông Mai Công Ích bỗng nhiên nhận được lệnh của cơ quan thi hành án buộc ông phải giao lại nhà đất số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã) để tổ chức lại việc thi hành án dù những người được thi hành án trong vụ việc này không hề có yêu cầu.
Việc cơ quan thi hành án dân sự lật lại vụ việc và vội vã tổ chức bán đấu giá tài sản một cách khó hiểu, một phần xuất phát bởi một Công văn được Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình được ban hành từ 16 năm trước.
Vậy vai trò của Viện kiểm sát trong việc thực thi công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án quận Ba Đình trong vụ việc này khi ban hành Công văn trên được thể hiện như thế nào? Giá trị pháp lý của Công văn này ra sao? Đây có phải là căn cứ theo quy định của pháp luật để tổ chức lại việc thi hành án như Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đang tiến hành hay không?
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng các cơ quan thi hành án đang có sự “nhầm lẫn” một cách khó hiểu về việc áp dụng các quy định pháp luật, khi đã căn cứ vào một văn bản ý kiến thông thường để huỷ kết quả thi hành án, tổ chức lại việc thi hành án chứ không căn cứ vào Kháng nghị của Viện kiểm sát theo đúng quy định pháp luật.
Theo hồ sơ vụ việc thì sau khi có sự thống nhất về việc mua bán nhà đất 194 Kim Mã, ông Ích đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án quận Ba Đình, cơ quan này cũng đã dùng số tiền này trả cho những người được thi hành án là các chủ nợ của bà Lâm – người phải thi hành án. Tuy nhiên đến ngày 08/10/1999, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình lại có Công văn số 303-KSTHA, trong đó xác định: “Việc thi hành án quận Ba Đình thực hiện không đúng nội dung quyết định Bản án, vi phạm trình tự thủ tục thi hành án. Viện kiểm sát yêu cầu thu hồi nhà 10 Kim Mã để thực hiện đúng nội dung bản án tuyên kê biên đảm bảo thi hành án”.
Để xác định vai trò của Viện kiểm sát trong việc thi hành án cũng như đánh giá được giá trị pháp lý, tầm ảnh hưởng của Công văn trên đối với việc tổ chức thi hành án lại trong vụ việc này thì cần phải dựa trên các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại thời điểm ban hành văn bản này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình đối với công tác thi hành án của Thi hành án dân sự quận Ba Đình:
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 thì trong việc thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân có các quyền như sau:
“Điều 3.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố bằng những công tác sau đây:
4- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân”
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992 thì khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát có quyền ra quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đó.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 20 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 cũng quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án thực hiện các công việc bao gồm:
Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân;
Cung cấp tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án;
Thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân.
Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình có quyền kiểm sát việc thi hành Bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Ba Đình, Bản án dân sự phúc thẩm số 50/DSPT ngày 10/4/1998 của TAND thành phố Hà Nội (liên quan đến việc khởi kiện của bà Oanh) và 5 Quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của TAND quận Ba Đình (liên quan đến việc khởi kiện của các đương sự khác trong đó có ông Ích).
Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.
Thứ hai, về giá trị pháp lý của Công văn số 303 của Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình và ảnh hưởng của văn bản này tới việc thu hồi nhà 10 Kim Mã để tổ chức thi hành án lại:
Trên cơ sở nhận định việc thi hành án có sai phạm tại Công văn số 303, ngày 29/8/2001, Trưởng thi hành án dân sự quận Ba Đình có Quyết định số 602/THA hủy toàn bộ kết quả giải quyết tại Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999 đồng thời ra thông báo số 05/TB-THA về việc thu hồi nhà số 10 (nay là 194) phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình để thi hành các Bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Sau đó, trải qua một thời gian dài, ngày 11/8/2009, Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (THADS TP Hà Nội) ra Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu theo đó, buộc bà Lâm phải trả tiền cho ông Ích và bà Oanh theo đúng bản án, quyết định đồng thời tiếp tục kê biên diện tích 20m2 nhà đất tại số 10 Kim Mã (nay là số 194) để đảm bảo thi hành án của bà Lâm.
Như vậy, có thể thấy trong vụ việc này, Công văn số 303 của Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình là một trong những căn cứ để cơ quan thi hành án quận Ba Đình tiến hành thủ tục thu hồi nhà đất đã bán cho ông Ích và tổ chức thi hành án lại các bản án, quyết định đã có từ năm 1998.
Tuy nhiên, xét giá trị pháp lý của Công văn số 303 này thì đây không thể xem là căn cứ để hủy kết quả thỏa thuận giữ bà Oanh, ông Ích và bà Lâm bởi vì:
Một là, về hình thức ban hành văn bản: Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993 và Điều 20 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 thì trong quá trình kiểm sát việc thi hành án, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị với Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án, yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án; yêu cầu xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính người vi phạm pháp luật.
Hai quyết định thi hành án theo yêu cầu được Cục thi hành án TP Hà Nội ban hành sau 10 năm khi người dân đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án, xây nhà và sinh sống ổn định.
Ở đây, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình mới chỉ có công văn gửi tới cơ quan thi hành án quận Ba Đình mà chưa có kháng nghị về việc thi hành án, thế nhưng cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị thu hồi nhà số 10 (nay là 194) phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội để thi hành các Bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, vì về cả hình thức lẫn bản chất của Kháng nghị và một công văn (văn bản hành chính) là hoàn toàn khác nhau. Công văn số 303 này cũng không phải là một văn bản yêu cầu khi Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với công tác thi hành án.
Hai là, về nội dung được nhận định tại Công văn 303: Tại công văn này, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình cho rằng việc thi hành án vi phạm trình tự thủ tục thi hành án (thỏa thuận của bà Lâm, ông Ích và bà Oanh ảnh hưởng tới những người được thi hành án còn lại) là không có đầy đủ căn cứ do thỏa thuận này có sự chứng kiến và xác nhận của Chấp hành viên là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những người được thi hành án còn lại tuy không tham gia vào thỏa thuận, nhưng đều không có ý kiến phản bác về việc mua căn nhà của ông Ích, đồng thời nhất trí nhận tiền mà không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào. Do đó, việc thỏa thuận mua bán tài sản này là không trái với quy định của pháp luật, không ảnh hưởng tới quyền – lợi ích hợp pháp của những người thi hành án còn lại, vì vậy nhận định của Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình tại Công văn 303 là hoàn toàn không có cơ sở.
Có thể thấy rằng, việc áp dụng sai quy định pháp luật khi căn cứ vào Công văn số 303 của Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình để cơ quan thi hành án thu hồi nhà đất đã bán hợp pháp cho ông Ích và tổ chức thi hành án lại sau gần hai thập kỷ, dù đương sự không ai có yêu cầu thi hành án lại, đặc biệt hai người có yêu cầu thi hành án (cũ) từ năm 1998 thì nay một người đã chết đã lâu, người còn lại chính là ông Ích - người đang bị cơ quan thi hành án yêu cầu trả lại nhà đất ông đã mua cách đây gần 20 năm để thi hành án cho… chính ông.
Ông Ích đã quản lý, sử dụng nhà đất trên từ nhiều năm nay. Đây cũng là nơi sinh sống duy nhất của gia đình. Do đó, việc thu hồi nhà đất và bán đấu giá lại của Cục THADS TP Hà Nội có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của gia đình ông. Việc tổ chức bán đấu giá tài sản do ông Ích đang sử dụng liệu có đúng quy trình, thủ tục đã được pháp luật quy định hay không cũng như trách nhiệm của cơ quan thi hành án đối với những sai phạm trong việc thi hành án dẫn tới tài sản bị thu hồi lại ra sao? Hiện Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp vẫn đang tiến hành rà soát toàn bộ vụ việc và xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Anh Thế (thực hiện)