Mùa cọ chín

(Dân trí) - Vào quãng giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm là những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 (âm lịch) là những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm rồi ngả sáng ra như màu xanh da trời.

Lúc này chính là mùa thu hoạch những trái cọ rừng! Trái cọ rừng được coi là một đặc sản ở Miền tây Nghệ An, không ai là không thích ăn. Bởi trái cọ chín sau khi hái về, cho ngâm trong nước ấm nóng khoảng 50 - 60 độ, khoảng 10 phút sau là chín, cùi dầy vàng ươm, thơm một mùi hương thật khó tả, giống hệt một viên mỡ gà được vo tròn lẳn, dính vàng cả mười đầu ngón tay, mỗi năm mới được ăn một lần.

Mùa cọ chín cũng là mùa chim phượng hoàng về ăn quả, ăn rồi chúng bay đi và vô tình gieo tiếp những hạt cọ xuống đất ở khắp mọi cánh rừng xa lạ… Có lẽ vì vậy mà ít khi cọ mọc từng cây riêng lẻ, mà luôn mọc thành từng khóm, ít nhất cũng từ ba bốn cây trở lên. Tục ngữ người Thái có câu: "Côn mi họ, cọ mi đon" (có nghĩa là con người sống phải có họ hàng, anh em, cũng như cây cọ không mọc lẻ loi một mình mà luôn có khóm ở trong rừng).

Cây cọ đã gắn với đồng bào, trở thành một biểu tượng của sự cố kết cộng đồng, bền chặt đến thiêng liêng… Vậy mà những rừng cọ ngày nào còn tươi tốt, thẳng tắp và cao vút, đi vào rừng nhìn đâu cũng thấy… bây giờ đã như "chuyện ngày xưa"! Muốn có trái cọ bán, người ta phải đi vào rừng rất xa, vất vả lắm mới có trái cọ chín bán ở chợ. Người ta khai thác cây cọ đến tột cùng bởi trái cọ ngày nay cũng đã trở thành hàng hóa.

Nhiều người đã có thu nhập đến cả chục triệu đồng sau mỗi mùa cọ chín. Người ta bán cọ chín hai bên đường, ở thị trấn, ở các chợ sáng, chợ chiều… đâu đâu cũng có, với giá từ 9 đến 10 ngàn đồng/kg, nếu tính chi li thì trung bình một kg cọ chín cũng chỉ được gần ba chục quả, vị chi một trái cọ chín có giá chừng trên dưới 300 đồng!

Đã gần chục năm lại nay, bao nhiêu là cây cọ bị ngã gục xuống, bao nhiêu rừng cọ đã bị xóa sổ. Bây giờ người đi hái cọ rừng không trèo lên cây để hái như ngày trước nữa, mà dùng rìu đốn ngã cây xuống, nếu gặp cây cọ có quả dầy cùi thì chỉ hai cây thôi cũng đã bõ công khó nhọc, nghĩa là đã đầy gùi (khoảng 30-40kg).

Nhưng đốn phải cây cọ mỏng cùi thì lại đốn tiếp cây khác, có khi đốn sạch cả một khóm cọ không thương tiếc… Kiểm lâm chỉ giữ gỗ chứ không kiểm tra và bắt những người gùi trái cọ ra khỏi cửa rừng!

Vậy thì còn chăng trái cọ rừng mà ai cũng từng coi là một đặc sản của quê hương, mỗi năm mới lại có một mùa quả chín!?
 
Một số hình về cây và quả cọ: Mùa cọ chín:
 
Mùa cọ chín - 1
Cây cọ lớn lên ...
 
Mùa cọ chín - 2
... cọ trổ hoa, sinh quả....
 
Mùa cọ chín - 3
.... con người hạ thổ
Mùa cọ chín - 4
... cọ cũng đứt đầu...
 
Mùa cọ chín - 5
cùi cọ cũng là đặc sản....
 
Mùa cọ chín - 6
Quả cọ một thứ đặc sản của Miền tây Nghệ An.
 
Mùa cọ chín - 7
Mùa cọ chín - 8
Quả cọ trở thành hàng hóa mua bán đắt giá...
 
Mùa cọ chín - 9
Hạt cọ được vứt khắp nơi sau khi ăn.

Lương Thoại - Nguyễn Duy