Bạn đọc viết:

“Mua bình an” với giá cắt cổ

(Dân trí) - Tin vào lời thầy bói phán vận hạn trong năm, có không ít gia đình chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để vừa lòng thầy cúng. Bình an chưa thấy đâu, nhưng nợ nần đã chồng chất.

“Mua bình an” với giá cắt cổ - 1
Một buổi lễ dâng sao giải hạn.

Mua bình an bằng mọi giá

Cách nay hơn hai tháng, chị Mai (ngụ đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể: nghe một thầy bói ở Nam Định phán rằng tháng 7 năm nay nhà chị sẽ có “hạn” lớn, thầy khẳng định phải cúng giải hạn trước tháng 7 nếu không tai họa “chó trắng nằm đường” (nhà có người chết) sẽ ập tới. Thầy sẽ trực tiếp làm. Dịch vụ trọn gói là 120 triệu đồng.
 
Hoảng hồn vì số tiền quá lớn mà gia đình chị phải làm lụng, đầu tắt mặt tối cả năm mới có được. Nhưng vì sợ vận hạn, mong bình an nên chị Mai đành cắn răng thu xếp đủ 120 triệu đồng theo yêu cầu của thầy cúng.  Đắn đo mãi, cả gia đình mới quyết định đầu tháng 6 làm lễ cúng giải hạn theo lời thầy bói, mong bình an ở lại mãi bên gia đình mình.

Lễ vật gồm lợn quay, gà, bánh trái, xôi, oản… và sốc nhất và số tiền phải chi mua vàng mã, với các món đồ từ cổ chí kim to như thật: Thuyền rồng, kiệu lọng, nhà táng, ngựa xe đến các con vật như voi, hổ, rồng… Có 2 ô tô tải chở các món lễ vật này tới. Một số sinh viên thuê phòng trọ của gia đình này cho biết, lễ cúng trị giá trên 120 triệu đồng này diễn ra trong hai ngày, thời gian từ 8g-11g buổi sáng và từ 14g-18g chiều. Nhà cửa lúc nào cũng hương khói nghi ngút. Tất cả các thành viên trong gia đình này phải gác hết mọi công việc lại để tham gia làm lễ cùng thầy.

Tương tự, Nguyễn Thị Huế (sinh viên đang học liên thông Học viện Tài chính) cho biết đã chứng kiến một “lễ giải hạn” to… vật vã. Anh Tuấn (anh trai ruột của Huế, ở Bát Xát, Lào Cai) và vợ nghe lời thầy bói nói nếu không cúng giải hạn gấp thì vợ chồng sẽ ly hôn và con cái sẽ ly tán (?) Mặc dù trên thực tế cặp vợ chồng này vẫn yêu thương và chăm sóc cho tổ ấm của mình, nhưng thầy nói gì nghe nấy, đôi vợ chồng trẻ quyết định chi 80 triệu đồng để mong không phải xa nhau!? Lễ cúng cũng diễn ra trong hai ngày và thầy làm trọn gói theo giá nêu trên.

Hiện nay, có không ít gia đình chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để đưa cho các thầy cúng thực hiện những lễ “giải hạn” như trên. Tâm lý đo lòng thành kính bằng số tiền chi cho buổi lễ ngày càng phổ biến, trong khi không ít người có thói quen quá tin tưởng vào đời sống tâm linh, thậm chí tới mức mê tín.

Nợ nần tới trước bình an

Việc cúng bái, lễ lạt trong đời sống tâm linh của nhiều người chủ yếu nhằm cầu mong sự bình an, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi quá mê tín, sa đà thì đã có những trường hợp “bình an” chưa thấy đâu mà nợ nần đã hiển hiện trước mặt.
 
Đó là trường hợp của chị Loan (ở Mê Linh, Hà Nội). Chị Loan đã phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn người thân, bè bạn để có đủ 40 triệu đồng cho lễ cúng. Chị tin tưởng rằng sau khi làm lễ, gia đình chị sẽ làm ăn phát đạt, tiền vào như nước… Thế nhưng, chuyện làm ăn chưa đâu tới đâu thì nay gia đình chị đang rơi vào cảnh khổ sở vì nợ nần. “Tuần nào cũng có người đến đòi nợ”, chị Loan than phiền.

Một trường hợp khác là gia đình bà Mai, cùng quê với chị Loan, bỏ ra 40 triệu đồng lập bàn cúng. Cũng làm trọn gói như những người khác nhưng xong xuôi đâu vào đấy, thầy cúng lại khẳng định không đạt, phải làm lại. Lần này, mức giá vẫn giữ nguyên như cũ: 40 triệu đồng.

Chứng kiến lễ cúng giải hạn trị giá hàng trăm triệu đồng, nhiều người cho rằng tâm lý đại đa số mọi người là sẵn sàng bỏ tiền để yên tâm và vững tin trong cuộc sống. Nhưng làm cách này quá phô trương, lãng phí. Thầy cúng thường làm trọn gói, chi tiêu sao thầy tự liệu. Còn nếu gia chủ tự mua, thầy cũng tính toán đủ các món và tiền công đúng với mức giá đưa ra ban đầu. Mua gì, hàng của cơ sở nào cũng do thầy chỉ định.
 
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chỉ cần chứng kiến các lễ cúng bạc triệu này sẽ dễ dàng hiểu ai là người hưởng lợi nhiều nhất.
 
Huệ Bạch (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)