Sóc Trăng:
Một cựu chiến binh mỏi mòn chờ chế độ: Chuyển hồ sơ về Cục Người có công xem xét
(Dân trí) - Liên quan đến cựu chiến binh Nguyễn Đình Vượng khiếu nại về việc thực hiện chế độ chính sách, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sở sẽ chuyển hồ sơ của ông Vượng về Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xem xét giải quyết.
Tại buổi đối thoại mới đây giữa Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng và các bên liên quan, bà Tô Ái Vang- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng đề nghị Phòng Người có công giải thích vì sao ông Nguyễn Đình Vượng hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 81% nhưng không được hưởng trợ cấp người phục vụ.
Trả lời bà Vang, bà Lê Thị Chiến - Phó Trưởng phòng Người có công, cho biết, Thông tư số 07/2006 ngày 26/7/2006 của Bộ LĐ-TB&XH chỉ quy định hai mức “Còn khả năng lao động” và “Không còn khả năng lao động”, không quy định tỷ lệ. Nhưng căn cứ Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 và Thông tư 16/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 thì ông Vượng không được hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ vì “Biên bản giám định không ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động”.
Trước vướng mắc trên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Xuyên hướng dẫn ông Nguyễn Đình Vượng làm văn bản đề nghị gửi về Sở LĐ-TB&XH để Sở có công văn kèm hồ sơ của ông đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xem xét.
Như Dân trí đã phản ánh, ông Nguyễn Đình Vượng (SN 1949, ngụ ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 9/7/1966 đến tháng 11/1981, là đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học đã được Hội đồng giám định y khoa tỉnh Sóc Trăng giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe với kết luận “Không còn khả năng lao động” và được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 473/QĐ-SLĐTBXH ngày 17/12/2007, với mức trợ cấp hàng tháng là 785.000 đồng kể từ ngày 1/1/2008. Đây là mức trợ cấp cho những người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên theo quy định tại Nghị định số 32/NĐ-CP/2007 ngày 2/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Pháp lệnh Người có công sửa đổi số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013, ông Vượng thuộc đối tượng tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng và được hưởng thêm chế độ trợ cấp người phục vụ tại gia đình từ tháng 9/2012. Thế nhưng, cho đến nay đã 3 năm nhưng ông vẫn chưa được hưởng chế độ nói trên mặc dù ông đã nhiều lần làm đơn gửi Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng đề nghị giải quyết.
Ngày 26/12/2015, Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng có văn bản số 752/SLĐTBXH do Giám đốc Tô Ái Vang ký trả lời ông Vượng: “Ông hiện đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên nhưng theo hồ sơ quản lý thì biên bản của Hội đồng giám định Y khoa tỉnh kết luận ông bị suy giảm không còn khả năng lao động; không có kết luận tỷ lệ (%). Do đó, căn cứ theo văn bản quy định thì ông không thuộc diện hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ”.
Trong khi đó, theo ông Vượng, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định thành 4 nhóm trợ cấp (a,b,c,d theo khoản 1 điều 42). Trong đó, tại điểm a, khoản 6 điều 42 nêu rõ “Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng”. Còn tại điểm b, c khoản 6 điều 42 quy định cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% “Nếu biên bản giám định y khoa có ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại điểm a, điển b, điểm c. Khoản 1. Nếu chưa có tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động thì được bảo lưu. Nếu có nguyện vọng thì được cho đi giám định lại”.
Còn tại khoản 2 điều 7 Thông tư số 16 của Bộ LĐ-TB&XH lại áp đặt cho đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đối với 3 trường hợp sau: Nếu không có biên bản giám định; Biên bản giám định không ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động; Biên bản giám định không đúng quy định thì không được hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ.
Hoàn cảnh của ông Nguyễn Đình Vượng hiện nay rất khó khăn, bản thân ông đang bị ung thư Lyphôm không Hodgkin giai đoạn 3 (là loại bệnh xếp số 2 trong danh mục quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLDTBXH). Theo kết quả khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cuối năm 2015, ông Vượng vẫn còn hạch mặt trong cánh tay trái; phình giáp đa hạt hai thùy; tổn thương thoái hóa khớpgối hai bên; tổn thương các đốt sống L3, L4 và S1. Chưa loại trừ tổn thương do thoái hóa”.
Sau 2 năm điều trị tích cực, bệnh tuy được khống chế, các khối u đã được thu nhỏ nhưng vẫn phải đi tái khám định kỳ. Hiện nay, các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu TPHCM đang nghi bệnh của ông có khả năng di căn xâm nhập vào xương nên yêu cầu ông nhập viện để theo dõi.
Bạch Dương