Kiên Giang:

Một bản án “tranh chấp quyền sử dụng đất” còn nhiều uẩn khúc

(Dân trí)- UBND thị xã bán nhà đất cho ông Tùng một đằng, trong khi UBND tỉnh chỉ dựa vào biên bản ký giáp ranh còn “chưa rõ ràng” lại cấp giấy CNQSD đất cho ông Tùng một nẻo. Ông Tùng lại dựa vào giấy này kiện một hộ dân khác ra tòa vì “chiếm đất” của ông.

Một bản án “tranh chấp quyền sử dụng đất” còn nhiều uẩn khúc - 1
Ông Nguyễn Hữu Tài đang trình bày những chứng cứ khẳng định phần đất tranh chấp là của ông. 
 
Vừa qua, báo Dân trí nhận được đơn “kêu cứu” của ông Nguyễn Hữu Tài (ngụ số nhà 739 Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa ông và ông Nguyễn Thanh Tùng (ngụ số nhà 737, cùng địa phương).

Ông Nguyễn Hữu Tài cho biết, ngày 22/2/2010, ông Nguyễn Thanh Tùng có đơn khởi ông ra tòa về việc cho rằng ông lấn chiếm một phần đất phía sau nhà. Ngày 21/4/2011, TAND TP.Rạch Giá đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Phiên tòa này, ông Nguyễn Thanh Tùng được TAND TP.Rạch Giá tuyên thắng kiện và buộc vợ chồng ông Tài phải trả lại một phần đất 30m2 theo đúng như giấy CNQSD đất 345m2 (có chiều ngang 15m) cho ông Tùng.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng kết luận cuối cùng phiên tòa vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Qua tìm hiểu thực tế của PV, một số nội dung trong bản án sơ thẩm chưa thuyết phục, còn nhiều dấu hỏi cần làm rõ như sau:

Năm 1983, ông Tài mua một phần đất của ông Lê Văn Thế tọa lạc tại số 739 đường Mạc Cửu (phường Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá) hiện nay. Trước khi ông mua đất, trên đất đã có 1 ngôi mộ là của mẹ và 2 ngôi mộ là của bạn ông Thế. Năm 1984, ông Tài cất nhà, trồng 2 cây dừa, một bụi tre, cắm trụ đá và căng dây chì gai làm ranh giới. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng về ở trên phần đất của mình là vào năm 1987 (tức là 3-4 năm sau đó) và nói ông Tài chiếm đất liệu có thuyết phục ?

Còn phần đất của ông Tùng tọa lạc tại số 737 (số cũ là 327) hiện nay trước kia là của dân đi vượt biên bỏ lại và do Nhà nước quản lý. Ngày 19/1/1987 vợ chồng ông Tùng (cán bộ Nhà nước) được phân phối phần đất này để làm nhà ở. Ngày 30/8/1990, UBND thị xã Rạch Giá (hiện nay là UBND TP.Rạch Giá) có Quyết định bán hóa giá nhà đất số 327 cho ông Nguyễn Thanh Tùng. Theo sơ đồ bản vẽ khu đất thể hiện phần đất ông Tùng được hóa giá có kích thước chiều ngang trước 14m, chiều ngang sau 15m, chiều dài 31,6m, diện tích 458,2m2 (chưa trừ lộ giới).
Một bản án “tranh chấp quyền sử dụng đất” còn nhiều uẩn khúc - 2
Phần tranh chấp đất tính từ cây dừa qua bên phải (nhà mồ phía sau lưng người nhà ông Tài)

Đến năm 1996, ông Tùng mới lập thủ tục xin cấp giấy CNQSD đất. Ngày 21/3/1996, ông Tùng được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy CNQSD đất với kích thước chiều ngang trước 15m, chiều ngang sau 15m, chiều dài 23m, diện tích 345m2 (đã trừ lộ giới). Điều khó hiểu ở đây là việc hóa giá nhà đất cho ông Tùng có chiều dài 31,6m và đến khi cấp giấy trừ hành lang lộ giới 15m, chiều dài đất của ông Tùng còn 23m liệu có chính xác ?

Theo ông Tài, việc cấp giấy CNQSD đất cho ông Tùng chỉ dựa vào Biên bản xác định ranh giới ngày 3/1/1996. Trong biên bản này, phần đất của ông Tùng có chiều ngang 15m và dài 23m . Ông Tài cho biết, do ông và các hộ khác tin tưởng ông Tùng nên ông không coi lại biên bản mà chỉ đặt bút ký tên. Bởi trước đó vào năm 1995, ông Tùng cũng đã có chuyển nhượng cho ông Phạm Khắc Thiệu (một hộ dân khác) một phần đất của mình. Trong Biên bản xác định ranh giới chuyển nhượng ngày 11/10/1995, phần đất chuyển cho ông Thiệu có chiều ngang 5m, dài 21,4m, diện tích 107m2 (hậu giáp đất ông Tài, đã có giấy CNQSD đất). Vậy thì lấy đâu ra 1,6m đất (trong khi ông Tùng đòi đến 1,8m chiều dài giáp với ông Tài) để có đủ 23m như giấy CNQSD đất mà ông Tùng được cấp ? Và không chỉ thế, diện tích đất ông Tùng được cấp là 345m2, đã bán cho ông Thiệu 107m2 (còn lại 238m2). Vậy thì dựa vào đâu để đòi ông Tài trả lại 30m2 cho ông Tùng ?  
Một bản án “tranh chấp quyền sử dụng đất” còn nhiều uẩn khúc - 3
Phần gạch chéo lớn có mũi tên chỉ vào là đất tranh chấp giữa ông Tài và ông Tùng.

Bên cạnh đó, giấy CNQSD đất của cả ông Tùng và ông Thiệu được cấp cùng một ngày 21/3/1996 nhưng diện tích lại khác nhau. Không chỉ thế, cả 2 giấy CNQSD đất này lại không rõ ràng khi thiếu một số chi tiết như: không có ghi số tờ bản đồ nào ? số thửa mấy? vào sổ cấp giấy CNQSD đất cũng không có số ? 

Ngoài ra, trong 2 Biên bản xác định ranh giới ngày 11/10/1995 và 3/1/1996 như đã nêu ở trên cũng có hai điều “mập mờ” chưa được Tòa án làm rõ. Cụ thể biên bản ngày 11/10/1995, có chủ căn hộ là Đinh Thị Lánh ký tên đàng hoàng nhưng trong biên bản ngày 3/1/1996 bà Lánh chỉ gạch dấu thập (theo người dân cho biết bà Lánh không biết chữ- PV), vậy ai là người ký tên dùm cho bà Lánh hay bà Lánh tự ký ? Một điểm khác nữa là biên bản ngày 3/1/1996 lại không có chữ ký của ông Tùng, vậy có đúng thủ tục theo quy định ?

Một điểm mâu thuẫn khác, theo ông Tài cho biết, phần đất mà ông Tùng đòi ông trả lại dính vào phần mồ mả của gia đình ông (ngoài ra còn 1 ngôi mồ của mẹ ông Thế- chủ đất mà ông Tài mua được chôn từ năm 1982, hiện đã lấy cốt đi nơi khác, còn lại hiện trạng là một ô đất nhỏ). Trong ngôi nhà mồ này hiện có 2 ngôi mộ là người thân của ông được chôn vào năm 1995. Ông Tài cho biết từ năm 1987 khi ông Tùng về ở đến năm 1995 không xảy ra tranh chấp gì. Khi mẹ ông Tài chết, ông cho chôn cất trên phần đất (hiện đang tranh chấp) phía sau nhà cũng không có tranh chấp. Trong khi đó năm 1996 ông Tùng mới được cấp giấy CNQSD đất và nếu theo chiều dài như đã cấp (23m) thì đã dính vào phần mộ, vậy việc cho rằng ông Tài lấn chiếm là có đúng với thực chất ?

Một chi tiết khác là ranh giới đất chiều ngang 15m giữa ông Tùng và ông Tài hiện nay có 2 cây dừa, trụ đá, hàng rào chì gai. Theo ông Tài, khi ông mua đất vào năm 1983, ông đã cho trồng 2 cây dừa, trồng tràm, bụi tre làm ranh giới. Năm 1984, ông cất nhà rồi cho kéo hàng chì gai dọc theo các cây này (lúc này ông Tùng chưa về ở). Việc làm ranh giới này có người dân cùng thời với ông Tài xác nhận. Trong bản án sơ thẩm, tòa tuyên ghi nhận sự tự nguyện của ông Tùng đồng ý bồi hoàn 2 cây dừa với số tiền 1,6 triệu đồng (800.000 đồng/cây), song ở đây còn có hàng chì gai không được bồi hoàn là có thiếu xót ?

Ông Tài có kháng cáo lên TAND tỉnh Kiên Giang bản án sơ thẩm vụ tranh chấp này. Để có cơ sở xử lý, TAND tỉnh có Công văn gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang đề nghị xác định lại việc dựa vào đâu cấp đất cho ông Tùng chiều dài là 23m. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản trả lời việc cấp đất cho ông Tùng với nội dung chủ yếu dựa vào Biên bản xác định ranh giới ngày 3/1/1996. Theo một Luật sư ở TP.Cần Thơ đánh giá, văn bản trả lời của UBND tỉnh cũng không khác gì nội dung bản án phiên sơ thẩm đã tuyên cho nên việc cấp đất vẫn chưa được ngành chức năng làm rõ.

Trao đổi với PV Dân trí về bản án sơ thẩm vụ việc này, một Luật sư ở TP.Cần Thơ đánh giá, phiên tòa đã không đúng trình tự thủ tục như không đưa nhân chứng vào lấy lời khai bởi các hộ lân cận có thể biết rõ nguồn gốc đất và sự tranh chấp giữa ông Tài, ông Tùng. Cấp sơ thẩm cũng đã không điều tra, xác minh, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ.

Cũng theo Luật sư, trong phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang cần làm rõ những "khúc mắc", trong đó cần tập trung xác định rõ nguồn gốc đất của cả nguyên đơn và bị đơn với đầy đủ nhân chứng và vật chứng để có kết luận chính xác.

Bài, ảnh: Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm