Môi giới tạo sốt ảo, người mua nhà hoang mang vì giá tăng theo ngày
(Dân trí) - Bạn đọc phản ánh, gần đây giá nhà đang ở mức cao chóng mặt so với cách đây 1 năm. Thậm chí, nhà tại khu vực môi trường sống không quá tốt, giao thông thường xuyên ùn tắc mức giá cũng cao bất thường.
Cơn sốt bất động sản đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành khiến giá bán nhiều nơi bị "thổi" lên chóng mặt. Thời điểm hiện tại, người muốn mua không mua được, người định bán lại có tâm lý tăng giá theo xu hướng.
Giá nhà quá cao khiến người mua hiện đang có tâm lý e dè, chờ đợi. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, dòng tiền khó kiểm soát nên người mua càng lo sợ phương án vay ngân hàng để mua nhà.
Còn với người bán, việc hạ giá nhà lại sợ lỗ, do hàng xóm vừa bán với giá tương tự cách đó không lâu. Chính vì thế, không ít chủ nhà đã rơi vào tình trạng rao bán nhiều tháng mà không ai hỏi mua.
Giá nhà đất đang bị đẩy lên quá cao, trong khi khả năng tài chính thực tế của những người có nhu cầu lại đang thấp dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản "sốt", nhưng rao bán không ai mua.
Phản ánh thực tế tình trạng này, bạn đọc Dân trí có nickname Nguyễn Khánh Linh cho hay: "Thực tế thị trường đang rơi vào cảnh giá tăng mà dân mua hết tiền. Bằng chứng là cứ nói giá cao, nhưng số lượng giao dịch qua khảo sát của báo chí ở các phòng công chứng các nơi là ít.
Đất ở các tỉnh ai cũng kêu tăng, nhưng người mua sau thường lấy giá bán đất lẻ của người đầu tư trước ở quanh đó làm mặt bằng giá. Ví dụ, nhà đầu tư trước mua miếng đất to 1 ha với giá 3 tỷ đồng, tính ra 300 triệu đồng/1.000 m2. Sau khi làm pháp lý hạ tầng, họ bán ra đất lẻ 1.000m2 với giá 600-900 triệu đồng.
Những người ôm đất lớn khác gần đó lấy luôn giá 600-900 triệu đồng mỗi 1.000 m2 này làm giá bán đất lớn của họ. Điều này làm mặt bằng giá tăng 2-3 lần chỉ trong một năm, nhưng vì tăng quá nhiều như vậy lại làm người mua mới chùn tay. Đó chính là nghịch lý chúng ta đang thấy."
Đồng quan điểm, bạn đọc M.Q. nhận định, ai cũng bảo đang "sốt" đất, giá đất tăng điên cuồng... thì quả thật có vài chỗ như thế. Thậm chí, một số nơi đã xuất hiện tình trạng mua tranh, bán cướp, phá cọc... Giá biệt thự vài nơi tăng tính theo lần, nhưng không phải là tất cả. Tuy nhiên, bất động sản nhiều khu vực chẳng có tí động đậy gì, muốn bán kiếm tiền tiêu tết mà khó.
Nhiều bạn đọc đồng loạt bày tỏ thái độ đồng tình, theo đó, một bạn đọc có tên Hải Hoàng cho biết, đất chững ở giá cao, toàn "cò" đẩy giá ảo chứ dịch Covid-19 khó khăn, người mua thật càng cẩn trọng hơn khi xuống tiền.
Bạn đọc Nguyễn Kim Ngân thì cảnh báo: "Vẫn chiêu thức lùa gà vào chuồng, thổi giá ảo trên trời. Ai tin vào cơn "sốt" đất ảo rồi lại trắng tay thôi. Cứ đua nhau tăng giá với thổi giá rồi chả ai mua, thị trường bất động sản đóng băng, lúc ấy mới thấy hệ quả không lường.
Toàn "cò" đất làm giá, gọi loạn lên. Họ cứ có được dữ liệu chủ đất là gọi. Gọi xong để đấy và lưu lại thông tin để khi có người mua thì giới thiệu lại. Điều này làm cho chủ đất ảo tưởng nhiều người mua, giá đất sẽ tăng tiếp và lại truyền miệng cho người khác nhưng có đâu biết được là mình bán mãi không ai mua."
Thậm chí theo bạn đọc Huy Minh, nhiều cò hiện đang phối hợp thổi giá ở những vùng "khỉ ho cò gáy" với mỹ từ homestay, nghỉ dưỡng, bỏ phố về quê, an yên, lãng mạn... khách ôm vào là kẹp. Mà đa phần khách nữ bị cảm xúc chi phối khi nghe "cò" hót.
Bức xúc trước tình trạng này, bạn đọc Hoàng Tuấn than thở, tôi đi làm thu nhập cả 2 vợ chồng gần 30 triệu đồng. Về quê thì không có việc, ra thành phố đi làm thuê nhà ổn một tí cũng phải 6-7 triệu đồng/tháng. Chi phí ăn uống nữa chắc muôn đời ko mua được nhà.
Một tình trạng đáng chú ý hiện nay theo bạn đọc phản ánh tới Dân trí là việc, khách có nhu cầu mua để ở sẽ bị "cò" báo giá tăng liên tục chỉ trong 2-3 ngày. Việc báo giá ảo này đánh vào tâm lý sợ hết hàng của người mua.
Sau khi "lùa" được khách, các môi giới sẽ lộ ra thông tin còn 1-2 căn hộ phù hợp với tiêu chí của khách, nhưng giá đã tăng tới cả gần 100 triệu đồng chỉ trong 2-3 ngày. Người mua nhà nên hết sức cẩn trọng với những chiêu trò này của "cò" bất động sản.