Miwon Việt Nam xả “phân bón” xuống giếng sinh hoạt của dân?

Nhiều người dân ở xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) phản ánh, xe của Cty TNHH Miwon Việt Nam bị vỡ ống dẫn khiến “phân bón” dạng lỏng xả thẳng ra, làm 3 giếng nước sinh hoạt chuyển màu đen kịt, bốc mùi hắc nồng nặc...

Nhiều hộ nông dân ở nhiều tỉnh/thành đang sử dụng loại “phân bón” này cũng rất hoang mang vì liệu có phải phân bón hữu cơ MV-L dạng lỏng hay là “nước thải” của Miwon?

Vỡ ống, giếng nước sinh hoạt ô nhiễm hàng loạt

Theo trình bày của người dân, ngày 16/10/2014, chiếc xe ô tô của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Quang Minh chở “phân bón” MV-L dạng lỏng của Cty Miwon đến khu vực nhà ông Triệu Trần Anh (thôn Tam Phú, xã Vân Trục) thì  xả chất lỏng xuống. Việc xả thải chất lỏng đã khiến giếng nước của gia đình ông Anh chuyển thành màu đen kịt, bốc mùi hôi hám nồng nặc. “Mới đầu không phát hiện ra, gia đình dùng nước giếng nấu ăn thì bụng đầy hơi, hoa mắt, chóng mặt. Hiện tại có 6 giếng thì 3 cái ô nhiễm nặng”, ông Anh kể lại. 

Phóng viên ra thực tế địa điểm xả “phân bón” MV-L dạng lỏng xuống, chứng kiến cây chuối bị khô vàng lá, đất có màu đen và bốc mùi hôi, hắc... Theo một số người dân, những hôm thời tiết nắng nóng, khu vực này bốc mùi, mưa xuống thì nước dềnh lên đen ngòm.

 

Ông Trần Triệu Anh chỉ
chỗ được cho là vỡ ống khiến chất lỏng tràn ra ngoài ngấm vào n
Ông Trần Triệu Anh chỉ chỗ được cho là vỡ ống khiến chất lỏng tràn ra ngoài ngấm vào nước giếng ăn nhà ông.

Trao đổi về hiện tượng này, ông Phạm Hữu Hạnh, Trưởng thôn Tam Phú cho biết: “Ngay sau khi được gia đình ông Triệu Trần Anh thông báo, chúng tôi đã có mặt để xác minh, lập biên bản sự việc. Chất lỏng này được mang từ Nhà máy Miwon cho người dân, gọi là phân MV-L dạng lỏng, để bón cây thanh long. Nay có hiện tượng như vậy, rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc của loại chất lỏng này”.

Tại buổi làm việc với PV Báo PLVN về sự việc trên, ông Jung Jin Ho- Giám đốc Nhà máy Miwon Việt Nam thừa nhận Cty Miwon có thuê Cty CP Thương mại và Dịch vụ Quang Minh vận chuyển “phân bón” MV-L. Trong quá trình cấp phân, đường ống không đảm bảo đã gây rò rỉ.

Nói rõ hơn về sự việc, ông Giang Trung Thanh - Giám đốc kinh doanh phân bón (Nhà máy Miwon) cho biết, số lượng tùy thuộc vào mùa vụ, thường mỗi ngày nhà máy phân phối ra ngoài thị trường khoảng 100 - 130 tấn, tuy nhiên thời gian này chỉ khoảng 20 - 30 tấn/ngày. Theo ông Thanh, phần lớn phân bón dạng lỏng của Cty Miwon đều cho, tặng, chỉ bán một số ít cho đại lý.

Ông Thanh cho rằng, một số hộ dân ở một vài địa phương sử dụng không đúng hướng dẫn của Công ty khiến đất vón cục, cây cối bị chết. Còn về việc nhà ông Triệu Trần Anh và một số hộ dân khác bị ô nhiễm nước giếng ăn Công ty Miwon đang tích cực xử lý, đưa ra hướng giải quyết sớm nhất.

Được biết, ngày 10/11/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49- Công an tỉnh Vĩnh Phúc) đã vào cuộc điều tra sự việc trên.

Phân bón dạng lỏng hay nước thải?

Tìm hiểu tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được biết, từ năm 2007, rất nhiều hộ dân ở đây đã dùng loại phân bón dạng lỏng này. Giá bán khoảng 10 nghìn đồng/1can nhựa 20lít. Người dân chủ yếu dùng để tưới cỏ mía cho bò ăn lấy sữa.

Trên địa bàn xã có 4 điểm bán, tại tất cả các điểm này các thùng, can đựng “nước thải” được bày bán la liệt, sản phẩm không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng, không có quy chuẩn chất lượng; nhìn ngoài có màu đen, mở ra thì mùi hắc sộc lên. Những người bán hàng cho biết, thông thường, một chủ đại lý xe téc của nhà máy chở đến đây vào ban đêm, bơm vào thùng to, rồi các hộ tự chiết ra can 20 lít để bán.

Trao đổi với PLVN, anh Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ môi trường xã Vĩnh Thịnh cho hay, năm 2007 địa phương có một đại lý lớn liên kết với Công ty Miwon kinh doanh loại phân bón dạng lỏng này. Lượng tiêu thụ khoảng 3.000 lít/1ngày. “Nhà tôi cũng mua về để tưới cỏ cho bò ăn, bản thân tôi đi tưới khoảng 100lít/1ngày cũng thấy chóng mặt, đau đầu. Thực ra, chuyên môn chúng tôi có hạn nên vẫn chưa biết phân hữu cơ MV-L dạng lỏng của công ty Miwon có thực sự tốt cho môi trường không. Dân làng rất mong cơ quan cấp trên có lời giải cho bà con, tránh gây hoang mang khi sử dụng”.

MV-L lỏng -“nước thải” được bày
bán tràn lan ngoài đường.
MV-L lỏng -“nước thải” được bày bán tràn lan ngoài đường.

Quá trình tìm hiểu của PV cho thấy, thời gian gần đây người dân ở nhiều địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... đều được Cty Miwon tặng “phân bón” dạng lỏng. Theo phản ánh, khi nông dân huyện Văn Chấn - Yên Bái sử dụng thấy lá chè xanh dày, năng suất tăng, nhưng các cây cỏ xen kẽ dưới tán chè cùng giun, dế đều chết.

Trước đó, sáng 22/5/2013, Ðội Chống hàng giả thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đột xuất kiểm tra tài liệu và hồ sơ của hộ ông Đinh Trọng Vương (thôn 3, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn) cho thấy, việc kinh doanh từ năm 2010, cứ hai ngày nhập một xe chở khoảng 20 nghìn lít phân ML-L (tương ứng hai mươi tấn) bán trực tiếp cho các hộ dân. Việc mua bán này không có hợp đồng kinh tế với đơn vị cung ứng; không có giấy phép kinh doanh phân bón, không có kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa kèm lô hàng; không có tem, nhãn hàng hóa theo quy định. Ðáng chú ý là toàn bộ các lô hàng nói trên, Công ty Miwon đều không thu tiền.

Ðội Chống hàng giả đã lấy mẫu phân bón dạng lỏng trên gửi đi giám định tiêu chuẩn chất lượng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Kết quả thử nghiệm số 189/KQ - PBQG ngày 4/6 của Trung tâm cho thấy các chỉ tiêu thử nghiệm đều vượt so với Thông tư 65/2010/BNNPTNT và tài liệu quảng cáo phân hữu cơ MV-L. Như vậy, toàn bộ số phân hữu cơ MV-L dạng lỏng đã được tiêu thụ trên các đồi chè của nông dân hai huyện Văn Chấn, Trấn Yên ước đạt cả triệu lít, nhưng không một cơ quan thẩm quyền nào thẩm định việc có hay không sự độc hại đối với môi trường.

Có quá nhiều bất thường về phân bón MV-L dạng lỏng Miwon. Qua sự việc, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kiểm nghiệm chất lượng loại phân bón này, tránh để bà con nông dân hoang mang khi sử dụng.

Theo Xuân Hồng - Quốc Quân

Pháp luật Việt Nam