Mẹ mất, cha làm khai sinh con ra sao?

Trung tâm trợ giúp pháp lý đã nhờ bệnh viện xác nhận người mẹ có đến sinh để làm tiếp thủ tục ghi thêm tên mẹ trong giấy khai sinh.

“Ngày trước, khi sinh con, vợ tôi trốn viện nên không có giấy chứng sinh. Hiện tôi muốn làm giấy khai sinh cho con nhưng khó đủ điều vì tôi mất hết giấy tờ, vợ tôi bỏ đi biệt tích đã lâu, nay cũng đã mất...” - anh Nguyễn Ngọc Khuy (180/13/7 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP.HCM) cho biết.

Anh Khuy kể anh sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Lúc nhỏ anh cũng đã được cha mẹ đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu và được cấp CMND. Khi anh 20 tuổi, gia đình gặp chuyện không may, anh bỏ nhà đi khắp nơi. Trong thời gian lưu lạc, anh mất hết giấy tờ tùy thân. Anh định về nơi ở cũ làm lại giấy tờ nhưng lúc này địa phương đã cắt hộ khẩu...

Cũng theo anh Khuy, năm 2005, anh quen và chung sống như vợ chồng với chị L. Chị L. không có giấy tờ tùy thân và cũng không biết mình sinh năm nào. Đến năm 2007, vợ anh mang thai rồi sinh con ở BV Từ Dũ. Do không đủ tiền đóng viện phí nên vợ anh trốn viện khiến con anh không có giấy chứng sinh. Nuôi con được gần một tuổi, xảy ra mâu thuẫn, vợ anh bỏ đi biệt tích. Mãi đến năm 2010, anh nhận được tin báo vợ đã chết tại một trại giam ở tỉnh Bình Phước.

Mẹ mất, cha làm khai sinh con ra sao?
Anh Khuy mong sớm làm được giấy khai sinh cho con để cháu có thể đi học như bao trẻ khác. Ảnh: NH

“Bận mưu sinh nên tôi quên hẳn chuyện làm khai sinh cho con. Đầu năm 2014, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm trọ nhỏ hơn con mình một tuổi mà đã vào lớp 1, tôi giật mình vội đi khắp nơi để hỏi thủ tục làm khai sinh cho thằng bé. Được một người hướng dẫn muốn làm khai sinh cho con tôi thì đầu tiên tôi phải đến BV Từ Dũ xin trích lục giấy chứng sinh, khi có giấy chứng sinh rồi mới đi các bước tiếp theo. Tôi đến bệnh viện thì các bác sĩ cho biết muốn trích lục giấy chứng sinh khi người mẹ đã mất thì phải có giấy chứng tử. Thế là tôi phải đi khắp nơi tìm người thân bên vợ để biết thông tin chính xác vợ tôi chết ở đâu, thời gian nào. Nhưng không ai biết chính xác cả. Hiện nay tôi chỉ mong trường hợp của mình được các cơ quan quan tâm tìm hướng ra để con tôi được làm giấy khai sinh và được đi học” - anh Khuy tâm sự.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết: Nếu sự việc đúng như anh Khuy trình bày thì trước tiên anh có thể đến phòng tư pháp quận, huyện nơi anh đã từng đăng ký khai sinh để trích lục giấy khai sinh của mình. Có giấy này xong, anh làm thủ tục nhập lại hộ khẩu. Sau đó anh có thể đến UBND phường nơi anh thường trú đăng ký nhận con theo quy định. Sau đó anh làm giấy khai sinh cho cháu ghi tên cha là mình. Trường hợp không xác định được thông tin người mẹ thì phần người mẹ bỏ trống.

Trợ giúp gia đình để giấy khai sinh có tên mẹ

Việc làm giấy khai sinh cho con trong đó làm sao để có thể có tên mẹ, anh Khuy cũng đã đến nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM hỗ trợ. Sau khi nắm vụ việc, trung tâm đã cử trợ giúp viên liên hệ với BV Từ Dũ và bệnh viện có văn bản trả lời, xác nhận sản phụ (vợ anh Khuy) có đến sinh tại bệnh viện như lời anh Khuy khai báo. Giờ đây, nếu anh Khuy làm thủ tục nhập hộ khẩu, làm giấy khai sinh cho cháu như hướng dẫn của Sở Tư pháp thì anh có thể làm tiếp thủ tục ghi nhận tên người mẹ vào giấy khai sinh trên cơ sở có giấy xác nhận của bệnh viện mà trung tâm đã thu thập được.

Ông HUỲNH TẤN ĐẠT, Phó Giám đốc Trung tâm 

Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM

 Theo Nguyễn Hiền

Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh