Mẹ già kiện con đòi tiền... trông cháu: Trông người mà ngẫm đến ta!

Khả Vân

(Dân trí) - Bà Wang cho hay, bà kiện các con không phải vì tiền mà bà muốn chúng biết rằng cần phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc con của họ.

Mẹ già kiện con, đòi tiền… trông cháu

Năm 2019, bà Wang, một phụ nữ lớn tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã kiện con trai, con dâu và đòi được trả 140.000NDT (khoảng 457 triệu đồng) vì đã chăm lo cho cháu nội suốt 8 năm trời, kể từ khi đứa bé mới được một tuổi.

Tuy nhiên, bà Wang chỉ được trả một nửa số tiền yêu cầu, sau khi thẩm phán yêu cầu cặp vợ chồng người con phải trả cho mẹ 70.000NDT.

Bà Wang cho hay, một mình bà đã phải chăm lo cho đứa cháu nội từ khi mới một tuổi. Theo đó, bà đã trả mọi chi phí sinh hoạt, học phí, tiền thuốc men cho cháu để duy trì hòa thuận gia đình.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tối đa của bà, con trai và con dâu bà Wang vẫn bày tỏ ý định ly hôn. Cảm thấy tức giận, bà Wang đã kiện con trai và con dâu ra tòa, đòi họ trả số tiền mà bà nuôi cháu.

Mẹ già kiện con đòi tiền... trông cháu: Trông người mà ngẫm đến ta! - 1

Các ông bà luôn yêu thương con cháu vô điều kiện (Ảnh minh họa).

Bà cho hay, bà kiện các con không phải vì tiền mà bà muốn chúng biết rằng cần phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc con của họ. Suốt 8 năm qua, bà Wang là người lo phần lớn chi phí sinh hoạt cho cháu trai và nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ. Trong khi đó, con dâu và con trai bà sau một thời gian làm ăn xa lại muốn ly hôn, đường ai nấy đi. Bà cho đó là hành động vô trách nhiệm của cả hai người.

Thông tin về vụ việc đã nhận được các phản ứng trái chiều từ cư dân mạng Trung Quốc. Một số người ủng hộ bà Wang và cho rằng bà xứng đáng được nhận nhiều tiền hơn. Mặt khác, một số người lại nhận xét, ông bà không nên quá tính toán, đặc biệt là khi nhiều người thường gây sức ép với con phải sinh em bé với cam kết họ sẽ nuôi chúng. 

Trước đó, Tòa án nhân dân Bắc Kinh đã đồng tình với yêu cầu đòi bồi thường của một người phụ nữ cao tuổi vì bà đã giúp con cái nuôi cháu gái mình kể từ khi đứa trẻ chào đời vào năm 2002. Bà cũng kiện con trai và con dâu (đã ly hôn), đòi 288.000NDT tiền chăm cháu và được tòa án xử được nhận 100.000NDT.

Mới đây nhất, Tòa án nhân dân TP Nam Kinh, Trung Quốc cũng đã tuyên xử vụ kiện bà ngoại đòi tiền nuôi cháu từ con gái và con rể, sau 8 năm nuôi cháu thay con.

Năm 2016, con rể bà Phương đưa "giấy cam kết" cho mẹ vợ với lời hứa sẽ trả 3.000 Nhân dân tệ/tháng (hơn 10 triệu đồng/tháng) trong suốt thời gian chăm cháu và cuối năm sẽ đưa tiền 1 lần.

Cuối năm 2020 vừa qua, con gái bà Phương ly hôn và đứa con do người mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cả con gái và con rể chưa từng thực hiện lời hứa trả tiền công chăm sóc cho bà. Vì thế, bà Phương đệ đơn kiện cả 2 ra Tòa, yêu cầu trả "phí chăm sóc cháu" cho bà với tổng số tiền hơn 200.000 Nhân dân tệ, tức hơn 700 triệu đồng.

Tòa án Nam Kinh đã phán quyết: nuôi dưỡng và giáo dục con cái là nghĩa vụ của cha mẹ, bà Phương không có nghĩa vụ nuôi cháu. Việc con rể bà dùng "giấy cam kết" hứa hẹn trả công cho mẹ vợ thì phải thực hiện theo thỏa thuận. 

Tòa tuyên con rể và con gái có nghĩa vụ trả hơn 80.000 Nhân dân tệ (hơn 280 triệu đồng) cho bà Phương.

"Vợ chồng đẻ con phải tự nuôi, không phải nghĩa vụ nuôi con của ông bà nội ngoại"

Đó là quan điểm của Luật sư Vũ Văn Tiến, Công ty Luật TNHH Olympic.

Luật sư Tiến chia sẻ: "Có bạn nào nghĩ sau khi kết hôn và sinh con thì sẽ nương nhờ ông bà nội ngoại nuôi dưỡng và chăm sóc chưa? đặc biệt những gia đình còn ông bà nội, ngoại còn khỏe mạnh và có điều kiện để nuôi dưỡng và chăm sóc. Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng không có bất kỳ quy định nào của pháp luật quy định ông bà nội, ngoại phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu mình nếu cháu mình còn cha mẹ đủ khả năng nuôi dưỡng".

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 104 của Luật HNGĐ có quy định: "1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu."

Vì vậy, sinh con được thì phải nuôi con được, ông bà nội ngoại không có nghĩa vụ phải nuôi cháu mà chỉ phụ giúp trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu.

Còn trong trường hợp cháu mình không có người nuôi dưỡng (tức mất cha mẹ, anh chị, chú, bác,..) thì ông bà nội ngoại mới có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng cháu. Do vậy, đẻ được thì phải nuôi được và nghĩa vụ này là của cả hai vợ chồng được chia đều cho nhau để cùng thực hiện. Vợ chồng không có quyền và không thể đùn đẩy trách nhiệm và nghĩa vụ này cho ông bà nội ngoại hay người khác khi vợ chồng còn sống và còn khả năng lao động được.

Đây được cho là quy định phù hợp với đạo đức và chuẩn mực chung của xã hội, do vậy, người làm con cần phải hiểu và có ứng xử phù hợp cho trọn đạo nghĩa và không trái với quy định của pháp luật.

Ngược lại, các bạn nên nghĩ rằng ông bà nội ngoại họ có quyền nhận được sự nuôi dưỡng chăm sóc từ các con, cháu khi về già mới đúng, mà không phải là nghĩa vụ nuôi con, rồi phải nuôi cháu của ông bà nội ngoại hoặc các bạn có tư tưởng "trời sinh voi, sinh cỏ" là không đúng.

Bình luận về vấn đề này, có bạn đọc cho rằng: "Nhiều phụ huynh châu Á thường ỷ lại việc chăm sóc con cho bố mẹ già thật đáng lên án, và nhiều ông bà cũng có suy nghĩ giúp con nuôi cháu là chuyện thường tình và sống theo kiểu trẻ nuôi con già nuôi cháu.

Đẻ con cháu ra cho ông bà vui chứ không phải làm thêm cực khổ cho ông bà. Đẻ ra được thì nuôi được, nuôi để biết cực khổ với người ta. Còn tuổi già của ông bà là phải được nghỉ ngơi, tận hưởng".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện lại rằng: "Văn hóa của người Việt Nam cũng có nét tương đồng với Trung Quốc, khi không bao giờ có chuyện ông bà được nghỉ đúng nghĩa cả. Nếp sống của ta là gần gũi, quây quần, đùm bọc, san sẻ, sẻ chia tình cảm, luôn luôn là như thế. Vì vậy, ông bà không thể làm ngơ hay không đoái hoài gì đến cháu cả, nhất là khi con cái còn bận công tác. Hơn nữa tuổi già sợ cô đơn, không muốn là người thừa nên dù mệt mỏi nhưng luôn muốn gần gũi và làm mọi điều có thể để bên con cháu.

Thật ra trẻ con cũng biết hết, lớn lên nó sẽ yêu thương ai lúc nhỏ yêu thương chăm sóc nó. Còn nghĩa vụ nuôi con rõ ràng là của cha mẹ, việc ông bà chăm cháu thì cũng được nhưng đừng viết giấy cam kết như trên. Ví dụ mỗi tháng biếu một ít, tháng nhiều tháng ít cũng không cha mẹ nào nói gì, hoặc mua sơn hào hải vị ông bà ăn cho biết cũng được. Nhưng tốt nhất vẫn là tự nuôi con, ông bà lâu lâu thăm cháu là tốt nhất".

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào, hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!