Mật và minh bạch

Có lẽ danh mục “mật” của ngành xây dựng sẽ không gây chú ý nếu như nó không được ban hành chỉ năm ngày sau khi tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, muốn chống được tham nhũng thì phải hạn chế bớt những thông tin được cho là “mật”.

Trong danh mục mật này có rất nhiều vấn đề dân cần biết, cần bàn, cần kiểm tra: đề án xây dựng quy hoạch vùng, khu kinh tế đặc thù; hồ sơ, tài liệu kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành xây dựng; hồ sơ nhân sự cấp vụ trưởng trở lên; tài liệu xác minh sự cố đối với các công trình xây dựng quan trọng…

Không thể xử lý vì… “mật”

Theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, bộ trưởng bộ Công an chỉ ký danh mục “mật” theo đề nghị của người đứng đầu ngành xây dựng. Trên thực tế “mật” đã từng được không ít nơi dùng như một lý do gây khó khăn cho lực lượng đấu tranh chống tham nhũng. Tại cuộc hội thảo về chiến lược phòng và chống tham nhũng, do Thanh tra chính phủ tổ chức hôm 18/8/2008, phó chánh thanh tra bộ Công an Trịnh Văn Chương nói rằng: Một số nơi, danh sách “mật” do thủ trưởng đơn vị quy định đã khiến cho cán bộ thanh tra muốn tiếp cận cũng khó và càng khó hơn vì, không thể đem tài liệu mật ra công khai xử lý (theo báo Pháp Luật Việt Nam).

Ông Trịnh Văn Chương cho biết, có rất nhiều văn bản không hề làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, nhưng vẫn được nhiều cơ quan đóng lên dấu “mật”. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật quy định: “Bí mật nhà nước” là những thông tin, tài liệu mà nếu “khi tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhưng, đọc kỹ danh mục “mật” do 32 bộ, ngành đưa ra kể từ năm 2003 tới nay, thấy, có rất nhiều vấn đề, chính sự bưng bít chứ không phải “tiết lộ” thông tin mới “gây nguy hại cho đất nước”. Hồ sơ cán bộ từ “cấp vụ trở lên”, hồ sơ xác minh đơn thư tố cáo; tài liệu thanh tra, kiểm tra… lẽ ra phải là những thứ cần được công khai, lại được đa số các bộ, ngành xếp vào “danh mục mật”. Che giấu hồ sơ cán bộ, ém nhẹm đơn thư tố cáo chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn “chạy chức, chạy quyền”.

Đừng để “mật” bị lạm dụng

So với bản danh mục mật của ngành xây dựng ban hành năm 2004, danh mục mới này tăng thêm hai nội dung. Trong đó, “hồ sơ, tài liệu xác minh sự cố đối với công trình xây dựng quan trọng” đã được đưa vào danh mục mật. Rất lạ là “danh mục” mới ấy được bổ sung sau “sự cố” sập cầu Cần Thơ, và vụ bốn đốt hầm ngầm qua Thủ Thiêm, thuộc dự án xa lộ đông tây, bị nứt. Lẽ ra, sau vụ cầu Cần Thơ chính ngành xây dựng phải thấy rằng, công bố nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra “sự cố” không chỉ là trách nhiệm chính trị trước nhân dân mà còn là vấn đề đạo đức và lương tâm trước vong linh của hàng chục người đã chết.

“Dự án quy hoạch vùng và khu kinh tế đặc thù”, được coi là “mật” từ năm 2004. Rõ ràng, khi những dự án quy hoạch bị bí mật với nhân dân, nó sẽ là “ngàn vàng” cho những kẻ đầu cơ địa ốc và những người nắm giữ thông tin. Thế nhưng, “quy hoạch”, trong quyết định mới này, vẫn nằm trong “danh mục mật”.

Để các bộ, ngành có quyền đề xuất danh mục bí “mật” cho các vấn đề thuộc ngành mình có lẽ là một khiếm khuyết của pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. Bởi, không mấy cơ quan quyền lực tự giác đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của nhân dân. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chưa giám sát hữu hiệu tiến trình thi hành pháp lệnh này, để “bí mật” đã được không ít cơ quan lạm dụng.

Rất dễ hiểu khi những người đứng đầu các cơ quan quyền lực vẫn đưa vào danh mục mật rất nhiều quy định không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia. Không thể đấu tranh với tham nhũng nếu không nâng cao tính minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan công quyền. Chữ “mật” tuỳ tiện trên các tài liệu chỉ có tác dụng bưng bít thông tin với nhân dân và đặt các nhà báo, những người đưa tin, trong tình thế có nhiều rủi ro pháp lý.

Huy Đức
Báo Sài Gòn Tiếp Thị