Mang quan tài, vòng hoa đi đòi nợ: Chủ nợ, con nợ cùng khốn đốn!

Khả Vân

(Dân trí) - Theo các luật sư, hành vi mang quan tài, vòng hoa, bật nhạc đám ma... đến nhà con nợ để đòi nợ là vi phạm pháp luật.

Hợp đồng vay mượn vốn là hợp đồng được sử dụng rất nhiều hiện nay. Dựa trên những quy định của pháp luật; hợp đồng vay mượn bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho cả hai bên: bên vay và bên cho vay.

Tuy nhiên, không phải ai vay cũng đều trả được. Vậy nên, hình thức đòi nợ pháp lý ra đời. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại; hình thức đòi nợ pháp lý vẫn chưa thực sự phổ biến. Nhiều người vẫn quan niệm, đòi nợ phải nhờ đến giang hồ, phải đe dọa sao cho con nợ sợ hãi mà trả nợ. Điều này vô hình chung đẩy chủ nợ thành người có hành vi vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc, vay mượn tiền là quan hệ dân sự. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Quá trình đòi nợ, chủ nợ có quyền nhắc nợ, liên hệ để đòi nợ nhưng việc đòi nợ không được đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nợ, không được sử dụng vũ lực, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người nợ tiền để tránh trở thành người phạm tội và bị xử lý trước pháp luật.

Mang quan tài, vòng hoa đi đòi nợ: Chủ nợ, con nợ cùng khốn đốn! - 1

Người phụ nữ mang đồ lễ đến trước nhà con nợ cúng bái (Ảnh: CAND).

Liên tiếp các vụ mang quan tài, vòng hoa, thắp hương... tại nhà con nợ

Cuối tháng 11/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã khởi tố các đối tượng Phạm Đình Phước (SN 1992), Phạm Thế Nhớ (SN 2001), Huỳnh Văn Nhân (SN 1991, cùng trú xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu về tội danh "Gây rối trật tự công cộng".

Sự việc bắt đầu khi Phước cho Dương Văn Toàn là người cùng làng vay 200 triệu đồng. Đến hạn, Toàn không có khả năng trả nợ nên bỏ đi khỏi địa phương. Tìm không được Toàn, gọi điện thoại cũng không được, Phước đã rủ Nhớ đến gặp bà Vân là mẹ Toàn để đòi nợ, nhưng bà Vân không đồng ý trả nợ thay cho con.

Bực tức vì tiền không đòi được, Phước rủ thêm Nguyễn Tấn Tuấn (SN 2002, trú cùng xã) đi đòi nợ. Các đối tượng mang chiếu trải trước ngõ nhà bà Vân, thắp nhang cắm dọc rào lưới nhà bà. Đến tối, Phước dùng điện thoại ghi âm lời lẽ của mình kêu gào đòi nợ, rồi cùng Nhớ kết nối vào loa mini qua Bluetooth để khủng bố nhà con nợ bằng âm thanh.

Cũng xuất phát từ việc đòi nợ không được, tháng 10/2021, một phụ nữ đã mang vàng hương, hoa quả, gà, đồ cúng đến trước nhà con nợ gõ mõ, cúng bái, kêu gào ầm ĩ. Hình ảnh đó được quay lại và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Sự việc trên xảy ra ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Qua thông tin từ đoạn clip cho thấy, người phụ nữ cúng bái tên H và người phụ nữ tên N.T.H có nợ nần với nhau. Do nhiều lần đòi không được tiền nên H đã tới nhà con nợ thắp hương cúng bái nhằm gây sức ép đòi nợ.

Mang quan tài, vòng hoa đi đòi nợ: Chủ nợ, con nợ cùng khốn đốn! - 2

Người dân mang quan tài đặt trước nhà chủ hụi để đòi nợ (Ảnh: Trương Nguyễn).

Mới đây nhất, vào chiều 15/2, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip người dân đặt quan tài trước cửa nhà và mở nhạc đám ma lớn để đòi nợ. Trong đoạn clip, nhiều người dân hô lớn tên của chủ hụi để đòi nợ; có người bị nợ vài trăm triệu đồng, có người cả tỷ đồng… Sự việc gây hiếu kỳ khiến lượng người đổ về trước căn nhà này rất đông, gây náo loạn cả tuyến đường và cơ quan chức năng đã đến để vận động.

Sự việc xảy ra tại thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Chủ tịch thị trấn Ea Kar cho biết, bà S. là chủ của một đường dây hụi trên địa bàn. Khoảng một năm nay bà S. có ôm số tiền khoảng trên 10 tỷ đồng của hàng chục người rồi giữ mà không giao cho người khác khi tới lượt. Do bà S. đã nhiều lần hứa hẹn trả nhưng không thực hiện nên người dân rất bức xúc.

Nợ không đòi được, còn mang thêm tội

Những vụ đòi nợ kiểu trên đã gây dư luận trái chiều. Có người bày tỏ sự cảm thông, bởi cực chẳng đã, vì đòi nợ không được quá bức xúc nên người ta mới phải làm như thế.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng dù nợ nần gì thì cũng không nên đòi nợ kiểu như vậy, có nhiều cách hành xử khác, làm như vậy gây mất an ninh trật tự, thậm chí còn vướng vào vòng tố tụng.

Ngoài ra, theo các luật sư thì hành vi mang quan tài, nhạc đám ma... đến nhà đòi nợ của những người này là sai. Kể cả trong trường hợp người bị đe dọa là con nợ.

Bên cạnh đó, hành vi tụ tập đông người, mang quan tài tới nhà rồi chửi bới, la hét, xúc phạm người vay tiền nhằm đòi nợ là hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần, gây hoang mang cho con nợ và làm náo loạn, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh, làm rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi này.

Tùy thuộc diễn biến hành vi của những người đòi nợ, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nhóm người này có thể bị xử phạt về hành vi Vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, họ bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng.

Nếu hành vi được xác định là tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, mức hình phạt là từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Còn nếu họ lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng, mức phạt sẽ là 2-3 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác định việc dùng quan tài, vòng hoa... để đòi nợ được coi là thủ đoạn để uy hiếp tinh thần, ép con nợ trả tiền, những người này còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.