Hà Nội:
Lùm xum việc tranh chấp lối đi, Chi cục thi hành án quận Long Biên bị khiếu nại
(Dân trí) - Liên quan đến vụ tranh chấp lối đi giữa bà Nguyễn Thị Tân và cụ Nguyễn Văn Đông, VKSND TP Hà Nội đã gửi công văn VKSND Tối cao kiến nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, Chi cục THA dân sự quận Long Biên vẫn cưỡng chế thi hành án.
Theo Đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, bà Nguyễn Thu Nga cho biết hiện nay bà đang là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp ngõ đi chung tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội, giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tân, bị đơn là cụ Nguyễn Văn Đông. Lối đi chung hiện đang tranh chấp có nguồn gốc là do dòng họ Trịnh bên nội nhà bà xây từ ngày xưa. Để có được ngõ đi như hiện nay, các thế hệ dòng họ Trịnh đã rất nhiều lần tôn tạo, sửa chữa như đổ bê tông, nâng nền đường ngõ…
Từ trước tới nay, gia đình bà Tân không hề sử dụng ngõ đi này mà đi lối ngách 31/67 Nguyễn Văn Cừ. Khi làm đường, cũng như khi tôn tạo, nâng cấp đường bê tông, bà Tân không có ý kiến cũng như không đóng góp gì về công sức và tài chính. Thế nhưng, ngày 18/7/2011, bà Tân lại có đơn khởi kiện đến TAND quận Long Biên yêu cầu công nhận quyền được sử dụng lối đi chung đối với ngõ đi chung này của dòng họ Trịnh.
Ngày 02/7/2012 TAND quận Long Biên tiến hành xét xử sơ thẩm và đã tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Tân và buộc ông Đông và các con gồm anh Xuân, chị Nga, chị Hà phải tháo dỡ bức tường xây để chị Tân được sử dụng lối đi chung”
Vì không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm nêu trên, bà Nga đã làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, ngày 13/5/2013 TAND TP Hà Nội đã ban hành bản án phúc thẩm số 114/2013/DSPT với nội dung: “chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác nhận lối đi tính từ ranh giới đất giáp hộ ông Chiến ra đến ngõ 67 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội”
Theo bà Nga, phán quyết của TAND TP Hà Nội là không thỏa đáng, chưa xem xét đúng những vấn đề quan trọng của vụ án, xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do vậy, ngay sau khi có bản án số 114/2013/DSPT, bà Nga và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có Đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi đến các cơ quan chức năng.
Ngày 11/06/2013, Chi cục thi hành án quận Long Biên, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 774/QĐ-CCTHA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án là bà Nguyễn Thị Tân.
Không đồng ý với nội dung của bản án và nội dung quyết định số 774/QĐ-CCTHA, bà Nga đã có đơn gửi đến Chi cục THA quận Long Biên đề nghị hoãn thi hành án. Liên tiếp sau đó, bà Nga gửi rất nhiều Đơn khiếu nại, Đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
Ngày 18/06/2013, VKSND TP Hà Nội đã có công văn số 663/VKS-P5 gửi đến VKSND Tối cao kiến nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm bản án số 114/2013/DSPT.
Tuy nhiên, ngày 09/5/2014, Chi cục THA dân sự quận Long Biên vẫn tiến hành cưỡng chế THA theo Quyết định số 774/QĐ-CCTHA và Thông báo THA số 290 ngày 22/4/2014.
Bà Nga cho biết: “Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng Luật thi hành án dân sự năm 2008, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, bởi lối đi chung hiện đang tranh chấp có nguồn gốc là do dòng họ Trịnh xây dựng và tự bỏ tiền ra sửa chữ, nâng cấp, tôn tạo. Điều này đã được xác định tại Bản án số 114/2013/DSPT ngày 13/5/2013 của TAND TP Hà Nội: “Việc xây dựng đường bê tông cho các ngõ xóm trong tổ dân phố, ngân sách Nhà nước đầu tư 100% cho các tuyến ngõ chính còn các ngõ nhỏ chủ trương chung là Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở đề nghị của các hộ dân trong ngõ và tổ dân phố, các hộ trong ngõ tự bỏ tiền tôn tạo ngõ đi để khỏi úng ngập và để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con trong ngõ.”.
Do vậy, bà Nga đã làm Đơn khiếu nại và Đơn kiến nghị gửi đến Chi cục THA dân sự quận Long Biên đề nghị phải làm rõ được vấn đề trên thì mới đồng ý thi hành án. Tuy nhiên, chi cục THA dân sự quận Long Biên không chấp nhận với lý do: kiến nghị của bà Nga liên quan đến Bản án số 114/2013/DSPT ngày 13/5/2013 của TAND TP Hà Nội, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục THA quận Long Biên.
Bà Nga cho biết, Chi cục THA dân sự quận Long Biên chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại của bà, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về THA dân sự mà vẫn tiến hành cưỡng chế THA, xâm phạm nghiêm trọng quyền - lợi ích hợp pháp của bà. Điều này còn thể hiện ở việc bà Nga bị ốm, phải nhập viện điều trị nên có đơn xin hoãn Thi hành án nhưng cơ quan THA đã bất chấp việc này và vẫn tiến hành cưỡng chế THA trái pháp luật đối.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla cho biết: khi có khiếu nại của các đương sự thì Chi cục THA dân sự quận Long Biên sẽ phải tiến hành giải quyết khiếu nại, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy có những vấn đề chưa được làm rõ thì phải có công văn gửi đến Tòa án đề nghị giải thích bản án để việc thi hành án được đảm bảo thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:
Theo Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì: “Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự”.
Và tại Điều 179 Luật THA dân sự năm 2008 quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án,
Luật sư Hòe phân tích: Theo quy định tại Điều 143 Luật thi hành án năm 2008 thì người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;”
Cũng theo Điều 145 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì
1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền sau đây:
b) Tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này, nếu xét thấy việc thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại”
Do đó, khi có khiếu nại của đương sự, cơ quan THA cần phải dừng ngay việc THA để giải quyết dứt điểm việc khiếu nại.
Theo luật sư Hòe thì trước việc bà Nga bị ốm phải nằm điều trị tại bệnh viện (Có giấy chứng nhận của bệnh viện), cơ quan THA phải căn cứ vào Khoản 1 Điều 48 Luật THA năm 2008 để ra Quyết định hoãn THA:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;”
"Tuy nhiên, Chi cục THA dân sự quận Long Biên vẫn cương quyết thực hiện đến cùng việc THA trong khi đang có khiếu nại của đương sự, đặc biệt là khi người phải thi hành án đang ốm phải nằm điều trị tại bệnh viện, là một hành vi có dấu hiệu cố ý làm trái cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm", luật sư Hòe phân tích.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Anh Thế