Hà Nội:
Lùm xum khiếu nại của khách hàng mua nhà tại dự án ParkCity
(Dân trí) - Trong khi khách hàng tố chủ đầu tư Dự án ParkCity tự ý thay đổi thiết kế xây dựng để “ép” khách hàng phải nộp thêm tiền mua nhà; tranh chấp hợp đồng với khách hàng vẫn chưa được giải quyết, thì chủ đầu tư đã tự ý mang bán tài sản cho bên thứ ba thì chủ đầu tư dự án lại phản hồi cho rằng khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản của hợp đồng
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Trần Thị Dung (trú tại N1, C12 Tập thể Nhà máy Pin Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) là khách hàng mua nhà tại Dự án Khu đô thị mới ParkCity có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (Công ty VIDC).
Theo bà Dung, ngày 24/11/2011, bà đã ký Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC với Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC) căn nhà số 06, dãy 05 thuộc Tiểu khu Ngọc Lan, Khu đô thị mới ParkCity. Ngay sau khi ký hợp đồng kèm bản vẽ thiết kế thi công, bà Dung đã phải nộp 30% tổng giá trị hợp đồng mua bán, tương đương hơn 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2013, Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh lại gửi văn bản yêu cầu bà phải nộp thêm 315 triệu đồng tiền chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà. Lý do được Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh đưa ra là do: “Bản vẽ và thiết kế gốc căn nhà 06/05/TH4B(M) đã bị thay đổi theo yêu cầu của chồng bà, ông Nguyễn Chân Phương”!
Tuy nhiên, bà Dung luôn yêu cầu giữ nguyên thiết kế như hợp đồng đã ký giữa bà và công ty.
Bà Dung cho rằng yêu cầu của Tổng Giám đốc VIDC là không có cơ sở pháp luật; Theo bà Dung, VIDC đã tự ý cho thi công căn nhà không theo như thiết kế tại bản vẽ kèm theo trong hợp đồng, hai bên chưa từng có thêm thỏa thuận hay ký thêm phụ lục để thay đổi hợp đồng mua bán, chỉnh sửa thiết kế xây dựng nên bà Dung đã không chấp thuận đóng số tiền nói trên.
“Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC được thỏa thuận và ký kết giữa tôi và VIDC, không liên quan đến chồng tôi là ông Nguyễn Chân Phương. Tôi là chủ thể pháp lý đứng tên trong hợp đồng, do vậy mọi giao dịch, thỏa thuận phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng chỉ có tôi mới đủ tư cách đàm phán với VIDC” - bà Trần Thị Dung cho biết.
Theo đơn của bà Dung, khi số tiền phát sinh ngoài hợp đồng 315 triệu đồng còn chưa được giải quyết xong, ngày 22/8/2013, VIDC tiếp tục gửi Thông báo nộp tiền lần 2 tới bà Dung, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, tương đương 15% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở.
Phối cảnh một góc dự án Parkcity.
Bà Trần Thị Dung đã từ chối chưa nộp và có văn bản gửi đến VIDC cho biết: “Tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng theo quy định trong hợp đồng nếu VIDC cũng chấp hành đúng các điều khoản về nghĩa vụ của Công ty trong Hợp đồng (thi công theo đúng bản vẽ trong hợp đồng, đúng chất lượng, tiến độ và thời hạn bàn giao nhà)”.
Ngày 19/2/2014, Công ty Luật TNHH Winco (số 343 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là đơn vị được VIDC ủy quyền, đã có Thông báo chấm dứt hợp đồng số 153/SPA-TH-VIDC gửi tới bà Dung. Ngoài ra, bà Dung còn phải chịu các khoản tiền phạt hợp đồng, lãi suất chậm thanh toán, phí luật sư do VIDC đưa ra và chỉ còn được nhận lại gần 1,8 tỷ đồng so với số tiền thực tế đã nộp hơn là 3,2 tỷ đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng)! “Việc thanh toán sẽ được thực hiện sau khi VIDC bán được căn nhà số 06, dãy 05… cho người thứ 3”.
Ngày 7/8/2015, phía Công ty Luật Winco đã tiếp tục ra Thông báo số 78/2015/CV-Winco gửi tới bà Dung về việc nhận lại số tiền sau khi đã phạt hợp đồng và Công ty VIDC đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng căn hộ số 06/05/TH4B(M) cho bên thứ 3.
Thông báo chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bà Dung bồi thường thiệt hại của chủ đầu tư dự án Parkcity bị bà Dung phản ứng.
Liên quan đến khiếu nại của khách hàng, phía Công ty VIDC cho rằng: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Trần Thị Dung đã không thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản của Hợp đồng 153 đã ký (Điều 8.1 của Hợp đồng 153), nên Hợp đồng số 153 đã được chấm dứt theo các văn bản hợp lệ từ hai bên và theo đúng những quy định tại Hợp đồng số 153: Thông báo ngày 19/2/2014 về việc chấm dứt Hợp đồng số 153/SPA-TH-VIDC ngày 24/11/2011 từ Công ty Luật WINCO - Công ty Luật do Công ty VIDC ủy quyền; Thông báo ngày 18/3/2014 từ bà Trần Thị Dung về việc hủy hợp đồng mua bán nhà ở do bà Trần Thị Dung ký.
Việc chấm dứt Hợp đồng số 153 trên tiếp tục được các bên thống nhất, ký tên xác nhận tại Biên bản làm việc ngày 19/5/2014 với sự có mặt của các bên liên quan là bà Trần Thị Dung, Đại diện Văn phòng Luật sư AIC - Đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Thị Dung trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp đồng số 153; Đại diện Công ty VIDC, Đại diện Công ty Luật WINCO. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục thương lượng, hòa giải để giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt Hợp đồng số 153 là khoản tiền bà Dung đã nộp tương ứng với 30% giá trị Hợp đồng nêu trên”.
Phía Công ty VIDC cho rằng nguyên nhân sự việc là do ông Nguyễn Chân Phương khi còn giữ cương vị Phó tổng giám đốc công ty đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ mua bán căn nhà.
Tuy nhiên, bà Dung vẫn kiên quyết cho rằng hợp đồng mua nhà là cá nhân bà ký kết với Công ty VIDC. Vì vậy, bà không chấp nhận việc lý giải của công ty về sự liên quan của ông Nguyễn Chân Phương dẫn đến việc huỷ hợp đồng gây thiệt hại tài sản của bà.
Được biết, cả bà Trần Thị Dung và Cá nhân ông Lawrence Peh cùng Công ty VIDC đều đã gửi các nội dung liên quan ra cơ quan công an giải quyết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế