Luật sư phân tích về quyền nộp đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải
(Dân trí) - Ông Đoàn Ngọc Hải được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV sáng ngày 4/6. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận quyết định, ông Hải đã bất ngờ nộp đơn từ chức vào buổi chiều. Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích về quyền nộp đơn xin từ chức của ông Hải.
Phát biểu tại buổi lễ trao quyết định sáng ngày 4/6, ông Hải cho biết lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần làm việc với ông về công việc, gợi ý nhiều vị trí. Ông đã trình bày rất rõ về nguyện vọng nhưng chưa được xem xét, chấp thuận.
“Công việc mới này tôi chưa có bằng cấp chuyên môn phù hợp. Nhưng với trách nhiệm đảng viên thì tôi nghĩ tôi phải chấp hành”, ông Hải nói.
Ngay sau khi chấp hành quyết định phân công nhiệm vụ mới, ông Hải đã nộp đơn xin từ chức.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: “Luật Cán bộ Công chức giải thích: Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” (Khoản 3 điều 54 Luật Cán bộ, công chức )
Điều 8 Luật Cán bộ Công chức số 22/2008/QH12 quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước ở đây có thể hiểu là việc sắp xếp, cơ cấu, bố trí, điều chuyển vị trị công tác, chức danh với cán bộ công chức.
Tuy nhiên, cán bộ công chức vẫn có quyền chủ động từ chức theo các căn cứ quy định tại điều 54 Luật Cán bộ, công chức về Từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức:
“Công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Không đủ năng lực, uy tín.
- Theo yêu cầu nhiệm vụ.
- Vì lý do khác.
Luật sư Quách Thành Lực.
Theo luật sư Lực, riêng với công chức lãnh đạo, quản lý chỉ được từ chức khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, nếu chưa có ý kiến đồng ý người này vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
“Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức:
Điều 42. Từ chức, miễn nhiệm đối với công chức
1. Việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
b. Công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao;
d. Công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
………….3. Công chức chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do từ chức hoặc miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.
Xin cảm ơn luật sư!
Anh Thế (thực hiện)