Luật sư phân tích quy trình thu hồi đất bị “làm tắt” tại Bắc Ninh

(Dân trí) - Như báo Điện tử Dân trí đã thông tin về Đơn kêu cứu của ông Trần Văn Được ( trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho rằng UBND xã Yên Phụ và UBND huyện Yên Phong đã có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thu hồi đất của gia đình ông Trần Văn Được. Theo ông Được, do những sai phạm này dẫn tới việc gia đình ông Được không hề biết về việc cơ quan chức năng đã thu hồi phần diện tích đất mà gia đình ông đang sử dụng ổn định trên nửa thế kỷ.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla dưới góc độ pháp lý.

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết quy trình thu hồi đất được quy định trong luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành như thế nào?

Theo hồ sơ liên quan đến việc thu hồi đất của gia đình ông Được thì thời điểm thu hồi đất diễn ra vào năm 2012, do vậy sẽ phải áp dụng các quy định pháp luật của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003. Theo đó, quy trình thu hồi đất được quy định cụ thể như sau:


Luật sư Trương Quốc Hoè: Quy trình thu hồi đất của gia đình anh Trần Văn Được đã bị làm tắt.

Luật sư Trương Quốc Hoè: "Quy trình thu hồi đất của gia đình anh Trần Văn Được đã bị làm tắt".

Bước 1: Lập quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; Xét duyệt và công bố quy hoạch xây dựng;

Bước 2: Ra thông báo thu hồi đất cho người đang sử dụng đất được biết; Thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư:

Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với các địa phương đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất thì UBND cấp có thẩm quyền có thể giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho Tổ chức phát triển quỹ đất;

Bước 3: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Bước 4: Lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

+ Hội đồng bồi thường hoặc tổ chức phát triển quỹ đất phải tiến hành niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và tại các điểm sinh hoạt khu dân cư nơi bị thu hồi đất để người bị thu hồi đất và những người liên quan tham gia ý kiến. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện những người bị thu hồi đất.

+ Sau khi niêm yết và thu thập các ý kiến đóng góp, Hội đồng bồi thường hoặc tổ chức phát triển quỹ đất sẽ hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bước 5: Ban hành Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường: Tại Điều 130 Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định:

 


Anh Được cho biết đến khi ra Toà mới biết về Quyết định thu hồi đất của gia đình.

 

Anh Được cho biết đến khi ra Toà mới biết về Quyết định thu hồi đất của gia đình.

 

Trường hợp trên khu đất thu hồi có diện tích đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể đối với từng thửa đất do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.

Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thu hồi đất, cơ quan Tài nguyên và môi trường trình UBND cùng cấp phê duyệt và công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Như vậy, việc thu hồi đất trong đó có thửa đất của hộ gia đình, cá nhân phải có Quyết định thu hồi đất riêng trong đó xác định rõ thửa đất của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.

Bước 6: Thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giao đất, cho thuê đất;

Bước 7: Cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (nếu bắt buộc phải thực hiện);

Bước 8: Quản lý quỹ đất đã thu hồi: Sau khi hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND cấp tỉnh quyết định giao đất cho Tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Thưa luật sư, như ông Được đã trình bày trong nội dung Đơn kêu cứu thì gia đình ông không hề biết được thửa đất gia đình mình đang sử dụng hơn nửa thế kỷ đã bị thu hồi theo Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 03/02/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh cho tới khi nhận được Công văn số 2368/UBND-NC ngày 02/10/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết khiếu nại của gia đình mình liên quan đến nguồn gốc đất. Bên cạnh đó, cho tới thời điểm này, gia đình ông Được cũng chưa nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào. Xin luật sư cho biết quan điểm về vấn đề này?

Việc UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định thu hồi đất mà gia đình ông Được không hề biết thửa đất của mình đã bị thu hồi cho thấy việc thu hồi đất đã có nhiều sai phạm, cụ thể như sau:

Về việc thông báo thu hồi đất: Như quy định trên, trong thông báo thu hồi đất phải có nội dung thể hiện rõ lý do thu hồi đất, vị trí khu đất. Mặt khác, việc thông báo thu hồi đất phải được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất thu hồi. Vì vậy, nếu UBND không có thông báo thu hồi đất hoặc thông báo thu hồi đất không thể hiện đầy đủ các nội dung như quy định thì là trái với các quy định của pháp luật. Về việc ra Quyết định thu hồi đất: Tại Điều 130 Luật đất đai năm 2003 đã quy định rõ: Trường hợp trên khu đất thu hồi có diện tích đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì trong thời gian nhất định là 30 ngày kể từ ngày UBND cấp tỉnh có quyết định thu hồi đất, UBND cấp huyện có trách nhiệm quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể đối với từng thửa đất do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.

 


Khu đất bị khiếu kiện hiện đã được chính quyền địa phương phân lô bán nền một phần và trở thành nhà cao tầng.​

Khu đất bị khiếu kiện hiện đã được chính quyền địa phương phân lô bán nền một phần và trở thành nhà cao tầng.​

Tính đến thời điểm thu hồi đất, gia đình ông Được vẫn đang sử dụng đất và đồng thời vẫn đang có đơn khiếu nại, đề nghị về việc xác định sai nguồn gốc đất của gia đình (ngày 28/05/2014 gia đình ông Được mới nhận được Quyết định số 1913/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của UBND huyện Yên Phong). Vì vậy, theo quy định trên, gia đình ông Được phải được biết về việc thu hồi đất và phải được nhận Quyết định thu hồi đất trong đó xác định rõ diện tích, thửa đất của gia đình mình bị thu hồi. Việc UBND huyện Yên Phong, UBND tỉnh Bắc Ninh không có Quyết định thu hồi đất với trường hợp của gia đình ông Được cũng là vi phạm các quy định của pháp luật.

Về việc lên phương án bồi thường và chi trả bồi thường: trong quá trình tiến hành việc thu hồi đất, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng còn phải tiến hành các công việc như sau:

+ Tổ chức họp công khai đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản trên đất thuộc phạm vi thực hiện dự án; đồng thời, hướng dẫn chủ sử dụng đất, tài sản trên đất kê khai gồm các thông tin như: họ tên, địa chỉ, tài sản trên đất….

+ Tiến hành kiểm tra, kiểm đếm tại thực địa và xác nhận nội dung kê khai.

+ Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các nội dung gồm: Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất; Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại; Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như giá đất tính bồi thường, giá nhà, công trình tính bồi thường, số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội; Số tiền bồi thường, hỗ trợ; Việc bố trí tái định cư;....

Ở đây, trước khi có Quyết định thu hồi đất số 113/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh thì UBND huyện Yên Phong đã có Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 về việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GMPB. Tuy nhiên, việc hội đồng không tiến hành họp công khai đến các hộ, kiểm đếm đất, tài sản và lập phương án bồi thường (một trong những thành viên trong Hội đồng bồi thường là trưởng thôn Đức Lân cũng xác nhận điều này).

Bên cạnh đó, mặc dù đã có kết luận về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất của gia đình ông Được nhưng gia đình ông Được vẫn đang tiếp tục khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại và vẫn đang trực tiếp sử dụng thửa đất trên. Vì vậy, gia đình ông Được đủ điều kiện để được bồi thường theo các quy định của pháp luật. Do đó, việc cơ quan tiến hành thu hồi đất và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng không tiến hành họp, hướng dẫn gia đình kê khai, lên phương án bồi thường cho gia đình ông Được là không đúng với quy định của pháp luật.

Vì không có phương án bồi thường nên Hội đồng bồi thường cũng không tiến hành việc chi trả tiền bồi thường cho những hộ bị thu hồi đất. Điều này là trái với quy định pháp luật và xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Được nói riêng và các hộ dân đang sử dụng đất bị thu hồi đất nói chung bởi vì theo các quy định của pháp luật, kể cả trường hợp thu hồi đất do các hộ lấn chiếm thì cũng phải có phương án bồi thường được phê duyệt cho từng hộ bị thu hồi.

Xin cảm ơn luật sư!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế