Đề nghị làm rõ khiếu nại của công dân trong việc thu hồi đất tại Bắc Ninh

(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Trần Văn Được (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phản ánh những sai phạm nghiêm trọng trong việc xác định nguồn gốc đất của UBND xã Yên Phụ, UBND huyện Yên Phong và những việc “mập mờ” trong quá trình thu hồi đất xâm phạm đến quyền - lợi ích hợp pháp của công dân.

Nội dung Đơn kêu cứu cho biết khoảng năm 1944, cụ Châu (là ông nội của ông Được) bắt đầu quản lý và sử dụng hai thửa đất liền kề nhau là thửa số 3 có diện tích 2 sào 14 thước và thửa số 21 có diện tích 7 sào. Năm 1968, cụ Châu đã tự nguyện hiến cho Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân thửa đất ruộng số 21 có diện tích 7 sào, còn lại thửa số 3 có diện tích 2 sào 14 thước gia đình vẫn quản lý sử dụng từ đó đến nay. Sau khi cụ Châu mất, con trai cụ Châu là ông Chu và sau đó là gia đình ông Được tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất này. Trong quá trình quản lý sử dụng, do tập thể và nhân dân lấy đất sửa chữa sân kho nên dẫn đến bờ ngăn cách giữa ao của Hợp tác xã và ao của gia đình ông Được bị mất trở thành một thửa ao chung.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của công dân trong việc thu hồi đất tại Bắc Ninh - 1

ông Trần Văn Được phản ánh những sai phạm trong việc xác định nguồn gốc đất thửa đất của gia đình.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trên bản đồ địa chính năm 2001 thể hiện hai thửa đất trên được xác định là thửa đất số 344, diện tích 2,166 m2, tờ bản đồ số 20. Thế nhưng mãi đến năm 2004, gia đình ông Được mới phát hiện có nhầm lẫn, sai lệch này nên đã khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị sửa chữa. Trong các văn bản trả lời, dù không có căn cứ chứng minh nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong và UBND xã Yên Phụ lại luôn khẳng định thửa đất trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã Yên Phụ. Không đồng ý với nội dung trên, gia đình ông Được tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền khác. Trong khi đang chờ kết quả giải quyết về việc đề nghị xem xét lại về nguồn gốc đất thì bỗng nhiên UBND xã Yên Phụ lại có Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó xác định gia đình ông Được đã có hành vi lấn chiếm đất đai. Tiếp sau đó, UBND xã đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt trên.

Nhận thấy các quyết định này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên gia đình ông Được đã có Đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Yên Phong để đề nghị giải quyết. Trong khi đang chờ phiên tòa xét xử, gia đình ông Được nhận được Công văn số 2368/UBND-NC ngày 02/10/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết đơn khiếu nại trong đó có nội dung xác định: “Ngày 03/12/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 113/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao cho UBND xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, diện tích đất bị thu hồi theo quyết định trong đó có thửa ao số 344, tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính năm 2001, diện tích 2.166 m2”. Đây là lần đầu tiên gia đình ông Được biết đến việc Quyết định số 113/QĐ-UBND là quyết định thu hồi đất của gia đình ông (cùng một số hộ khác trong xã). Do vậy, gia đình ông được đã nhiều lần yêu cầu được nhận Quyết định số 113/QĐ-UBND nói trên nhưng mãi cho tới ngày 07/05/2015, gia đình ông Được mới nhận được bản phô tô Quyết định số 113/QĐ-UBND theo Biên bản giao của TAND huyện Yên Phong, khi gia đình ông có yêu cầu được sao chụp Quyết định này.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của công dân trong việc thu hồi đất tại Bắc Ninh - 2
Đề nghị làm rõ khiếu nại của công dân trong việc thu hồi đất tại Bắc Ninh - 3

Khu đất bị khiếu kiện hiện đã được chính quyền địa phương phân lô bán nền 1 phần và trở thành nhà cao tầng.

Trong Đơn kêu cứu, ông Được khẳng định rằng, thửa đất ao có diện tích 02 sào 14 thước vẫn do gia đình ông quản lý, sử dụng từ trước năm 1944 tới nay, không có tranh chấp với ai và gia đình không hề được biết về việc thu hồi đất này. Ông Được cho rằng, UBND xã Yên Phụ đã có sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng thửa đất này dẫn đến gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho rằng: Nguồn gốc thửa đất là đất của gia đình ông Được sử dụng từ trước năm 1944. Đến năm 1968, gia đình đã hiến một phần đất cho Hợp tác xã, phần còn lại là 2 sào 14 thước gia đình vẫn quản lý, sử dụng vào các việc thả cá, trồng sen… Hiện nay, gia đình ông Được vẫn lưu giữ được các giấy tờ liên quan đến việc quản lý, sử dụng thửa đất trên gồm:

- Bản đồ năm 1960;

- Xác nhận có chữ ký đầy đủ của 15 gia đình, các cụ già từ 70 tuổi đến cao nhất là 83 tuổi là những “lão nông tri điền” đã sống qua giai đoạn xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp (1968), kể rõ về nguồn gốc ao của ông Châu năm 1968 không đưa vào tập thể mà vẫn do gia đình giữ sử dụng. Giấy này có chứng thực của ông trưởng thôn Tô Văn Thân;

- Hợp đồng của HTX Đức Lân do ông Tô Văn Thân ký cho ông Tô Văn Tú nhận thầu phần ao của UBND xã quản lý với nội dung ghi rõ: diện tích UBND xã cho đấu thầu là 4 sào, thời gian là 1 năm (1998-1999 là thời điểm sát với thời gian đo đạc hình thành bản đồ năm 2001).

- Hợp đồng của lãnh đạo HTX Đức Lân ký kết với ông Tô Văn Thu ngày 08/06/1999 sau khi hợp đồng trên mãn hạn;

- Hợp đồng ký kết ngày 20/09/2000 giữa tập thể Ban chủ nhiệm HTX Đức Lân với ông Tô Văn Thu về việc thuê thầu diện tích trên trong thời hạn 05 năm (2000 - 2005).

- Hợp đồng của ông Tô Văn Thu thuê của gia đình ông Chu 3 sào 7 thước ao để thả cá ngày 02/06/1999 và Giấy tờ trả đất của ông Thu khi hết thời hạn thuê ao ngày 10/07/2004.

- Giấy xác nhận của cụ Bảy Ngọ có qua UBND xã Đồng Quang thị thực đóng dấu trong đó có nội dung xác nhận rõ sau khi gia nhập HTX, tới những năm 1975-1978, cụ Ngọ vẫn tới gia đình ông Chu để “đánh rẽ cá” (kéo cá tại ao nhà ông Chu và được chia phần cùng với gia đình chủ ao theo tỷ lệ thoả thuận) chứng minh ao vẫn do gia đình ông Chu sử dụng nuôi cá, không đưa vào hợp tác.

- Giấy xác nhận của ông Đỗ Phổ Phó chủ nhiệm và ông Tô Văn than, chủ nhiệm HTX khóa 1998-2001 xác nhận bản thân các ông và lãnh đạo HTXNN khoản 1998-2000 chỉ làm Hợp đồng cho thầu nuôi cá với 04 sào của HTX là sự thật vì trong ao có diện tích của gia đình ông Chu vẫn sử dụng. Giấy này còn được bổ sung thêm nội dung: “HTX chỉ hợp đồng cho thầu 4 sào của HTX quản lý vì từ năm 1990 đến năm 1994 gia đình ông Chu vẫn sử dụng ao và vẫn thả cá”.

Thực tế, cho tới trước khi xã tiến hành việc cưỡng chế đất để bàn giao cho các hộ khác thì gia đình vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này.

Thế nhưng tại các văn bản giải quyết của cơ quan Nhà nước đều chỉ căn cứ trên trích lục bản đồ năm 2001 (là trích lục mà gia đình phát hiện thấy sai sót và có đơn đề nghị sửa chữa từ năm 2004 đến nay) để khẳng định thửa đất trên thuộc quản lý, sử dụng của UBND xã Yên Phụ.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003 thì:

“ Điều 48. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất

Việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau:

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý thì hộ gia đình, cá nhân đó được tiếp tục sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”.

Như vậy, mặc dù Nhà nước đã có quyết định quản lý thể hiện qua bản đồ địa chính năm 2001 nhưng xét đến thời điểm ông Được biết được về việc xác định sai quyền sử dụng đất là năm 2004 thì ông Được vẫn đang là người quản lý, sử dụng đất chứ không phải nhà nước. Do đó, gia đình ông Được vẫn đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo quy định trên. Bên cạnh đó, tính từ năm 1968 cho đến năm 2004 thì gia đình ông Được chiếm hữu, quản lý, sử dụng thửa đất trên ổn định, liên tục được trên 30 năm (có xác nhận của các cụ cao tuổi trong thôn về nguồn gốc đất ao của cụ Trần Văn Châu). Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:

“Điều 247. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu

1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”.

Tức là, theo quy định này thì có căn cứ để khẳng định rằng ông Được đã là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất trên.

Có thể thấy còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong việc xác định nguồn gốc sử dụng của thửa đất mà gia đình ông Được đang quản lý, sử dụng. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng làm rõ để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho những người dân, tránh việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của thôn và ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của nhân dân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế