Luật sư Nguyễn Văn Chiến - ĐBQH khóa XIV: “Lẽ nào tôi phải viết tâm thư?”

(Dân trí) - Thời gian gần đây dư luận xã hội hết sức quan tâm đến việc rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 chuẩn bị được đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV khai mạc tháng 5/2017 tới đây, sau khi Bộ luật này bị dừng hiệu lực nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, vẫn còn những điều luật đang gây tranh cãi, đặc biệt liên quan đến quyền con người, quyền bào chữa. Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

PV: Là luật sư, ông đặc biệt quan tâm đến điều luật nào trong Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều BLHS 2015?

LS Nguyễn Văn Chiến: Nhìn chung, mọi điều luật được đưa vào Dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều BLHS 2015 tôi đều hết sức quan tâm vì đó là trách nhiệm của một Đại biểu dân cử đại diện cho nhân dân trực tiếp tham gia vào việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện những khiếm khuyết của BLHS 2015. Tuy nhiên, là một lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam, tôi quan tâm nhiều nhất đến Điều 19 và Điều 382 đang gây tranh cãi vì liên quan trực tiếp đến luật sư, hoạt động hành nghề luật sư cần được Quốc hội xem xét để tạo cơ hội cho hoạt động hành nghề luật sư hiện nay cũng như xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam trong tình hình mới.


PV Dân trí cùng luật sư Nguyễn Chiến (ngoài cùng bìa phải), có buổi gặp gỡ, trao đổi với bị can Đỗ Văn Chung (thứ hai từ phải sang) ngay sau khi bị can về đến nhà trong vụ án VKSND tỉnh Hưng Yên quy kết sai tội bị can.

PV Dân trí cùng luật sư Nguyễn Chiến (ngoài cùng bìa phải), có buổi gặp gỡ, trao đổi với bị can Đỗ Văn Chung (thứ hai từ phải sang) ngay sau khi bị can về đến nhà trong vụ án VKSND tỉnh Hưng Yên quy kết sai tội bị can.

PV: Như vậy có quy định tại Điều 19 của Luật sửa đổi bổ sung BLHS 2015 đang bất lợi, cản trở hoạt động và phát triển nghề luật sư hiện nay?

LS Nguyễn Văn Chiến: Đúng vậy. Tại khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “...Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.” Việc quy định này, dẫn đến nhiều hệ lụy trên thực tiễn:

Một là, luật sư vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam vì đạo đức nghề buộc luật sư không được tiết lộ bí mật của thân chủ, làm xấu đi tình trạng của thân chủ do mình bào chữa.

Hai là, Luật sư sẽ buộc phải vi phạm pháp luật, tức vi phạm Điều 73 BLTTHS 2015: “không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Nói rộng ra, luật sư vi phạm Điều 73 BLTTHS cũng chính là vi phạm Hiến pháp vì không “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Ba là, nếu thông qua Điều 19 thì Quốc hội tiếp tục phải sửa đổi bổ sung Điều 73 BLTTHS 2015 vì BLHS và BLTTHS là các bộ luật có quan hệ gắn bó, song hành, không tách rời nhau khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73 BLTTHS 2015, luật sư muốn tố giác thân chủ thì phải hỏi ý kiến của họ và đương nhiên thân chủ không bao giờ đồng ý. Điều này là không tưởng!

Bốn là, sẽ làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ. Luật sư bảo vệ pháp chế XHCN chính là bảo vệ sự tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, ngăn chặn sự tùy tiện vi phạm quyền của người bị tình nghi, buộc tội, vi phạm BLTTHS và những quy định của pháp luật khác. Luật sư góp phần bảo vệ công lý chính là ở vai người bào chữa trên cơ sở tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ, góp phần tránh oan, sai; giúp cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Luật sư không lấn sân, làm thay vai trò buộc tội của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Khi hành nghề, luật sư phải tuân theo luật, không được tố giác chính thân chủ của mình. Luật sư sẽ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ công dân là tố giác tội phạm khi biết rõ một người (không phải là thân chủ của mình) đã, đang hoặc sẽ phạm tội theo quy định của BLHS. Nếu luật sư đi tố giác thân chủ thì người dân, cộng đồng xã hội sẽ mất niềm tin ở luật sư, giá trị nghề bị đảo lộn, thậm chí rủi ro của luật sư có thể bị thân chủ tố giác về hành vi vu khống.

Cuối cùng, tác động đến công cuộc cải cách tư pháp, không phát triển được nghề luật sư ở Việt Nam vì để tránh rủi ro, các luật sư sẽ có xu hướng lựa chọn lĩnh vực hành nghề “phi hình sự”, khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thì yêu cầu luật sư trong các vụ án chỉ định phải tăng do quy định phải chỉ định Luật sư bào chữa cho người phạm tội bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội danh có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên. E rằng, luật sư tranh tụng hình sự, để tránh rủi ro thì họ sẽ không nghe thân chủ trình bầy, không thu thập và cung cấp chứng cứ cho cơ quan THTT để tránh nguy cơ bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 19 và Điều 382 BLHS2015. Như vậy, số vụ án có luật sư bào chữa sẽ bị giảm đi, người dân khi ở tư cách bị can/bị cáo sẽ không được cung cấp dịch vụ bào chữa một cách tốt nhất.


Bộ luật Hình sự 2015 được phát hiện nhiều sai sót ngay khi chưa có hiệu lực thi hành.

Bộ luật Hình sự 2015 được phát hiện nhiều sai sót ngay khi chưa có hiệu lực thi hành.

PV: Ông có thể nói qua về Điều 382 của Dự án Luật sửa đổi bổ sung BLHS 2015?

LS Nguyễn Văn Chiến: Theo Điều 382 dự thảo hiện nay quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Quy định này rất bất cập vì chức năng của luật sư bào chữa là gỡ tội.

Do đó, Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền đưa ra những tài liệu do đương sự cung cấp hoặc tự mình thu thập để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng mà họ cho là có thể dùng gỡ tội cho thân chủ. Thực tiễn hành nghề cho thấy, ở vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, luật sư không thể xác định được tài liệu đó là có sai sự thật hay không, và nếu sai thì sai đến đâu.

Quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án còn phụ thuộc vào hoạt động xem xét, đánh giá chứng cứ của Tòa án đối với toàn bộ chứng cứ do điều tra viên, kiểm sát viên và luật sư thu thập, cung cấp. Để xác định chứng cứ là thật hay giả, chính xác và có căn cứ ở mức độ nào, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định, luật sư không có quyền quyết định chứng cứ đó là thật hay không thật vì còn chưa được thẩm tra công khai tại phiên tòa và HĐXX đánh giá, quyết định.

Do đó, khi tiếp nhận một chứng cứ (không do mình làm ra) thì luật sư không thể chủ quan biết rõ là chứng cứ đó là thật hay sai ở mức độ nào. Hơn nữa, cung cấp tài liệu chứng cứ là sai sự thật có gây hậu quả hay không, ở mức độ nào để xác định hành vi đó có gây nguy hại cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự hay hành chính. Không thể quy định chung chung. Việc không quy định hậu quả là yếu tố bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự dễ dẫn đến tùy tiện, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nghề luật sư.

Vì vậy, hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ của luật sư cho các cơ quan tiến hành tố tụng để được xem xét, quyết định nếu chứng cứ đó không có ý nghĩa không gây hậu quả thì không thể cấu thành tội phạm hình sự. Hơn nữa, các chủ thể khác khi tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, chứng cứ đưa vào hồ sơ vụ án những chứng cứ sai sự thật nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự là không bảo đảm nguyên tắc “mọi người bình đẳng trước pháp luật” theo Hiến pháp.

PV: Vậy theo ông, giải pháp là gì?

LS Nguyễn Văn Chiến: Đảng Đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi đến Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị trực tiếp về nội dung 02 điều luật này. Liên đoàn luật sư VN đã tổ chức lấy ý kiến của các đoàn luật sư trên cả nước và các đơn vị trực thuộc, tập hợp gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội báo cáo về các ý kiến đóng góp cho dự thảo nói chung và đặc biệt đối với 02 điều luật này.

Bản thân tôi đã tích cực tham gia vào các cuộc họp, hội thảo, hội nghị phản biện xã hội để nêu quan điểm về lý luận và thực tiễn liên quan đến các điều luật còn gây tranh cãi. Cống hiến cho nhân dân là trách nhiệm của ĐBQH, cống hiến cho sự phát triển nghề luật sư là trách nhiệm của tôi với tư cách luật sư, lẽ nào tôi phải viết tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội để đề cập những vấn đề này?

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)