Lũ ơi, xin đừng đến nữa…

(Dân trí) - Trên chiếc canô chất đầy hàng hóa ậm ạch vượt qua con nước dữ, cứ mỗi lần nghe tiếng dân kêu và những cánh tay vẫy cuống cuồng từ những mái nhà là mỗi lần lòng tôi đau nhói.

Lũ ơi, xin đừng đến nữa… - 1
Lũ lên quá nhanh, người dân phải dỡ mái nhà để thoát lũ. 
 
1. Tôi là người may mắn, về với Tân Hóa (Quảng Bình) sớm hơn nhiều đồng nghiệp. Khi tôi về, Tân Hóa đang trong ngày thứ hai sống trong hang đá. Sống với đói, với rét, với bệnh tật. Sống với những xác trâu, bò, lợn chết nổi lều bều.
 
Nước lũ ở vùng lòng chảo thật kỳ quái, không chảy, không dâng, không hạ, cứ lừ lừ và trâng tráo như trêu ngươi và tra tấn sức chịu đựng của hàng nghìn con người đang dần kiệt quệ.
 
Canô đi ngang xã Minh Hóa, hàng chục cánh tay thò ra từ mái nhà, tiếng kêu réo thảm thiết thoát ra từ những nóc nhà chìm trong nước. Tiếng kêu của những con người đói.
 
Một thoáng rùng mình, tôi muốn canô dừng lại để mang hết mỳ tôm, sữa, nước đến với những cánh tay trần đó.
 
Nhưng không, canô phải đi, vì 3.000 người dân Tân Hóa đang mong ngóng từng giờ những món hàng cứu trợ. Cứ đi qua mỗi cánh tay, là một lần trái tim tôi đau nhói. Những cánh tay đầy ám ảnh đó không chỉ quơ quàng vào không khí, mà như đang cào cấu vào tận gan ruột những người có lương tri.
 
Mãi hai ngày sau, khi về nhà và mở mạng internet, tôi mới thấy ghen tỵ với một anh đồng nghiệp vì bức ảnh “hai cánh tay kêu cứu” đầy cảm xúc mà anh kịp ghi lại. Những cánh tay đó, tôi thấy cả. Tại sao tôi không thể giúp bạn đọc của tôi nhìn thấy?
 
2. Hôm sang Cồn Nâm, nơi lũ qua để lại một vùng cồn bãi xác xơ và một màu trời âm u, cô tịch, tôi đi qua một cây cầu nhỏ nơi nước lũ vừa tràn qua, để lại cơ man là bèo tây tràn ngập trên mặt cầu.
 
Dưới chân cầu, một con thuyền nhỏ, rách bươm rất hợp với cảnh tiêu điều của vùng lũ đang mải miết len lỏi giữa núi bèo tây. Ba người đàn bà khóc ngặt, hàng chục người vây quanh, vừa tò mò, vừa ái ngại.
 
Một cô gái 18 tuổi vừa bị lũ cuốn trôi khi cố níu giữ những vật dụng trong nhà khi dòng lũ cuồng điên. Em chết, chết ở cái tuổi 18 đẹp nhất, chết vì thân con gái sao cưỡng nổi sức tàn phá của cơn lũ ác.
 
Đó là ngày thứ ba, gia đình em bới bèo tìm em. Tìm trong tuyệt vọng. Phận con người quê tôi trong lũ sao mà mỏng manh, nhỏ nhoi đến thế.
 
Cùng ngày đó, tôi về Quảng Phúc, nơi hàng chục người mẹ, người vợ, hàng chục đứa trẻ đang khóc ngất đợi con, chồng, cha đang lưu lạc giữa khơi xa chưa kịp về trước lũ. Ba ngày, năm ngày, rồi bảy ngày, họ vẫn là những người mất tích.
 
Trong lũ dữ, khi con số người chết lên tới gần 50, cái chữ “mất tích” nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn, đỡ gợi bi thương chữ “chết”. Nhưng có nhìn sâu vào ánh mắt những người đàn bà, những đứa trẻ mới hiểu, cái chữ “mất tích” nó đau đớn, cào xé nhường nào.
 
Họ nhìn ra biển, nhìn ra bến thuyền quen thuộc nơi hàng ngàn chuyến tàu đã về ăm ắp cá trên khoang. Họ nhìn về nơi đại dương vô định. Giữa muôn trùng đại dương, đâu là bến bờ cho những người đàn ông đi biển.
 
Trong ánh mắt có chút hy vọng, có nhiều tuyệt vọng, có lúc thẫn thờ, có khi vô hồn, lại có khi mãnh liệt… Một khắc trôi qua, là một khắc nỗi tuyệt vọng xâm lấn niềm hy vọng.
 
Tôi thử so sánh xem gia đình những người mất tích và những người chết ai đau đớn, quằn quại hơn. Nhưng mãi mãi tôi không tìm được câu trả lời, bởi tôi không phải là họ. Mong sao đừng có ai phải như họ.
 
3. Đi trong lũ, đến với những con người đói, những con người khát và cả những con người chết, đã có lúc tôi thấy mình như vô cảm. Rồi 5 ngày ác mộng cũng trôi qua, tôi được về trong căn nhà ấm áp.
 
5 ngày sống trên canô, lội nước bạc, ăn mỳ tôm, uống nước suối và đi chân không bén đất đã làm con người ta khác hẳn.
 
Về thành phố, chợt thấy mình lạc lõng vì cái cách ăn nói như chảo chớp, bước chân hấp tấp, chạy xe máy vù vù và bận bộ quần áo dính đầy bùn đất, đi đôi dép tổ ong gãy mũi.
 
Tôi đang lạc lõng, hay cái thành phố này quá bình thản, vô tâm với hàng vạn người dân trong lũ?
 
Lại hiện về hình ảnh những cánh tay trần quơ quàng từ những nóc nhà, lại nghe văng vẳng những tiếng kêu khi canô cứu trợ đi ngang, lại thấy trước mắt những con người ăn thịt trâu chết cầm hơi, những em bé nhai ngấu nghiến gói mỳ tôm sống.
 
Lại thấy hình ảnh những chiến sỹ công an, bộ đội, cán bộ trắng đêm cứu dân trong lũ, để hiểu vì sao nước ta gọi tên các ngành công an, quân đội… thường đính kèm hai chữ “nhân dân”.
 
Lại thấy giận những chiếc xe cứu trợ rầm rập giao mỳ tôm, lương khô, nước uống vào kho của các huyện.
 
Lại thấy xót cho những gói mỳ được ném từ máy bay xuống và vỡ tan, chìm nghỉm giữa dòng nước lũ.
 
Lại thấy trách chính mình những ngày lĩnh lương vung tay quá trán, những chai bia bỏ dở đôi khi.
 
Lại mong lũ ơi, đừng đến nữa…
 
Dân tôi đau đớn đủ rồi, lũ ơi…!
 
Hồng Kỹ