Lời nhắn nhủ từ trại giam và sự ân hận muộn màng của người con phạm tội

Dân trí

(Dân trí) - Do mâu thuẫn của Nguyễn Mạnh T. (SN 2003) với người có tài khoản facebook "Nhất Sinh" nên T. đã hẹn người này giải quyết bằng cách... đánh nhau ở Đa Tốn, Gia Lâm.

Một ngày đầu tháng 2/2022, khi trời đã về khuya, T. dắt xe ra khỏi nhà và rủ thêm 7 người bạn khác đi đánh nhau. Đối thủ là chủ nhân một tài khoản Facebook mà thanh niên này thậm chí chưa từng gặp mặt.

Để chuẩn bị cho cuộc hỗn chiến, "hành trang" nhóm thanh niên mang theo là hàng loạt loại hung khí, công cụ hỗ trợ như kiếm Nhật, bình xịt hơi cay, mã tấu hay gậy baton.

Sau 30 phút rong ruổi, khi đi qua một cửa hàng tiện lợi, nhóm này phát hiện một thanh niên có ngoại hình giống hình ảnh đối thủ trên mạng xã hội, đang đứng mua đồ cùng bạn, nên quay lại rượt đánh. Bị đánh bất ngờ, nhóm thanh niên chia nhau bỏ chạy theo nhiều hướng. Tuy nhiên, trong số này, có 2 người không may mắn bị nhóm của T. chặn lại đánh gây thương tích, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Tiếp nhận tin báo về tội phạm, cơ quan công an đã xác minh, điều tra làm rõ và ra quyết định khởi tố T. về tội Gây rối trật tự công cộng. Cuối năm 2022, T. bị đưa ra tòa xét xử.

Lời nhắn nhủ từ trại giam và sự ân hận muộn màng của người con phạm tội - 1

Phiên tòa xét xử T. về tội Gây rối trật tự công cộng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (người bào chữa cho bị cáo T.) cho biết, nam thanh niên sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Bố mẹ T. đều là nông dân lao động chân tay, ngoài việc gồng gánh kinh tế cho gia đình nhỏ, nuôi dạy các con thì còn phải phụng dưỡng cha mẹ tuổi cao sức yếu, thường xuyên ốm đau.

Tới thời điểm T. bị bắt, cả gia đình vẫn sống trong căn nhà cũ tồi tàn ở vùng ngoại ô thủ đô, đã trải qua nhiều lần sửa chữa và in hằn dấu vết thời gian. Dẫu vậy, dù kinh tế không ổn định, bố mẹ T. vẫn không ngừng cố gắng để con cái được đến trường, để những đứa trẻ không bị thua thiệt so với các bạn đồng trang lứa.

Nhớ về lúc mới tiếp xúc với gia đình T., luật sư Trang cho biết, đó là thời điểm mà gia đình bị cáo vô cùng đau buồn. Mẹ của T. thậm chí khóc rất nhiều và tới gặp luật sư trong tình trạng suy sụp, tiều tụy vì nhiều đêm mất ngủ.

Qua lời kể của người phụ nữ năm nay đã ngoài 40, có thể thấy cả một bầu trời ước mơ và hy vọng của chị được đặt lên người con đầu lòng. Tuy nhiên, mọi thứ đã sụp đổ khi T. vướng vòng lao lý.

Chỉ vì một phút nông nổi, nam thanh niên phải trả giá bằng những ngày tháng bị giam giữ tại trại giam. Nhớ về hình ảnh bố mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, nhớ về người mẹ mới dáng vẻ tiều tụy cùng đôi mắt sưng húp tới gặp con ở trại giam, sự ăn năn, hối hận dâng trào trong lòng nam thanh niên khi đó mới chạm ngưỡng cửa đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người.

Trải qua những ngày vùi mình trong trại giam, T. nhận thức rõ sai lầm và những hậu quả mà hành vi của mình gây ra, không chỉ với xã hội mà còn chính với gia đình, với những bậc sinh thành, những người mình thương yêu nhất. Bằng sự hối hận từ đáy lòng, T. gửi lời xin lỗi tới những người thân trong gia đình.

"Bố mẹ ở nhà có khỏe không? Trong này con vẫn khỏe, bố mẹ và các em giữ gìn sức khỏe nhé! Con đã biết lỗi sai của mình, con trót sai rồi, mong bố mẹ bỏ qua. Con đi rồi con về, con sẽ cố gắng làm lại để bố mẹ không phải vất vả nữa", cầm bút trên tay, nam thanh niên chậm rãi viết lá thư gửi bố mẹ cùng đôi mắt rưng rưng, ngấn lệ.

Lời nhắn nhủ từ trại giam và sự ân hận muộn màng của người con phạm tội - 2

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (người bào chữa cho bị cáo T.).

Nói về vụ án, luật sư Trang cho biết không chỉ T. mà các bị cáo khác đều là những người tuổi đời còn rất trẻ, còn sốc nổi, bồng bột và không lường trước được hệ quả từ hành vi của mình gây ra. Hoàn cảnh gia đình của các bị cáo đều rất khó khăn, bố mẹ là nông dân.

Cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến các bậc phụ huynh sao nhãng việc quan tâm, giáo dục các con. Bên cạnh đó, việc chơi với nhóm bạn bè xấu, bị rủ rê, lôi kéo khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ.

Tuổi trẻ ai cũng có những lúc mắc sai lầm, quan trọng là bản thân phải biết nhận ra để đứng dậy làm lại cuộc đời vì chính bản thân mình và những người thân yêu luôn bên cạnh. Sau khi chấp hành án, trước mắt T. và các bị cáo khác vẫn là một chặng đường dài, nơi họ sẽ phải tu chí, phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa để sửa chữa những sai lầm, những sự bồng bột mà tuổi trẻ đã gây ra.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, T. bị tuyên phạt 34 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng. Đây là khoảng thời gian không ngắn, không dài, nhưng đủ để nam thanh niên suy nghĩ lại những lầm lỡ của bản thân và tu chí, phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình, đoàn tụ với người thân và định hướng lại tương lai sau một lần lầm đường lạc lối.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm