Bạn đọc viết:
Lời kêu cứu của cụm di tích lịch sử Vũ Lâm
(Dân trí) - Được lịch sử ghi lại là địa điểm vua Trần Nhân Tông xuất gia tu phật, nhưng cung Vũ Lâm ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đang xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” nếu không tìm ra nguồn kinh phí tu bổ kịp thời.
Sang năm Ất mão (1295) Đại Việt sử ký toàn thư tờ 540 lại ghi: “Mùa hạ, tháng 6, thượng hoàng về kinh sư. Đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, lại trở về vậy”.
Như vậy, vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống giặc Mông-Nguyên đại thắng, và sau khi ngài nhường ngôi cho con chưa được hai năm thì ngài xuất gia. Nơi ngài tu Phật đầu tiên là chùa Hành Cung, hay còn gọi là hành cung Vũ Lâm..
Ngày nay ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư có ngôi chùa cổ, dân quen gọi là chùa Hành Cung, nhưng chùa có tên riêng là “Khai phúc tự” tức là chùa Khai Phúc.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Ninh Bình trích theo nguồn thư tịch cổ như sách “Thái Vi quốc tế ngọc ký (viết trong tập Trần Gia ngọc phả, lập năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1667), sao lại năm Bảo Đại thứ 3 (1924) lưu tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình thì: “Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho hoàng thái tử (Trần Thánh Tông) về vùng núi lập am Thái tử để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm”.
Chúng tôi đã nhiều lần về hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc, gặp gỡ các vị trong Ban quản lý di tích, vị trưởng thôn hoặc các vị trong Ban MTTQ thôn Vũ Lâm. Các vị cũng như các cụ cao tuổi trong làng đều hết lòng gìn giữ và tôn tạo di tích, dù không có nhiều kinh phí. Năm 1990, các Phật tử đứng ra quyên góp cùng dân làng dựng lại ngôi chùa bằng tranh tre để thờ tạm. Nhưng sau hơn hơn 20 năm, di tích này đã mục và dột nát không thể vá víu được nữa.
Hiện chùa còn giữ được chiếc chuông nhỏ khá đẹp, đúc vào thời Lê trung hưng. Trong nỗ lực duy trì giá trị văn hóa, mới đây chùa đã hưng công, dựng được bộ khung trên nền móng cũ. Để có nguồn kinh phí tu bổ, ni cô Thích Diệu Nhân phải vất vả vận động.
Được biết, ni cô Thích Diệu Nhân trụ trì tại chùa Yên Ninh, thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư và ở cách Vũ Lâm chừng 3 ki lô mét. Nói về công việc vận động quyên góp, ni cô Thích Diệu Nhân cho biết: “Thấy chốn tổ xuất gia đầu tiên điêu tàn quá, lòng tôi không yên, thế là cắp bát đi khắp thiên hạ, ai cho đồng nào bỏ vào đấy tích góp lại được hơn 1 tỉ đồng, mới làm xong được bộ khung thôi. Hiện còn thiếu 500 triệu nữa mới có thể hoàn thiện được ngôi Tam bảo”. Nhưng tuyệt nhiên ni cô Diệu Nhân không mở lời yêu cầu bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào tài trợ, để bà hoàn thành nốt phần công việc còn lại.
Còn nhớ, năm 2001, Giám đốc sở Văn hóa -Thông tin trước đây, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Ninh, viết chung với một vị giáo sư tiến sỹ có uy tín trong giới sử học chỉ ra “Am Ngọa Vân nằm phía sau Thác ngự dội (Thác tử)”. Để làm rõ vấn đề này, nhiều chuyên gia đã về Đông Triều và tìm thấy “Am Ngọa Vân”, có cả mấy tấm bia trùng tu từ đời Lê, đời Nguyễn, lại có cả “Tháp Phật hoàng”.
Sau đó, Bộ Văn hóa -Thông Tin đã kịp thời nghiên cứu và cấp bằng xếp hạng di tích Quốc gia chùa Ngọa Vân, thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh theo quyết định số 55/2006/QĐ BVHTT do ông Bộ trưởng khi đó là ông Phạm Quang Nghị ký.
Hiện những người dân nơi đây đang mong mỏi cụm di tích lịch sử Vũ Lâm sẽ sớm nhận được sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ngăn chặn tình trạng xuống cấp.
Không lẽ gì Am Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn thì được xếp hạng di tích Quốc gia, còn Vũ Lâm là nơi đầu tiên thượng hoàng Trần Nhân tông xuất gia tu Phật lại bỏ hoang phế và không được liệt hạng di tích lịch sử Quốc gia?
Hoàng Quốc Hải