Lời hát ru ngọt ngào đang dần xa vắng?
Từ bao đời nay, những lời hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ đã trở nên gần gũi, thân thương đối với mọi người. Đấy là những kỷ niệm sâu đậm của tuổi thơ trở thành ấn tượng bền chặt không thể phai mờ trong suốt cuộc đời.
Âm hưởng vang lên trong những khúc hát ru thường nhẹ nhàng, ngọt ngào, mà sâu nặng tình cảm, gửi gắm trong đó nhiều ý tứ. Nội dung các bài hát ru chủ yếu có xuất xứ từ ca dao, dân ca, hò, vè dân gian, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi vùng, miền lại có một lối hát ru riêng, nhưng có một nét chung là dễ thấm, dễ lọt vào lòng người. Do vậy, những bài hát ru thường rất đa dạng và mang đậm bản sắc của từng địa phương.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Hát ru không đơn thuần là để giúp cho bé dễ ngủ, ngủ sâu. Nội dung chứa đựng trong những khúc hát ru biểu hiện những tình cảm có giá trị nhân văn: tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa con người với con người. Khi nghe hát ru, trẻ cảm nhận được tình cảm thương yêu, trìu mến, nâng niu của bà, của mẹ.
Không những thế, khi tuổi thơ được tắm đẫm trong những lời hát ru ngọt ngào, đứa trẻ sẽ được lớn lên trong sự hồn nhiên, nhân cách của đứa trẻ được hình thành một cách tự nhiên trong sự gắn bó, yêu thương không chỉ giữa người với người mà còn với cả thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng (những hình ảnh: con đò, bến nước, gốc đa, ánh trăng, lũy tre, cánh cò bay lượn… thường xuất hiện trong các bài hát ru).
Và như thế, những khúc hát ru có vai trò như một hành trang tâm hồn giúp trẻ lớn lên trong sự chở che, bao bọc bởi những tình cảm rất tự nhiên và sâu nặng về quê hương.
Lời ru ngọt ngào thực sự là những “dưỡng chất” bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn. Mặc dù vậy, đáng buồn là trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những khúc hát ru đang dần trở nên xa vắng?!
Nhiều cô dâu trước khi đặt chân về nhà chồng hầu như chưa có ý niệm gì về những khúc hát ru. Hệ quả là, ngày càng có nhiều bà mẹ trẻ không quan tâm đến việc hát ru con ngủ và không thể thuộc nổi một bài hát ru nào.
Một số khác thì mải bươn chải vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày mà không thể dành ra được một khoảng thời gian ít ỏi cho việc hát ru bé ngủ.
Không ít người đã tìm cách “lấp chỗ trống” bằng cách tìm mua các loại băng, đĩa nhạc hát ru có sẵn, về chỉ việc bật lên cho bé nghe. Đây là giải pháp “chữa cháy” bất đắc dĩ bởi âm thanh được phát ra từ băng đĩa nhạc dù hay ho đến mức nào vẫn không thể thay thế được những lời ru được hát “sống” trực tiếp từ những người thân yêu của trẻ.
Tuy có thể nhiều bé chưa hiểu hết được ý nghĩa của lời hát nhưng qua nhịp của bài hát ru, giọng điệu của người hát kết hợp với những động tác vỗ về, âu yếm, bé vẫn có khả năng cảm nhận được những tình cảm ẩn chứa trong đó.
Dù ở thời đại nào, lời ru vẫn rất quan trọng đối với thế giới tâm hồn trẻ thơ. Nhất là trong nhịp sống hiện đại, hối hả ngày nay, những khúc hát ru càng trở nên hết sức cần thiết. Những lời ru ngọt ngào với giai điệu mượt mà, nhẹ nhàng, êm ái sẽ đưa bé vào giấc ngủ bình yên.
Đặc biệt, những lời ru chan chứa tình cảm yêu thương, trìu mến có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn bé, làm cho sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình được thắt chặt hơn. Các bà mẹ trẻ cần ý thức được vai trò quan trọng của những khúc hát ru, để những lời ru ngọt ngào sẽ trở thành những kỷ niệm êm đềm, không thể nào quên trong suốt quãng đời thời thơ ấu của mỗi người.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
LTS Dân trí - Đối với người Việt Nam ta, lời hát ru của bà, của mẹ đã trở thành một phần hữu cơ trong đời sống tình cảm được hình thành từ tuổi ấu thơ, làm cho ta gắn bó cả cuộc đời với miền ký ức thân thuộc, trong đó có hình ảnh của quê hương, của ông bà, bố mẹ, anh em, bạn bè, xóm giềng…
Có thể nói hát ru là một nét đẹp của văn hóa truyền thống cần được kế thừa và phát huy trong thời đại mới. Đấy cũng là một phương tiện giáo dục có sức cảm hóa rất tự nhiên đối với trẻ thơ. Tiếc rằng, mỗi gia đình, mỗi vùng quê cũng ngành văn hóa, giáo dục chưa dành sự quan tâm nhiều cho việc lưu giữ và phát huy tác dụng nhiều mặt của loại hình văn hóa truyền thống và độc đáo này của dân tộc ta.
Bài viết trên đây một lần nữa nhắc nhở các ngành chức năng cũng như mọi người đừng vì mê mải làm ăn hoặc lạm dụng những phương tiện truyền thông hiện đại mà quên mất những lời hát ru thân thuộc đã được lưu truyền qua bao đời nay. Đấy cũng là lời cảnh báo trước nguy cơ những nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần bị mai một vì thiếu sự quan tâm đúng mức!