Hà Nội:

Lời giải nào cho vụ án kinh doanh thương mại

(Dân trí) - Dự kiến vào ngày 12/1, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp giữa thành viên công ty và tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Hoa Phát và Công ty Bình Minh.

Lời giải nào cho vụ án kinh doanh thương mại - 1

Trụ sở Công ty TNHH Bình Minh tại A37, khu biệt thự nhà vườn, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
 
Theo đơn thư của Công ty TNHH XNK Hoa Phát (gọi tắt là Hoa Phát) gửi tới Dân trí: 
Năm 2007, Hoa Phát và Công ty TNHH Bình Minh đã thương thảo và nhất trí, Bình Minh chuyển nhượng một số phần vốn góp của ông Nguyễn Quang Yên (Giám đốc Bình Minh) đang có trong Bình Minh cho Cty Hoa Phát.
Ngày 30/5/2007, Hoa Phát đã chuyển 8,8 tỷ đồng qua 2 tấm séc (mỗi séc có mệnh giá 4,4 tỷ đồng) cho ông Nguyễn Quang Yên .

Ngay trong ngày, Công ty Bình Minh đã tổ chức cuộc họp, tại Biên bản họp Hội đồng thành viên của Công ty này đã thể hiện: Chấp thuận việc ghi danh thành viên góp vốn đối với Cty Hoa Phát (do ông Trần Ngọc Thạch làm đại diện) với giá trị vốn góp là 8,8 tỷ đồng. Đồng thời, ông Nguyễn Quang Yên đã ra Quyết định không số của HĐTV Công ty Bình Minh khẳng định nội dung Biên bản cuộc họp, đồng thời quyết định này còn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép Bình Minh làm thủ tục bổ sung thành viên góp vốn và cơ cấu vốn góp mới của Bình Minh.

Ngày 31/5/2007, tại Thông báo lập sổ đăng ký thành viên, Công ty Bình Minh đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bổ sung thành viên góp vốn là Cty Hoa Phát và thay đổi cơ cấu vốn góp của thành viên Cty Bình Minh.

Tuy vậy, kể từ khi nhận được vốn góp của Công ty Hoa Phát, ông Nguyễn Quang Yên, đại diện theo pháp luật của Bình Minh đã không tiếp tục thực hiện các trình tự để thay đổi đăng ký kinh doanh theo quy định. Ngược lại, ông Yên đều lẩn tránh thực hiện nghĩa vụ đã ký kết.

Tiếp đó, ở một vụ việc khác, ngày 8/3/2007, Công ty Hoa Phát ký hợp đồng mua các sản phẩm đá xây dựng của Công ty Bình Minh, tổng giá trị hàng hóa là trên 12,2 tỷ đồng. Ngày 22/3 và 3/4/2007, Cty Hoa Phát đã chuyển cho Cty Bình Minh tổng cộng 11,6 tỷ đồng. Tại điều 2 của hợp đồng quy định: Nếu bên B (Công ty Bình Minh) không giao hàng theo đúng tiến độ của bên A (Hoa Phát) thì phải chịu phạt là 0,3%/ngày (tính trên tổng giá trị hợp đồng). Theo tính toán của Công ty Hoa Phát thì chỉ tính đến ngày 20/8/2010, số tiền phạt hợp đồng do bên B giao hàng không đúng tiến độ lên tới 45,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả hai vụ việc trên theo Công ty Hoa Phát thì, đều không được Cty Bình Minh nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, đơn vị này đã khởi kiện Bình Minh ra TAND TP. Hà Nội, buộc Bình Minh phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết giữa hai bên. 

Ngược lại với lời "buộc tội" của Hoa Phát, sau hai buổi xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp giữa thành viên Công ty và tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa" ngày 4/8/2010 và 9/8/2010, Bình Minh cho rằng vụ án kinh doanh thương mại này có dấu hiệu hình sự. Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, Bình Minh đề nghị HĐXX cho giám định các văn bản trong cả 2 vụ việc trong vụ án vì cho rằng chúng đều là giả mạo.

Ngược lại với quan điểm trên của Bình Minh, tại Công văn số 1320/CV-BIDV.TL ngày 14/10/2009 của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam chi nhánh Thăng Long đã xác nhận Hoa Phát chuyển 11,6 tỷ đồng cho Bình Minh là chính xác, thông qua 2 ủy nhiệm chi. Đồng thời, tại Kết luận giám định số 2377/C54-P5 ngày 28/10/2010 của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm) khẳng định: Chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Ngọc Yên dưới mục "Người lĩnh tiền" trên 2 tờ séc BA048043 và BA048044 (ký hiệu A1, A2) với chữ viết, chữ ký của ông Nguyễn Quang Yên trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M3 là do cùng một người viết và ký ra.

Vụ án tốn nhiều giấy mực và phức tạp trên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/1/2011. Quan điểm của HĐXX TAND TP. Hà Nội như thế nào về vụ việc này sẽ được Dân trí tiếp tục phản ánh.

Vũ Văn Tiến