Loạn tình trạng bán dược phẩm chui dưới “vỏ bọc” lập lờ tư vấn sức khoẻ

(Dân trí) - Phối hợp với các đoàn thể như Hội phụ nữ, công đoàn để tổ chức những chương trình mang tên gọi rất “nhân văn” như chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, phụ nữ với phòng chống bệnh phụ khoa nhưng mục tiêu của các chương trình này lại chỉ nhắm với việc lôi kéo mọi người mua dược phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là mặt hàng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Đó là chiêu trò mới của không ít công ty dược phẩm hiện nay.

Mới đây, Công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm H. đã tổ chức hội nghị tư vấn tại một số địa phương thuộc huyện Hải Hậu (Nam Định)  nhưng lại kèm theo khám bệnh, bán dược phẩm cho khách hàng, phát nội dung tờ rơi mập mờ, không rõ ràng.

Cung cấp cho phóng viên một “Thư mời”, chị P.T.H, một người tham dự buổi tư vấn phàn nàn: “Thư mời chỉ ghi chung chung được sự đồng ý của UBND xã và các ban ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ kết hợp với Công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm H. thực hiện đề án “Sức khỏe sắc đẹp chị em phụ nữ” (tên đề án rất chung chung, không rõ đề án do ai thực hiện).

Người ký thư mời cũng không ghi rõ chức vụ, chỉ đề “Thay mặt đơn vị, CBLH: Nguyễn Văn Hải”. Bên dưới thư mời còn đề “Khi đi các mẹ, các chị mang theo giấy mời để nhận quà tài trợ là một que thử âm đạo miễn phí”.


Mỹ phẩm lậu tràn lan được cơ quan chức năng bắt giữ.

Mỹ phẩm lậu tràn lan được cơ quan chức năng bắt giữ.

Nhiều người dân địa phương thấy hấp dẫn đã tới dự. Sau một hồi thuyết trình về các bệnh phụ khoa, nguy cơ viêm nhiễm tử cung, người tư vấn giới thiệu giải pháp là mọi người nên mua dung dịch vệ sinh với “công nghệ nano vượt trội”. Sau đó, nhiều người đã được khám bệnh ngay tại cuộc tư vấn và rất nhiều người đã mua dung dịch vệ sinh ngay tại Nhà văn hóa thôn.

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Nam Định, Công ty H. không được cấp  phép bán sản phẩm. Còn việc khám bệnh lưu động phải có thiết bị chuyên dụng, có giấy phép theo quy định của Bộ Y tế. Việc bán dạo thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm của công ty hay tư nhân đều là vi phạm pháp luật.

Hiện tượng núp bóng, bán hàng chui thông qua hình thức tư vấn, truyền thông diễn ra khá phổ biến. Gần đây, đã có một số vụ việc vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý và các cơ quan báo chí đã phản ánh như: Vụ Công ty TNHH truyền thông sức khỏe Đại Nam bán thực phẩm chức năng trái phép ở tỉnh Đắc Nông khiến nhiều người mua bị phù nề, sưng mặt, khó thở, đau vùng bụng dưới; Công ty Cổ phần Bách Gia tổ chức tư vấn rồi khám bệnh, bán thuốc trái phép tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế)....

Đặc biệt, riêng tại Thanh Hóa, Cty CP Thực phẩm chức năng và vật tư y tế Việt Nam chỉ được phép tiến hành quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhưng lại khám bệnh, bán thuốc trái phép.

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa sau đó đã yêu cầu xử lý kỷ luật một Trạm trưởng Trạm Y tế xã và đề nghị chính quyền kỷ luật cán bộ liên quan.

Tuy nhiên, những trường hợp bị xử lý như trên chưa nhiều trong khi hiện tượng các công ty núp bóng tư vấn, giới thiệu sản phẩm, rồi sau đó lén lút hoặc công khai khám bệnh và bán thuốc khá phổ biến.

Không ít cơ quan, đoàn thể, nhất là các hội phụ nữ, công đoàn, chính quyền cấp xã, phường lại thiếu hiểu biết, “tiếp tay” cho hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết: “Các công ty thường lợi dụng Thông tư số 08 của Bộ Y tế trong việc quảng cáo thực phẩm rồi liên hệ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh để làm đơn xin cấp giấy phép quảng cáo giới thiệu sản phẩm tại địa phương sau đó tổ chức hội thảo hội nghị rồi khám chữa bệnh, bán thuốc trái phép.

Thông qua các hội nghị này, họ còn “thổi phồng” giá trị của sản phẩm, đánh vào tâm lý người nghe để mua hàng ngay. Trong khi, nhiều cuộc hội thảo còn chưa được cấp phép, và đội ngũ nhân viên tư vấn, khám bệnh cũng chưa được kiểm duyệt về trình độ chuyên môn và những sản phẩm chưa được kiểm tra về chất lượng, độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế nên sớm vào cuộc để quản lý chặt chẽ hơn nhằm chấm dứt tình trạng lợi dụng này”.

Lạng Thương