Lo ngại nảy sinh rắc rối thủ tục hành chính sau sáp nhập phường tại Hà Nội

PV

(Dân trí) - Trong khi nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ vì đề án giúp tinh giảm biên chế, cải thiện chất lượng thủ tục hành chính thì nhiều người lại bày tỏ lo ngại về những rắc rối không đáng có có thể phát sinh.

Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, thành phố hiện có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trên tổng số 579 đơn vị. Sau khi thực hiện sáp nhập, số đơn vị cấp huyện được giữ nguyên trong khi số đơn vị hành chính cấp xã dự kiến chỉ còn 509 đơn vị, trong đó bao gồm 321 xã, 168 phường và 20 thị trấn.

Thông tin tạo ra nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận. Trong khi nhiều người bày tỏ sự ủng hộ việc sáp nhập sẽ giúp tinh gọn biên chế, giảm thiểu áp lực tài chính lên bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước thì ở chiều ngược lại, nhiều độc giả lại thể hiện tâm tư, e ngại về những sự phức tạp, rắc rối có thể xảy tới khi thực hiện các thủ tục hành chính trong tương lai.

Theo luồng quan điểm ủng hộ, anh Tạ Ngọc Thắng đặt nhiều hy vọng về những thay đổi đáng kể trong thủ tục hành chính sau lần cải tổ này. "Chuyển thủ tục hành chính sang online, giải tán bớt những thành phần "cắp ô" làm nặng nề bộ máy và tăng lương cho công chức. Hy vọng hành chính công sẽ có những thành tựu đáng kể sau lần cải tổ này", độc giả này bình luận.

Lo ngại nảy sinh rắc rối thủ tục hành chính sau sáp nhập phường tại Hà Nội - 1

UBND phường Cầu Dền hoàn tất việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường (Ảnh: Hà Mỹ).

Tương tự, độc giả Ngo Duc Tien viết: "Áp dụng quy trình công nghệ vào quản lý thì phải tinh gọn bộ máy. Một phường nên quản lý 30.000-50.000 dân, các dịch vụ công phải tới tận cơ sở; các trụ sở cũ phải tận dụng hiệu quả làm nơi để tiếp dân và thường trực các công tác y tế, đoàn thể".

Còn với độc giả Linh Thảo, chị cho rằng việc tinh giảm biên chế cần tiếp tục thực hiện mạnh tay hơn nữa. Không dừng ở việc cắt giảm, các cơ quan hành chính Nhà nước cần đồng thời thay thế những cán bộ cũ bằng lớp cán bộ mới với sự nhanh nhẹn, am hiểu hơn về công nghệ thông tin để giúp việc thực hiện các thủ tục hành chính trở nên hiệu quả, nhanh gọn hơn.

"Nhờ có công nghệ thông tin, các thủ tục hành chính sẽ nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân rất nhiều. Thiết nghĩ, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, cần giảm biên chế mạnh, nhiều hơn nữa. Ngay tại thời điểm này, số cán bộ từ tổ trưởng tổ dân phố cần được bổ sung, thay thế bằng số người, ít hơn, có kĩ năng công nghệ thông tin; không còn thấy hình ảnh "ghi ghi, chép chép" danh sách viết tay", người này bình luận.

"Giảm đi bộ máy đỡ to phình, thời buổi công nghệ ngồi 1 chỗ biết cả thế giới đang làm gì. Ngày xưa làm gì cũng phải đạp xe đến tận nơi thì mới cần chia nhỏ lẻ xã phường, còn ở thành phố nên để quận quản lý nhiều phường cũng tốt hơn", ý kiến tới từ chủ tài khoản Tran Thang.

Cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, song anh Trần Hiếu Đức nhấn mạnh việc sáp nhập cần quan tâm tới các quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo quy trình thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh gọn, hiệu quả. Độc giả này viết: "Sáp nhập sao thì sáp nhập, nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân, để mỗi lần làm thủ tục cho con đi học hay các thủ tục khác được thuận tiện, không bị làm khó. Tôi tin tưởng vào sự nhạy bén trong cải cách hành chính của Nhà nước".

Trong khi đó, với độc giả Hương Ly, chị bày tỏ sự băn khoăn trước đề án sáp nhập các đơn vị hành chính nêu trên. "Liệu thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt tại các phường mật độ dân số đông có đảm bảo không? Như hiện nay, cán bộ phường, xã đã rất nhiều việc, không thể giải quyết hết trong giờ hành chính. Tới khi sáp nhập thêm các phường khác, tôi lo rằng họ sẽ bị quá tải", độc giả này bình luận.

"Sợ nhất sau sáp nhập nảy sinh rắc rối khi giao dịch các thủ tục hành chính vì thay đổi tên gọi, địa chỉ, hộ khẩu", người dùng có nickname Phủ Đầu Rồng chia sẻ.

Lo ngại nảy sinh rắc rối thủ tục hành chính sau sáp nhập phường tại Hà Nội - 2

Độc giả lo ngại sau sáp nhập nảy sinh rắc rối khi giao dịch các thủ tục hành chính vì thay đổi tên gọi, địa chỉ, hộ khẩu (Ảnh minh họa: Tố Linh).

"May mắn khi quận nơi mình đăng ký hộ khẩu không thuộc diện sáp nhập, bởi trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc sáp nhập trên hiện tại là chưa nên bởi thứ nhất, đề án chưa được phổ biến rộng rãi tới người dân, ít người nắm được dẫn tới việc chưa sẵn sàng cho những thay đổi trong thủ tục hành chính. Thứ hai, việc sáp nhập hiện tại sẽ làm xáo trộn, gây tốn kém tiền bạc và thời gian cho người dân khi phải làm lại hàng loạt giấy tờ cá nhân do sửa đổi về địa chỉ.

Việc chia, tách các đơn vị hành chính cần được đánh giá một cách cẩn trọng, thấu đáo, dựa trên tương quan về diện tích, mật độ cư dân, điều kiện kinh tế cũng như các đặc điểm riêng biệt của từng địa phương. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân cũng cần được đẩy mạnh để họ nắm được và dự kiến, chuẩn bị được những công việc cần thực hiện, tránh những xáo trộn và rắc rối không đáng có về sau này", độc giả Hoàng Linh bình luận.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm