“Lỗ hổng” trong văn hóa ứng xử nơi công cộng

(Dân trí) - Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần được mọi người coi trọng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiện, hiện đang tồn tại một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có cách hành xử thiếu văn hóa.

Như chỉ mình ta
 
Ở những nơi công cộng, trong sự giao lưu tiếp xúc với mọi người xung quanh, con người có điều kiện thể hiện tính cách, lối sống và hành vi ứng xử của mình. Cũng chính vì vậy mà ở những nơi công cộng, người ta có thể dễ dàng nhận ra ai là người có văn hóa. Đáng buồn là đang xuất hiện không ít những cách hành xử thiếu văn hóa của giới trẻ.
 
Ngày 11 tháng 2 năm 2011, báo điện tử Dân trí có bài viết phản ánh việc tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi đá Chồng (Sóc Sơn – Hà Nội) – một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - bị nhiều bạn trẻ viết bậy, bôi bẩn lem luốc trong dịp khai hội đền Sóc năm nay.

 

Bài báo có đoạn viết: “Ngay sau lưng tượng đài Đức Thánh Gióng đã bắt đầu hiện lên chi chít những dòng chữ được viết bằng bút xóa, thậm chí được khắc, mài trực tiếp lên thân tượng với nội dung bậy bạ và thiếu văn hóa nghiêm trọng khiến cho bất cứ ai chứng kiến cũng phải bức xúc, xót xa… Những dòng chữ hết sức phản cảm chi chít trên thân tượng, trên các phiến đá được khắc chữ Nho đề tên Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương do các đôi trai gái thiếu ý thức tạo nên như: Mãi mãi pên nhau Đức love Hương, OX&PX, Hằng + Sinh + V.Anh - Tiên dược kỷ niệm”...
 
“Lỗ hổng” trong văn hóa ứng xử nơi công cộng - 1

Hồ Gươm rác la liệt sau đêm giao thừa (ảnh Tiến Nguyên)

 

Sự việc trên chỉ là một trong số không ít những biểu hiện thiếu văn hóa trong cách hành xử nơi công cộng của giới trẻ trong thời gian qua. Đến những nơi đền, chùa linh thiêng, cần sự trang nghiêm, một số bạn trẻ vẫn “diện” những bộ trang phục hở hang, “mát mẻ” và cho đó là cách ăn mặc “sành điệu” khác người.

 

Mua vé vào xem những trận thi đấu bóng đá thu hút sự chú ý của người hâm mộ, có không ít cảnh chen lấn, xô đẩy và kéo theo đó là những câu chửi thề tục tĩu, rất phản cảm mà “nhân vật” phát ngôn là những người trẻ.

 

Vào nhà hát, tới các rạp chiếu phim, nhiều người cảm thấy khó chịu khi tận mắt nhìn thấy bã kẹo cao su dính ở khắp nơi: trên tường, trên các thành ghế, dưới sàn… mà thủ phạm không ai khác chính là một số bạn trẻ thiếu ý thức.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đến những địa điểm vui chơi công cộng như: công viên, sân tập thể thao của các khối, phố… có nhiều bạn trẻ tụ tập, vui chơi, thư giãn, rèn luyện sức khỏe. Nhưng sau mỗi buổi vui chơi, cuối mỗi buổi tập người ta lại nhìn thấy những vỏ lon nước ngọt, túi đựng đồ ăn vương vãi trên bãi cỏ, dọc các lối đi.

 

Trong các quán cà phê, quán kem vỉa hè, nơi gặp gỡ quen thuộc của nhiều bạn học sinh, sinh viên, không khó để nhìn thấy những cái gác chân vô tư lên ghế, tàn thuốc lá vẩy tứ tung... Không ít nhóm nam nữ mở hết “âm lượng” mặc sức nói chuyện, nô đùa ầm ĩ, sẵn sàng buông ra những câu bình phẩm khó nghe, thậm chí sẵn sàng chửi thề, văng tục bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh.
 
Hồn nhiên phô diễn

 

Trong thời hiện đại, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã giúp cho giới trẻ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau. Giới trẻ cũng ngày càng năng động, nhạy bén hơn trong việc tiếp thu cái mới, các xu hướng thời trang, các kỹ thuật về công nghệ số v.v… Mặc dù vậy, việc trau dồi, rèn luyện để có được những cách ứng xử thực sự có văn hóa ở nơi công cộng vẫn còn bị nhiều bạn trẻ xem nhẹ, bỏ qua.

 

Biết kiên nhẫn xếp hàng mua vé khi đến sân vận động hay tới rạp chiếu phim, bến xe, ga tàu; biết nhường nhịn người già, trẻ em và phụ nữ mang thai khi đi xe buyt… , những điều tưởng chừng như đơn giản và nhỏ nhặt ấy nhưng không ít bạn trẻ vẫn không làm được hoặc biết nhưng không muốn làm vì sợ ảnh hưởng đến chút lợi ích của bản thân.

 

Điều đáng lưu tâm là cứ sau một kỳ lễ hội, một sự kiện văn hóa… những biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận giới trẻ bị mọi người phản ứng, chỉ trích, các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui. Nhưng dường như cũng chỉ dừng lại ở đó, bởi rồi thi sự việc lại dần rơi vào quên lãng. Những cách ứng xử thiếu văn hóa của một số bạn trẻ vẫn tiếp tục “hồn nhiên” diễn ra. Phải chăng, có một sức ỳ trong việc hấp thu, học hỏi, rèn luyện những kỹ năng ứng xử có văn hóa, hay đang có một lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ ngày nay?

 

 Đã đến lúc gia đình, nhà trường và xã hội cần có những quan tâm thực sự đến việc điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ. Trong đó, mỗi người lớn phải thực sự là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa mọi lúc, mọi nơi để giới trẻ noi theo. 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Nhìn vào cách ứng xử ở nơi công cộng, có thể thấy được trình độ văn minh của một dân tộc cũng như trình độ dân trí của dân tộc đó. Những người có đầy đủ lòng tự trọng, không bao giờ có những ứng xử vô văn hóa như các hiện tượng được nêu trong bài viết trên đây.

 

Đáng tiếc là cách ứng xử phản văn hóa đó lại được thể hiện một cách “hồn nhiên” trong giới trẻ ở nơi công cộng. Các em cho đó là cách “thể hiện” mình, nhất là trước mặt bạn khác giới. Đấy là điều “ngộ nhận” thật đáng tiếc, chủ yếu là do trình độ nhận thức và không được sự quan tâm hướng dẫn, giáo dục của những người trong gia đình, của các thầy cô giáo ở nhà trường.

 

Giáo dục văn hóa ứng xử nói chung và nhất là ở nơi công cộng nên trở thành chủ đề giáo dục đạo đức của các nhà trường cũng như của mọi gia đình và các đoàn thể xã hội. Vai trò gương mẫu của người lớn, của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo là rất quan trọng trong sự giáo dục bền bỉ và kiên nhẫn đối với con em mình, học trò mình.