Bài 3:

“Lỗ hổng” thực thi pháp luật vụ trùm lừa đảo MB24 lĩnh án vẫn lãnh đạo công ty đa cấp

(Dân trí) - “Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm, đối tượng bị truy tố trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành để đối tượng chuyển sang hình phạt tù, theo luật thi hành án hình sự lẽ ra đối tượng phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” nhưng trong trường hợp này đối tượng vẫn ung dung, vô tư rời khỏi nơi cư trú để quản lý Công ty đa cấp, trở thành lãnh đạo trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp này. Đó là lỗ hổng pháp luật”, luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Liên quan đến vụ việc “trùm sò” trong đường dây lừa đảo Muaban24 là Vũ Ngọc Thuyển (SN 1976), trú tại Lạng Giang - Bắc Giang đã bị tuyên phạt 4 năm tù về hành vi chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng sau khi lĩnh án, siêu lừa này vẫn đang tại ngoại, tham gia lãnh đạo Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Diện, hiện tượng kinh doanh đa cấp “ma” hay còn gọi là kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo đang có nhiều diễn tiến hết sức phức tạp với những thủ đoạn tinh vi được thực hiện rộng khắp trên cả nước, đặc biệt đối với một số doanh nghiệp mặc dù được cấp phép để hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp chân chính thì vẫn còn một số đơn vị lợi dụng việc được cấp phép này để làm bình phong cho những trò ma quái lừa đảo, kinh doanh trái phép, trốn thuế... Thực tế pháp luật quy định, hành vi kinh doanh đa cấp không được các cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện là hoạt động tội phạm hình sự.


Luật sư Vi Văn Diện: “Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm, đối tượng bị truy tố trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, theo luật thi hành án hình sự phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Luật sư Vi Văn Diện: “Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm, đối tượng bị truy tố trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, theo luật thi hành án hình sự phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

“Đối với Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, có thể nhận thấy đơn vị này đã vi phạm pháp luật ngay trong hoạt động thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định, những trường hợp không được quyền tham gia quản lý doanh nghiệp. Bị cáo Vũ Ngọc Thuyển (SN 1976), trú tại Lạng Giang - Bắc Giang) đã bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Thế nhưng bất ngờ là sau khi lĩnh án, siêu lừa này vẫn đang tại ngoại và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam”.

Tại điểm e, khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp quy định “2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng”. Vậy, việc thừa nhận Vũ Ngọc Thuyển là phó chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam là vi phạm pháp luật khi Thuyển đang trong thời gian bị truy tố về tội phạm hình sự.

Điều lạ chúng ta có thể thấy ở đây là Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm, đối tượng bị truy tố về tội danh Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự, trong thời gian chuẩn bị xét xử, bản án chưa có hiệu lực thi hành để đối tượng chuyển sang hình phạt tù theo luật thi hành án hình sự lẽ ra đối tượng phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” nhưng trong trường hợp này đối tượng vẫn ung dung, vô tư rời khỏi nơi cư trú để quản lý Công ty đa cấp, trở thành lãnh đạo trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp này. Đây là “lỗ hổng” của pháp luật, thể hiện sự bất thường trong quá trình xét xử, quản lý đối tượng phạm tội của của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang”, luật sư Diện phân tích.


Trong các sự kiện công khai của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Vũ Ngọc Thuyển đều đứng sau biển giới thiệu chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngay bên cạnh ông Nguyễn Văn Chung vơí biển tên Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam.

Trong các sự kiện công khai của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Vũ Ngọc Thuyển đều đứng sau biển giới thiệu chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngay bên cạnh ông Nguyễn Văn Chung vơí biển tên Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam.

Theo luật sư Diện, vấn đề ở đây là việc quản lý bị can, bị cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang cũng như chính quyền xã, phường, thị trấn nơi Vũ Ngọc Thuyển cư trú. “Tôi cho rằng nếu không thuộc những trường hợp khác ngoài biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì đối tượng Vũ Ngọc Thuyển khó có cơ hội rời khỏi nơi cư trú của mình để ra Hà Nội quản lý, điều hành Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng được vì cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự:

“1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.

3. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

Để có mặt tại Hà Nội thì đối tượng Vũ Ngọc Thuyển có được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú không? Và có “Giấy thông hành”, Giấy phép của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang hay không? Nếu có được thì điều kiện áp dụng đối với Vũ Ngọc Thuyển ra sao, nếu bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú tại Bắc Giang thì liệu rằng việc rời khỏi nơi cư trú ra Hà Nội để tham gia kinh doanh đa cấp liệu có phải là lý do chính đáng. Trường hợp đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nêu trên mà Vũ Ngọc Thuyển bất chấp lệnh để rời khỏi nơi cư trú vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm đối với chính quyền nơi Vũ Ngọc Thuyển cư trú được giao quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan tố tụng đã ra quyết định này”, luật sư Diện đặt câu hỏi.

Theo luật sư Diện, để bảo đảm tuân theo pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm bảo vệ pháp luật cần thiết ngay lập tức vào cuộc tiến hành thanh, kiểm tra đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra cũng vào cuộc xác minh điều tra về một số nội dung và có kết luận cụ thể đối với Công ty Liên minh tiêu dùng liên quan đến các hành vi như: Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng; đã đảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; đã đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh hàng hóa đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh hay chưa hoặc hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kể cả hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Trước đó, trả lời PV Dân trí về việc bị cáo Vũ Ngọc Thuyển sau khi bị tuyên án 4 năm tù, đến nay vẫn tại ngoại và tham gia lãnh đạo công ty đa cấp Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, tại sao không áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ông Thân Quốc Hùng - Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho biết đó là quyết định của HĐXX.


“Khi duyệt cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty này, tôi không biết Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm bị khởi tố mà chỉ căn cứ vào hồ sơ. Nếu biết việc này chắc chắn chúng tôi đã không cấp phép cho công ty Liên Minh Tiêu Dùng”, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Thương Mại Sở Công thương tỉnh Bắc Giang khẳng định.

“Khi duyệt cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty này, tôi không biết Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm bị khởi tố mà chỉ căn cứ vào hồ sơ. Nếu biết việc này chắc chắn chúng tôi đã không cấp phép cho công ty Liên Minh Tiêu Dùng”, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Thương Mại Sở Công thương tỉnh Bắc Giang khẳng định.


Trụ sở hoành tráng của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam tại số 15 phố Đặng Thuỳ Trâm (Bắc Từ Liêm - Hà Nội).

Trụ sở hoành tráng của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam tại số 15 phố Đặng Thuỳ Trâm (Bắc Từ Liêm - Hà Nội).

PV Dân trí trực tiếp trao đổi với Vũ Ngọc Thuyển qua điện thoại. Thuyển thừa nhận đang lĩnh án bản án 4 năm tù và đang kháng cáo. Trong hơn 1 năm qua, đã vài lần TAND Tối cao có lịch xét xử nhưng phiên toà vẫn chưa được diễn ra.

Ông Thuyển phủ nhận việc mình là Phó chủ tịch HĐQT Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam nhưng thừa nhận vẫn đang tham gia lãnh đạo công ty với vai trò trợ lý của ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty này.

Tuy nhiên, theo điều tra của PV Dân trí, sau khi bị cáo Thuyển bị tuyên phạt 4 năm tù, trên nhiều tờ báo đã trích dẫn phát ngôn của Vũ Ngọc Thuyển, viết chân dung “gương sáng” về ông Thuyển với vai trò Phó chủ tịch HĐQT Công ty Liên Minh Tiêu Dùng.

Đặc biệt, trong các sự kiện công khai của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Vũ Ngọc Thuyển đều đứng sau biển giới thiệu chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngay bên cạnh ông Nguyễn Văn Chung vơí biển tên Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) được thành lập theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Công ty này được đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013 do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp.

Thời điểm này, Vũ Ngọc Thuyển tham gia công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam với vai trò là Tổng giám đốc. Kỳ lạ đây cũng chính là thời điểm Thuyển đang bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra.

“Khi duyệt cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty này, tôi không biết Vũ Ngọc Thuyển đang là tội phạm bị khởi tố mà chỉ căn cứ vào hồ sơ. Nếu biết việc này chắc chắn chúng tôi đã không cấp phép cho công ty Liên Minh Tiêu Dùng”, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Thương Mại Sở Công thương tỉnh Bắc Giang khẳng định.

Ông Phương cho biết: Khoảng tháng 11/2014, Sở Công thương Bắc Giang tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty Liên Minh Tiêu Dùng nên đã quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh đa cấp của công ty này. Tuy nhiên, đầu năm 2015, Nghị định 42 có hiệu lực, thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh đa cấp thuộc Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương. “Đúng ra đã đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép của công ty này từ tháng 12/2014 nhưng sau đó Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương lại cấp phép hoạt động lại cho công ty này”, ông Phương nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế