Bình Dương:

Lò gạch bị “khai tử”, những “công nhân đặc biệt” sẽ đi về đâu?

(Dân trí) - Họ là những người lao động chân chất đến từ các tỉnh miền Tây. Có gia đình 3 thế hệ đều bám trụ bằng nghề làm gạch. Họ chỉ biết làm gạch, không biết làm nghề gì khác. Nếu lò bị xóa sổ, không biết tương lai họ sẽ về đâu.


Chủ trương bất nhất

Càng gần đến cận ngày UBND tỉnh Bình Dương ra lệnh dẹp tất cả các lò gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn, thì không chỉ chủ lò mà đến công nhân đều nơm nớp, hồi hộp.

UBND tỉnh Bình Dương vẫn viện ra các lý do để cương quyết dẹp lò gạch. Cụ thể, trong buổi họp báo ngày 13/6, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh chấp hành nghiêm túc lộ trình của Chính phủ về chuyển đổi gạch đất sét nung sang gạch không nung. Ngay từ năm 2010, Bình Dương cũng không có chủ trương xây dựng lò gạch Hoffman. Tuy nhiên, nhiều chủ lò vẫn áp dụng công nghệ này. Các cơ sở sản xuất gạch này có nhiều vi phạm như kinh doanh không phép, sai phép; xây dựng không phép; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường… UBND tỉnh đã kéo dài thời gian từ năm 2010 đến nay để tạo điều kiện cho các lò có kế hoạch sử dụng hết nguồn nguyên liệu, thu hồi vốn. Tuy nhiên, đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh vẫn còn 107 lò gạch công nghệ Hoffman và 4.623 lao động đang làm việc tại đây. UBND tỉnh Bình Dương đã cho thời gian khá dài, nên đến ngày 30/6/2014, các lò phải chấm dứt hoạt động.

Lò gạch bị “khai tử”, những “công nhân đặc biệt” sẽ đi về đâu?
Người đàn ông này mong muốn lò gạch tồn tại vài năm nửa để kiếm thêm thu nhập trước khi tuổi già sức yếu

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không trả lời trực tiếp báo chí mà thông qua đường văn bản. Trong văn bản, ông Tài cho biết: “Ngày 29/6/2010, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1867/UBND-XD chỉ đạo “từ nay trở đi ngừng việc triển khai thí điểm và xây dựng mới lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương thể hiện sự quyết liệt của UBND tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện Quyết định của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung, quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020”. Ông Tài cũng cho rằng, các lò Hoffman gây ô nhiễm môi trường nên việc chấm dứt hoạt động là chủ trương đúng đắn.

PV Dân trí đã đi thực địa tại một số lò gạch ở Phú Giáo, Tân Uyên (Bình Dương) để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trước quyết định “khai tử” lò gạch công nghệ Hoffman.

Tại ấp Cây Chàm, P.Thạnh Phước, Tân Uyên, là khu tập trung nhiều lò gạch Hoffman. Lò gạch nào cũng có ống khói cao. Các lò đang hoạt động nhưng khói nhả ra từ ống rất ít. Nguyên do là ngay tại lò có hệ thống bể nước lọc, làm lắng cặn khói trước khi thải ra môi trường.

Phần lớn công nhân đều được chủ lò gạch bố trí nơi ăn ở để thuận tiện cho công việc
Phần lớn công nhân đều được chủ lò gạch bố trí nơi ăn ở để thuận tiện cho công việc

Tại lò gạch Hoffman của ông Lâm Văn Thành (ấp Bình Chánh Đông, P.Khánh Bình, Tân Uyên), ống khói gần vườn cây nhưng không có bụi bám vào lá. Cây cối vẫn xanh mướt và phát triển bình thường. “Để đánh giá công nghệ lò Hoffman có gây ô nhiễm môi trường thì phải chờ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, ở cả khu này, đều sản xuất gạch nhưng đâu có mùi gì khét, khó thở đâu. Cây cối vẫn xanh tươi đấy thôi”, ông Nguyễn An Đông, chủ lò gạch Minh Tú cho biết.

Ông Bùi Trí Dũng, chủ lò gạch Thanh Anh cho biết, năm 2009, tỉnh Bình Dương cho xây dựng thí điểm lò Hoffman tại Công ty TNHH MTV Việt Linh ở huyện Phú Giáo. Sau thời gian vận hành sản xuất, công nghệ Hoffman đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đánh giá đạt yêu cầu. Thấy công nghệ Hoffman phù hợp với quy mô hoạt động nhỏ lẻ, được cơ quan chức năng khuyến khích nên các doanh nghiệp, cơ sở mới mạnh dạn đầu tư, học hỏi, áp dụng.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, mở thêm lò Hoffman thì các sở ngành liên quan của tỉnh Bình Dương vẫn không có ý kiến phản đối. “Các cơ quan chức năng không có định hướng cụ thể cho các cơ sở trong quá trình chuyển đổi công nghệ. Khi chúng tôi xin giấy phép kinh doanh, cơ quan chức năng đồng ý thì chúng tôi mới dám làm chứ nếu chúng tôi làm sai, chúng tôi đâu có thể tồn tại đến bây giờ”, ông Dũng nói.

Những đứa trẻ này sẽ ra sao khi cha mẹ chúng thất nghiệp, không nơi trú ngụ?
Những đứa trẻ này sẽ ra sao khi cha mẹ chúng thất nghiệp, không nơi trú ngụ?

Hàng ngàn công nhân sẽ về đâu?

Trong cuộc họp báo ngày 13/6 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện còn 107 lò gạch công nghệ Hoffman và 4.623 lao động đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, theo tính toán của các chủ lò thì trên toàn tỉnh, vẫn còn khoảng 200 lò công nghệ Hoffman với gần 10.000 lao động.

Trong khi các ông chủ đang “đứng ngồi không yên” với nguy cơ không thu hồi vốn, khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề thì các lao động cũng “nóng hơ cái ruột” khi đối mặt với nạn thất nghiệp nếu lò gạch bị đóng cửa.

Các công nhân đang làm tại lò gạch là những “lao động đặc biệt” vì đa phần xuất thân từ các tỉnh miền Tây, trình độ học vấn không có hoặc rất thấp. Họ chỉ làm những việc quen tay, quen chân. Nếu đưa vào các khu công nghiệp theo hướng bố trí việc làm như tính toán của Sở Lao động Thương binh & Xã hội Bình Dương thì họ rất khó hòa nhập.

Gia đình 3 thế hệ bám lò gạch nay không biết sẽ về đâu?
Gia đình 3 thế hệ "bám" lò gạch nay không biết sẽ về đâu?

Các lao động này được bố trí lưu trú trong khu nhà trọ do chủ xây dựng và cho thuê ngay bên cạnh lò gạch. Cuộc sống của gia đình các công nhân trong những căn phòng nhỏ, chật, ẩm thấp… nhưng họ có vẻ hài lòng với thực tại. Chúng tôi ghé vào dãy nhà trọ của các công nhân đang làm việc tại cơ sở sản xuất gạch Lâm Thành Nhung. Chiều mưa, những đứa nhỏ đen nhẻm đang nghịch nước trong khi cha mẹ của chúng đang “rầu thúi ruột” vì sợ thất nghiệp.

Bế đứa con nhỏ trên tay, chị Thạch Thị Hiền (30 tuổi, quê Sóc Trăng) thở dài khi nói về những ngày sắp tới. “Vợ chồng em làm công nhân ở đây đã hơn 3 năm rồi. Tụi em có làm được gì đâu ngoài làm gạch. Lò mà đóng cửa, vợ chồng em không biết lấy tiền đâu nuôi 2 đứa con”, cô gái người Khơ-me tâm sự.

Những công nhân lớn tuổi, trình độ hạn chế rất khó để kiếm công việc mới
Những công nhân lớn tuổi, trình độ hạn chế rất khó để kiếm công việc mới

Còn chị Tạ Thị Hiền (42 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết, vợ chồng chị làm tại đây, được chủ bao ăn ở. Cứ nửa tháng, được ứng lương 1 lần. Tổng thu nhập mỗi tháng của chị cũng được 3 triệu đồng đều tích góp gửi về quê cho 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị Hiền cũng cho biết, chưa hề thấy cán bộ nào nói đến việc hỗ trợ việc làm cho công nhân nếu lò gạch đóng cửa. “Trình độ không có. Em cũng không biết làm gì ngoài làm gạch anh ơi”, chị Hiền tâm sự.

Chúng tôi bắt gặp người đàn ông dáng gầy, ốm nhưng rất gân guốc đang mở cửa lò, lấy gạch nung ra. Ông tên Trần Văn Hùng (59 tuổi, quê Hậu Giang). Do lao động chân tay, trông ông già hơn so với tuổi. Ông Hùng cho biết, ông làm việc ở đây được hơn 10 năm. Không chỉ vợ chồng ông mà 6 đứa con đều “bám trụ” tại lò gạch để mưu sinh. Hiện giờ, vợ ông tuổi già sức yếu, không lao động nổi nên ở nhà nấu ăn cho cha con ông. “Tôi làm ở đây mỗi tháng được 5 triệu đồng. Cuộc sống như vậy tôi cảm thấy cũng ổn rồi. Nhưng giờ nghe ông chủ nói lò sắp đóng cửa. Tôi lo quá. Mất việc, chúng tôi buộc phải về quê nhưng về quê rồi biết làm gì hả chú?”, ông Hùng nói mà đôi mắt thâm quầng, ngấn lệ.

Vẫn biết rằng, chủ trương dẹp bỏ các lò gạch theo chỉ đạo của Chính phủ là đúng. Tuy nhiên, khi lộ trình thực hiện vẫn còn dài, khi chính quyền tỉnh Bình Dương còn nhiều việc phải làm như hiện nay và sự tồn tại của các lò gạch không là vấn đề cấp bách thì nên có quyết định thấu tình đạt lý. Chí ít, cũng không để các lao động vốn đã nghèo lại vướng vào nghịch cảnh của sự lầm than.

Công Quang