Lò đốt than hành dân khốn khổ tại Đắk Nông!

(Dân trí) - Những năm qua, trên địa bàn xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) xuất hiện các lò than tự phát ngay giữa khu dân cư. Hàng ngày, cả trăm hộ dân phải chịu cảnh khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe và sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.

Người dân “kêu trời” vì lò than nằm ngay trong khi dân cư

Nhiều tháng nay, hai bên con đường bê tông ở thôn Xuân Lộc 1, Thổ Hoàng 4 (xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) xuất hiện những “núi” gốc cây cà phê khô. Toàn bộ số gốc cây này được các chủ lò than mua từ các vườn cà phê già cỗi về để chuẩn bị đốt than củi. Những lò đốt than củi mỗi tuần hoạt động liên tục 3-5 ngày, được xây dựng ngay sát nhà ở với diện tích từ 20 - 30m² khiến người dân sống quanh lò than chịu khổ.

Bà N.T.M. (ngụ thôn Xuân Lộc 1) cho biết, gia đình bà có một ít diện tích trồng cây ăn trái và cà phê, nằm sát bên cạnh lò than không phép của một người hàng xóm. Hiện những cây này đang có dấu hiệu chết dần chết mòn vì ngày ngày phải hứng chịu hơi nóng và khói bụi phát ra từ lò đốt than.

Các lò than tự phát, thiết kế thủ công nằm sát khu dân cư
Các lò than tự phát, thiết kế thủ công nằm sát khu dân cư

“Vườn tược của gia đình đầu tư bao nhiêu tiền của nhưng hiện nay cây cối không thể phát triển được, nhiều cây thì héo vàng, cây thì lá rụng hết chỉ còn trơ lại cành, những cây ở xa thì bám một lớp khói bụi đen xì. Để bà con yên tâm sản xuất, chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền các cấp sớm di dời các cơ sở đốt than này xa khu dân cư”, bà M. cho hay.

Tương tự, ông N.V.Đ (ngụ thôn Thổ Hoàng 4), có nhà ở và vườn sát bên cơ sở sản xuất than bức xúc, suốt ngày đêm phải hít thở khói, bụi, khí độc từ các lò than, người dân khổ sở và bức xúc lắm. Tình trạng trên kéo dài mấy năm nay, nhất là vào thời điểm cuối mùa khô, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Hàng ngày, những lò than này thải ra môi trường một lượng khói lớn
Hàng ngày, những lò than này thải ra môi trường một lượng khói lớn

Theo các hộ dân sống quanh các lò than, những lò này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Mỗi lần các chủ lò than tiến hành đốt, khói bụi bao trùm cả một không gian rộng lớn, làm cho bầu không khí rất ngột ngạt. Mặc dù đã nhiều lần góp ý nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục đốt than nên người dân mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, yêu cầu các lò than phải di dời ra khỏi khu dân cư.

Anh Liên, chủ lò than tại thôn Thổ Hoàng 4 cho biết đã “làm nghề” đốt than nhiều năm nay. Sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, các anh tìm những vườn già cỗi, cần nhổ bỏ để mua cây gỗ (với giá 700 - 800 đồng/kg) rồi đưa về tập kết gần nhà đốt dần.

Mỗi lò than hiện có sức đốt khoảng 3 tấn củi khô và sau khoảng 8 - 10 ngày đốt liên tục sẽ cho ra khoảng 40 bao than. Một phần số than này được cung cấp các đại lý, nhà hàng trên địa bàn huyện với giá khoảng 80.000 đồng/bao, phần lớn còn lại được vận chuyển xuống TP.HCM để tiêu thụ.

Phần lớn cá lò than hoạt động bằng đốt củi cà phê
Phần lớn cá lò than hoạt động bằng đốt củi cà phê

Anh này cũng thừa nhận, việc lò than hoạt động trong một thời gian dài sẽ thải ra môi trường một lượng khói lớn, tuy nhiên do hoạt động nhỏ lẻ, không liên tục nên anh này không xin phép cơ quan chức năng để hoạt động.

Tại hai điểm đốt than khác thuộc thôn Xuân Lộc 1, mặc dù 2 điểm đốt than chỉ cách nhau chừng gần 200 m và xung quanh có nhiều nhà cửa nhưng các chủ lò than đều khẳng định rằng việc đốt than “không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và chưa thấy ai ý kiến gì”.

Qua tìm hiểu, tại các thôn Xuân Lộc 1, Thổ Hoàng 4 và Xuân Tình 3 của xã Đắk Sắk nhiều năm nay xuất hiện các hộ dân làm nghề đốt than. Các lò than tự phát này hoạt động không liên tục mà theo kiểu mùa vụ, chủ yếu đốt trong mùa khô. Lò đốt than cũng được thiết kế rất sơ sài, chỉ được đắp bằng gạch và đất sét, khói trong quá trình đốt sẽ thải trực tiếp ra môi trường, phát tán ra khắp khu dân cư.

Những đống củi cà phê chất đống chuẩn bị vào lò
Những đống củi cà phê chất đống chuẩn bị vào lò

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết, năm ngoái trên địa bàn xã có một lò than công nghiệp, sản xuất than củi với quy mô lớn ảnh hưởng tới đời sống của bà con và môi trường. Trước những phản ánh của bà con, xã đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra sau đó lò than này đã di dời đến một vị trí khác, xa khu dân cư hơn.

Tuy nhiên, ông Hải cũng xác nhận trên địa bàn xã vẫn có tình trạng các lò than tự phát, không có giấy phép hoạt động, không có đánh giá tác động môi trường nằm ngay ở khu dân cư. Từ đầu năm 2017 tới nay, xã chưa kiểm tra, thống kê chính xác số lò than đang hoạt động vì... chưa nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân. Hiện UBND xã đã giao cho ban tự quản các thôn rà soát lại thực trạng của tất cả lò than trên địa bàn. Sau khi có kết quả, UBND xã sẽ mời các hộ đốt than lên làm việc và vận động họ sớm di dời các lò than ra khỏi khu dân cư.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm