Xét xử vụ tranh chấp đất tại xã Đông Mỹ, TP. Hà Nội:

Liệu công lý có được thực thi

Vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, kéo dài hơn 10 năm, trải qua hơn 10 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Cơ quan Thi hành án (THA) Dân sự TP Hà Nội đã thi hành bản án phúc thẩm có hiệu lực sau phiên giám đốc thẩm được gần 2 năm.

Liệu công lý có được thực thi
Quyết định giám đốc thẩm số 212/2012/DS-GĐT ngày 8/5/2012 của Tòa Dân sự - TAND Tối cao đã không được nhà bà Mão chấp nhận
 
Mọi việc tưởng như đã an bài, nhưng ngày 9/6/2010, TAND Tối cao lại ra quyết định kháng nghị hủy bản án phúc thẩm, xét xử lại… Đây là lần xử phúc thẩm thứ 4 và người dân đang chờ xem công lý có được thực thi?
 
Căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, 2 cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa có 3 người con chung là: Nguyễn Văn Kế (mất năm 1988) có vợ là bà Triệu Thị Mão - nguyên đơn vụ kiện; Nguyễn Văn Sáu (mất năm 1998) và ông Nguyễn Văn Bốn (mất năm 1994).

Vợ chồng cụ Sụn, Nghĩa đều qua đời trước năm 1945 không để lại di chúc. Sau đó, vợ chồng ông Kế, bà Mão đã quản lý, sử dụng 2.036m2 đất do bố mẹ để lại.

Năm 1956, ông Kế và bà Mão chia cho người em ruột là ông Sáu một nửa diện tích đất do bố mẹ để lại (ông Bốn không lấy).

Năm 1993, con trai út của bà Mão là ông Nguyễn Văn Tạo nghĩ để mảnh đất lớn thì phải đóng thuế đất nhiều nên chia đôi mảnh đất của gia đình ra để ông Nguyễn Văn Chung (con trai ông Bốn) đứng tên vì nghĩ ông Chung là người mắc bệnh tâm thần, không biết gì, tiền thuế đất bà Mão vẫn đi đóng đầy đủ cả khuôn viên đất 1.020 m2.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, sự việc trở nên rắc rối vào năm 2000, khi mẹ ông Chung là bà Lê Thị Thân bị ốm nặng sắp chết, ông Tạo ở quê ra chơi, bà Thân hỏi: “Ở quê làm sổ đỏ phải không? Nếu có cho thím xem". Sau đó, bà giữ và đưa cho con gái là bà Nguyễn Thị Bình.

Ông Tạo cho biết, bản thân ông Chung cũng không biết mình đứng tên trong sổ đỏ.

Năm 2002, chị gái của ông Chung là Nguyễn Thị Bình đem sổ đỏ về đòi chia đất, lúc đó bà Mão mới biết trong khi bà đi vắng thửa đất 1.020m2 của bà đã bị ông Tạo “cưa” đôi cho ông Chung đứng tên và UBND huyện Thanh Trì đã cấp sổ đỏ cho ông Chung, ông Tạo, mỗi người 510m2.

Lật tìm hồ sơ vụ án, đơn xin tách thửa và biên bản chia cắt đất đề ngày 20/4/1993 do ông Nguyễn Văn Tạo ký, nhưng đứng đơn và biên bản là ông Nguyễn Văn Kế (ông Kế đã chết từ năm 1988); đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn Chung, nhưng ông Chung lại không ký.

Theo Quyết định giám đốc thẩm số 63/2008/DS-GĐT ngày 21/4/2008 của TAND Tối cao thì việc làm này không đúng pháp luật vì không được sự đồng thuận, nhất trí của bà Mão và bà Nhung (chị gái của ông Tạo)... Như vậy, xác định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tạo và ông Chung đứng tên rõ ràng là không đúng...

Sau trên 10 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, giám đốc thẩm, ngày 23/9/2008, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm lần thứ 3 và tuyên bố, việc vợ chồng bà Mão sử dụng đất liên tục trên 60 năm nên là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với thửa đất 1.020m2. Hơn nữa, việc UBND huyện Thanh Trì cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Chung, người mắc bệnh tâm thần, là trái pháp luật.

Lần thứ 3 xét xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc ông Nguyễn Văn Tạo và ông Nguyễn Văn Chung phải trả lại đất cho bà Mão và kiến nghị UBND huyện Thanh Trì thu hồi các sổ đỏ cấp trái pháp luật. Cũng vì tình cảm họ hàng, bà Mão đã tự nguyện “cắt” lại cho ông Chung 170m2 đất trong số 510m2 đất để cho ông Chung có mảnh đất sinh sống.

Ngay sau khi có Bản án dân sự phúc thẩm số 58/2008/DS-PT ngày 23/9/2008 của TAND TP Hà Nội, bà Mão đã có đơn xin THA vào tháng 12/2008.

Cơ quan THA dân sự TP Hà Nội đã tiến hành làm các thủ tục và hoàn tất việc THA Bản án dân sự phúc phẩm số 58/2008/DS-PT vào ngày 16/1/2009, đồng thời có Công văn số 646/THA-CV gửi TAND Tối cao báo cáo về việc bản án trên đã được thi hành xong…

Vậy nhưng, ngày 9/6/2010, TAND Tối cao lại kháng nghị với những lý lẽ đã bị bác bỏ trước đó khiến người trong cuộc nghi ngờ về sự khách quan của quyết định này.

Cần nói thêm, kết quả của các bản án trước đó đều khẳng định là phải thu hồi và hủy bỏ 2 sổ đỏ được cấp trái pháp luật về cả nội dung và quy trình. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cũng khẳng định: Các cơ quan chức năng cần thu hồi, hủy bỏ 2 bản sổ đỏ cấp trái pháp luật này.

Dư luận hiện đang trông chờ vào những phán quyết công tâm của cơ quan bảo vệ pháp luật trong lần xét xử phúc thẩm tới.

Theo Báo Thanh tra