“Liên hoan” chia tay cuối năm học không nên quá đà

(Dân trí) - Thời gian năm học sắp kết thúc, chỉ còn tính bằng ngày, cũng là lúc học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, thường chuẩn bị cho các buổi liên hoan chia tay. Nếu được tổ chức tốt, sẽ để lại những kỷ niệm đẹp trong đời học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có năm nào là không xảy ra những sự cố đáng tiếc từ những cuộc liên hoan quá đà của học sinh và xảy ra trong tình trạng “ngòai tầm kiểm sóat” của nhà trường cũng như gia đình, khi được biết thì mọi chuyện đã rồi !

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế được cải thiện, học sinh cũng có nhiều hình thức khác nhau trong việc tổ chức các buổi liên hoan chia tay: liên hoan tại lớp, “vui vẻ” tại nhà, tổ chức các buổi picnic, dã ngoại… Mức độ của các cuộc liên hoan cũng khác nhau: có liên hoan”nhẹ”, liên hoan “nặng”. Với các lớp học sinh cuối cấp, nhất là đối với học sinh lớp 12, thì thường kết hợp liên hoan “nhẹ” bằng hoa quả, bánh kẹo tại lớp và liên hoan”nặng” bằng việc tổ chức “bữa cơm thân mật” ở ngoài trường. Trong một vài năm gần đây còn có “phong trào” thuê rạp, dựng rạp tổ chức liên hoan “hoành tráng”, linh đình. Thời gian tổ chức có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày, thường là ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT không lâu. Điều đáng quan ngại là tình trạng học sinh sử dụng rượu bia trong các cuộc liên hoan đang trở nên khá phổ biến. Mặc dù các nhà trường đều cấm học sinh sử dụng rượu bia nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh sử dụng rượu bia làm ”chất xúc tác” trong các cụôc liên hoan vẫn diễn ra và chủ yếu là bên ngoài trường học. Khi sử dụng rượu bia, với tâm lý dễ bốc đồng, nhiều em đã “vui tới bến”  dẫn đến việc không còn tự làm chủ được hành vi của bản thân. Hệ luỵ có thể kéo theo là: gây tai nạn giao thông; nổi máu “anh hùng”, xích mích, gây gổ đánh nhau thậm chí là đâm chém nhau…

Chi phí cho mỗi cuộc liên hoan chia tay được tổ chức linh đình, “hoành tráng” cũng không phải là nhỏ. Thông thường dao động trong khoảng 100 000đ – 200 000đ/em. Với những học sinh con các gia đình có kinh tế khá giả thì không phải băn khoăn nhiều nhưng với những học sinh gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì đây là một số tiền đáng kể. Do tâm lý ham vui, muốn được “bằng bạn bằng bè”, nhiều em đã tìm mọi cách “xoay xở’ để có bằng được khoản tiền góp liên hoan. Kể cả việc phải nói dối với phụ huynh là phải đóng khoản này, khoản nọ để ôn tập, luyện thi.

Việc để cho học sinh tự do tổ chưc các buổi liên hoan chia tay linh đình, tốn kém, không phù hợp một phần là do sự buông lỏng trong quản lý, định hướng của nhà trường, mặt khác còn do sự “tiếp tay” của các bậc phụ huynh. Một số nhà trường mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở mà thiếu những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Do vậy, chỉ hạn chế được tình trạng học sinh sử dụng rượu bia và tổ chức liên hoan linh đình, tốn kém ở trong khu vực nhà trường còn việc học sinh tổ chức liên hoan ở ngoài trường thì… “ngoài vòng kiểm soát”.Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra dễ dãi khi con xin tiền để góp liên hoan với suy nghĩ cho rằng: “chúng nó học hành căng thẳng suốt cả năm, cuối năm học tạo điều kiện cho chúng vui vẻ, thư giãn với bạn bè một tí chắc cũng không sao” nên sẵn sàng “móc hầu bao” cho con tiền góp liên hoan. Một số phụ huynh còn “thoáng” hơn khi đồng ý “đăng cai” tổ chức liên hoan cho lớp học của con ngay tại nhà mình và không ngăn cản khi “các cháu” sử dụng rượu bia trong cuộc vui. Khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc, có hối hận thì mọi sự đã quá muộn màng.

Để những cuộc liên hoan chia tay kết thúc năm học của học sinh thực sự có ý nghĩa, tránh tình trạng “quá mù ra mưa” cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa nhà trường và hội phụ huynh học sinh. Theo đó, cần có sự định hướng, kiểm soát trong việc tổ chức các buổi liên hoan chia tay cuối năm của học sinh đảm bảo tính chất trang trọng, tiết kiệm, an toàn. Tổ chức Đoàn thanh niên trong nhà trường cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn các lớp - chi đoàn với những nội dung, chương trình phù hợp để có được những buổi liên hoan chia tay đáng nhớ. Các bậc phụ huynh cũng cần chặt chẽ, nghiêm khắc hơn trong việc kiểm soát các khoản tiền đóng góp của con dịp cuối năm học. Đối với những học sinh cuối cấp nhất là với học sinh lớp 12 cần nhận thức được rằng: hiện đang là thời điểm “nước rút” hết sức quan trọng. “Thời gian vàng” không nên phí phạm vào những cuộc vui quá đà, vô bổ mà hãy tận dụng quỹ thời gian còn lại cho việc ôn tập thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp.

 

 

Bùi Minh Tuấn

Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Tổ chức liên hoan cuối năm học, nhất là vào dịp chia tay cuối cấp học, là một nét văn hóa đẹp, nên khuyến khích các em học sinh tổ chức. Nhưng việc làm gì cũng có hai mặt, nếu tổ chức quá đà, gây lãng phí, nhất là sử dụng cả rượu, bia thì đối với lứa tuổi các em rất dễ sinh ra chuyện cãi lộn, gây xích mích, thậm chí đánh nhau. Đấy là chưa kể lúc ra về vẫn còn hơi men, không chủ động được tay lái (cả xe đạp và xe máy), rất dễ gây ra các tai nạn giao thông.

Với kinh nghiệm nhiều năm qua, thầy giáo viết bài trên đây đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng liên hoan quá đà của học sinh vào dịp cuối năm học. Đấy là  lời nhắc nhở cần thiết không chỉ đối với học sinh mà cả nhà trường cũng như gia đình nên quan tâm hướng dẫn các em mình chỉ nên tổ liên hoan sao cho đầm ấm, vui vẻ, để lại những kỷ niệm đẹp đáng ghi nhớ trong đời học sinh.