Lịch trình di chuyển kín: Áp lực phía sau vô lăng của tài xế

PV

(Dân trí) - Nhiều tài xế phải làm việc thời gian dài với lịch trình dày đặc, nhất là đối với các xe ô tô chạy tuyến đường dài, xe chạy hợp đồng. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Trong những ngày gần đây, tin tức về các vụ tai nạn thương tâm xảy ra đã khiến dư luận không khỏi xót xa cho những nạn nhân xấu số. Song, cũng không ít người đặt ra sự băn khoăn xoay quanh các thông tin liên quan đến lịch trình di chuyển và tình trạng sức khỏe của tài xế vì đây là một trong những yếu tố có vai trò đảm bảo an toàn của hành khách.

Chạy xe nhiều giờ liên tục để đạt chỉ tiêu lấy doanh số hoặc phải "bám sát" lịch trình của khách hàng

Trên thực tế, tài xế thường tự làm chủ hoặc làm thuê cho một đơn vị kinh doanh vận tải, song dù là làm chủ hay làm thuê thì khi chính họ phải ngồi vào ghế lái cũng có những áp lực của riêng mình.

Lịch trình di chuyển kín: Áp lực phía sau vô lăng của tài xế - 1

Nhiều tài xế phải chạy xe nhiều giờ liên tục để đạt chỉ tiêu lấy doanh số hoặc phải "bám sát" lịch trình của khách hàng (Ảnh minh họa).

Như Dân trí đã thông tin, thông qua lời kể của một cựu nhân viên (lơ xe) thuộc hãng xe có tiếng chuyên chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Đà Lạt - Cần Thơ thì một số tài xế thuộc hãng xe này thường chạy liên tục để đạt chỉ tiêu (KPI) lấy doanh số đảm bảo tiền lương, nên hầu như ai cũng mệt mỏi dẫn đến ngủ gục, nhiều lần suýt gây tai nạn.

"Nhiều tài xế của nhà xe này chỉ ngủ 6 giờ/ngày. Công ty trả lương cho tài xế được đánh giá là cao, nên ai cũng ham làm để có tiền, cố chạy cho đủ KPI", người này cho biết.

Từ đây, có thể thấy được áp lực mà những người lái xe thuê cho các đơn vị kinh doanh vận tải xuất phát từ chỉ tiêu, doanh số mà họ mong muốn đạt được trong tháng để tiền lương cao hơn. Điều này vừa đáp ứng mong muốn về hiệu suất của doanh nghiệp đối với công việc, vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công lái xe. Tuy nhiên, "lợi bất cập hại" chính là sức khỏe, tinh thần của tài xế bị ảnh hưởng dẫn đến những hệ lụy khó lường khi họ điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Mặt khác, đối với những chủ xe "kiêm" tài xế hoặc những cá nhân kinh doanh vận tải nhỏ, lẻ với mô hình xe dưới 24 chỗ thì lái xe của họ thường xuyên phải di chuyển liên tục theo các hợp đồng vận chuyển hành khách, có thể theo lịch trình khách hàng đề nghị hoặc theo tour du lịch.

Chúng ta không hiếm để thấy những chuyến đi ngắn ngày được lên kế hoạch "2 ngày 1 đêm" hay "3 ngày 2 đêm" nhằm tham quan nhiều địa điểm trong một tỉnh hoặc một vài tỉnh lân cận. Các đoàn này thường di chuyển bằng hình thức thuê xe hợp đồng, song điều đáng nói ở đây là hầu hết các tour như vậy trên xe chỉ có một lái xe đi cùng đoàn khách.

Như phóng viên Dân trí đã thông tin về vụ tai nạn tại Lạng Sơn xảy ra ngày 31/10 vừa qua, theo lời kể của bà V.T.H (61 tuổi) - một trong những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ tai nạn thì không khó để nhận thấy lịch trình di chuyển của đoàn khách này tương đối dày đặc mà chỉ có một lái xe là ông Q.Đ.T (57 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Bà H. kể: Khoảng 4h ngày 30/10, đoàn của bà gồm 14 người xuất phát từ Hạ Long (Quảng Ninh) đi lễ một số chùa tại Lạng Sơn. Sau hơn 3 tiếng di chuyển, đoàn đến Lạng Sơn và đi một số đền như Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Đồng Đăng,... Đến khuya cùng ngày, đoàn đến đền Chầu Lục (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).

Làm lễ xong đến khoảng 2h ngày 31/10, cả đoàn lên xe tiếp tục di chuyển. Do mệt vì đi quãng đường xa, di chuyển liên tục nên vừa lên xe mọi người liền chợp mắt nghỉ ngơi, khoảng sau 5 phút di chuyển thì xe gặp tai nạn.

Từ những lời tường thuật nêu trên, không ít bạn đọc Dân trí đã phải đặt câu hỏi: "Đi từ 4h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau mà di chuyển đến nhiều địa điểm, đoàn khách đã tận dụng được tối đa thời gian để kết hợp tham quan nhiều nơi nhưng liệu sức khỏe của lái xe có đảm bảo để điều khiển ô tô liên tục như vậy không?".

Câu trả lời cho câu hỏi này cũng chính là áp lực mà người ngồi sau vô lăng phải cân bằng trong các chuyến đi "một xế, một xe" như vậy.

Nguyên tắc "tính mạng con người là trên hết" phải được đảm bảo đầu tiên từ lái xe

Trên thực tế, trách nhiệm của lái xe là một yếu tố chủ quan tiên quyết trong việc đảm bảo an toàn của tất cả những người ngồi trong xe. Bởi lẽ, việc chiếc xe đi trên đường thế nào, xử lý các tình huống khẩn cấp khi gặp vật cản ra sao hay các vấn đề khác trong quá trình di chuyển rất cần sự tỉnh táo, khéo léo của tài xế.

Ngoài ra, việc cân đối thời gian làm việc là vấn đề cần lưu tâm, theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Quy định này đã chỉ rõ thời gian làm việc của lái xe theo luật định.

Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi tài xế có tình trạng sức khỏe khác nhau, lái xe trên các cung đường có địa hình khác nhau nên tùy từng trường hợp, có thể giảm bớt thời gian điều khiển phương tiện sao cho phù hợp với sức khỏe của mình hoặc bổ sung thêm tài xế khác đi cùng chuyến để có thể "đổi lái" khi cần thiết.

Nhìn nhận một cách khách quan, nghề tài xế hay bất kỳ một nghề nào khác trong xã hội đều có những áp lực của riêng mình. Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù của ngành vận tải lữ hành là liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người nên mỗi đơn vị kinh doanh, chủ xe, tài xế không những phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ mà còn phải tự nhắc nhở rằng: "Phía sau vô lăng là tính mạng của mình, của người khác và sự chờ đợi, mong ngóng của nhiều gia đình" để đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến đi.

Nguyên Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm