Xe không dữ liệu hành trình, chế tài nào cho tài xế vụ tai nạn 5 người chết

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu không có dữ liệu hành trình, các chứng cứ khác như lời khai, dấu vết va chạm, độ mòn lốp hay vệt bánh xe… vẫn có thể được sử dụng để làm rõ yếu tố lỗi của tài xế trong vụ tai nạn.

Như Dân trí thông tin, Công an tỉnh Lạng Sơn đang tạm giữ hình sự tài xế Quách Đình Trọng (ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) để xác minh hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ông Trọng là người điều khiển ô tô 16 chỗ va chạm với xe container dừng ven đường Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), vào rạng sáng 31/10 khiến 5 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe chỉ có dữ liệu hành trình đến 4h59 ngày 30/10. Thời điểm gặp nạn, phương tiện không có dữ liệu giám sát hành trình nên không ghi nhận tốc độ.

Trường hợp này, nếu không có dữ liệu hành trình, có thể ước tính tốc độ phương tiện trước khi va chạm hay không? Những căn cứ nào cần làm rõ để xác định số phận pháp lý của tài xế Trọng?

Xe không dữ liệu hành trình, chế tài nào cho tài xế vụ tai nạn 5 người chết - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: công an cung cấp).

"Nguyên nhân xảy ra tai nạn là điều cần bàn tới"

Từng tham gia nhiều vụ án với vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, trong các vụ án liên quan tới giao thông đường bộ, tốc độ trước va chạm là một trong những cơ sở quan trọng giúp xác định lỗi của các bên. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều yếu tố mà cơ quan chức năng cần làm rõ nhằm tìm ra sự thật khách quan của một vụ tai nạn.

Trường hợp này, việc có hay không dữ liệu giám sát hành trình chỉ góp một phần nhỏ trong việc giải quyết vụ án. Theo ông Thắng, dưới góc nhìn tổng quan, nguyên nhân vụ tai nạn mới là điều cần bàn.

"Theo thông tin trên truyền thông, khu vực va chạm là đoạn đường cua, dốc. Thời điểm xảy ra tai nạn là lúc trời tối, tài xế bị hạn chế tầm nhìn và không kịp xử lý khi gặp chướng ngại vật. Như vậy, ngoài tốc độ, còn rất nhiều yếu tố cần làm rõ để xác định tài xế có vi phạm nguyên tắc nào dẫn tới tai nạn hay không.

Đó là trạng thái của tài xế ở thời điểm đó, cần xác định người này có ngủ gật hay mất tập trung hay không; là yếu tố khoảng cách giữa 2 xe ở thời điểm phát hiện chướng ngại vật là bao xa; là cách xử lý của tài xế trước va chạm như thế nào, đánh lái, phanh gấp hay kết hợp cả 2 và đã đảm bảo tối ưu về nguyên tắc xử lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra hay chưa…", nguyên kiểm sát viên phân tích.

Những vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ dựa trên bản ảnh hiện trường, lời khai tài xế và những người liên quan, kết luận giám định các phương tiện hay kết quả thực nghiệm lại hiện trường… Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn tổng quan, toàn diện về việc điều khiển phương tiện của ông Trọng và đánh giá về trách nhiệm pháp lý của người này.

Về vấn đề tốc độ, theo luật sư Thắng, để xác định được tốc độ thì phải tiến hành giám định, dựa trên những chứng cứ hiện trường như điểm va chạm giữa 2 phương tiện; độ móp, méo, tổn hại của các xe; độ mòn của lốp hay dấu vết bánh xe trên mặt đường. Việc giám định sẽ được tiến hành, song chỉ có thể ước định chứ không thể khẳng định tốc độ của xe khách thời điểm trước va chạm. Bởi vậy, đây là một căn cứ "định tính" và không thể coi là căn cứ chính để xác định trách nhiệm của tài xế trong vụ tai nạn.

Còn theo luật sư, thượng tá Nguyễn Thành Vinh (Nguyên Điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội), về các biện pháp nghiệp vụ, điều cơ bản đầu tiên cơ quan điều tra cần làm là củng cố lời khai của người điều khiển phương tiện; lời khai của người làm chứng và lời khai của bị hại.

Tiếp theo, do đoạn đường có nhiều phương tiện lưu thông, cơ quan điều tra cần kiểm tra, trích xuất dữ liệu camera hành trình ghi lại vụ va chạm của các tài xế di chuyển cùng và ngược chiều trên quãng đường xảy ra tai nạn cũng như dữ liệu camera giám sát giao thông (nếu có).

Sau đó, các điều tra viên và cán bộ điều tra sẽ đi sâu vào phân tích biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới các vấn đề như vị trí va đập, độ biến dạng của các phương tiện; lực húc của xe khách ở thời điểm va chạm; các vết trượt trên mặt đường khi phanh xe, các vết rê bánh xe, cọ xát, xô lệch sau va chạm hay độ mòn của lốp xe khách…

Từ những chứng cứ trên, có thể ước tính tốc độ của phương tiện trước va chạm và xác định tài xế đã tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc xử lý tình huống khi gặp chướng ngại vật hay chưa.

Tuy nhiên, cũng giống luật sư Thắng, ông Vinh cho rằng đây là tình tiết có yếu tố định tính. Cần đánh giá cẩn trọng, khách quan, toàn diện hành vi của tài xế này không chỉ dựa trên tốc độ mà còn rất nhiều yếu tố khác.

Chế tài nào chờ đợi tài xế?

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình xe theo quy định của Chính phủ.

Xe không dữ liệu hành trình, chế tài nào cho tài xế vụ tai nạn 5 người chết - 2

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm).

Trong trường hợp không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền dữ liệu giám sát hành trình hoặc sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng không hoạt động, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền 5-6 triệu đồng, căn cứ khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách buộc phải cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên ô tô theo quy định.

Còn về chế tài hình sự, luật sư Trang cho biết theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng người khác tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trường hợp hành vi vi phạm làm chết từ 3 người trở lên, theo khoản 3 Điều này, khung hình phạt áp dụng là 7-15 năm tù.

Hoàng Diệu