Lều chõng giữa bão dịch

Học hành thi cử gắn với việc làm, cũng như phát hiện và phát huy năng lực cá nhân thực ra vẫn luôn là vấn nạn đau đầu của giới trẻ và các bậc cha mẹ toàn thế giới.

Chỉ còn ba ngày nữa, 1 triệu sĩ tử của 63 tỉnh, thành phố cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Có thể gọi đây là thi đợt 1, bởi sẽ còn đợt 2 dành cho những thí sinh vẫn đang bị bao vây giữa các vùng cách ly, phong tỏa, là những F0, F1, F2.

Giữa thế trận COVID-19 còn đang chằng chịt, hình ảnh những cô cậu học trò kín mít khẩu trang, nhiều nơi xùm sụp đeo kính chống giọt bắn bước vào phòng thi, khác nào người lính binh chủng hóa học ra trận...

Vậy là dù đang mùa bão dịch, hình thức "lều chõng" bút sách ứng thí theo cách truyền thống hàng trăm năm qua, vẫn tiếp tục. Nó tiếp tục, có lẽ bởi vẫn đem lại sự an tâm cao nhất cho nhà quản lý lẫn các bậc cha mẹ, về sự công bằng giỏi dốt, phân rõ vàng thau, không cá mè một lứa.

Bởi sợ xét học bạ sẽ "chạy điểm", còn thi online tại nhà sẽ được cả "đội quân" ông bà cha mẹ lăm lăm trợ giúp chẳng ai kiểm soát hết được. Trong khi hình thức thi online hiện cũng mới chỉ là biện pháp tình thế, chưa có chuẩn thống nhất, cũng không phải gia đình nào có đủ thiết bị, kỹ thuật.

Những ngày này, "mặt trận" thi cử nóng nhất vẫn là từ TPHCM. Trong vòng 24 giờ ngày hôm qua (3/7), thành phố có thêm 714 ca mắc mới COVID-19 trong tổng số 922 ca trong ngày trên cả nước. Nhưng địa phương vẫn quyết định cho toàn bộ thí sinh thi ngay đợt này, trừ những em diện F0, F1, F2. Hôm qua, TPHCM xét nghiệm cho hơn 100 nghìn người liên quan trực tiếp kỳ thi, trong đó có trên 89,2 nghìn thí sinh. Chưa kể chừng ấy phụ huynh đưa đón, tập trung chờ đợi bên ngoài cũng phải đảm bảo âm tính. Một "cuộc chiến" cân não thực sự.

Đông đảo phụ huynh có con em thi THPT đợt này tại TPHCM và nhiều địa phương có dịch tỏ ra lo lắng. Ngoài lo dịch giã, còn vẫn vì những lý do "muôn thuở". Rằng năm nào tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp chẳng gần 100%. Rằng tốt nghiệp đại học còn chẳng tìm được việc làm, nói gì cái bằng tốt nghiệp phổ thông,...

Học hành thi cử gắn với việc làm, cũng như phát hiện và phát huy năng lực cá nhân thực ra vẫn luôn là vấn nạn đau đầu của giới trẻ và các bậc cha mẹ toàn thế giới. Đó là cả một câu chuyện dài và luôn tồn tại.

Đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Vũ Quần Phương mới đây, thấy thú vị. Con trai đầu của ông là nhà Toán học nổi tiếng thế giới, giáo sư Đại học Yale (Mỹ). Ban đầu khi cậu con học ngành điện tử viễn thông trong nước, nhà thơ "Em đi lửa cháy trong bao mắt/Anh đứng thành tro em biết không" chỉ hy vọng sau này ra trường con trở thành... thợ sửa tivi! Một viễn cảnh thật giản dị: Buổi tối, con ngồi chữa tivi, còn bố đứng cạnh cầm đèn soi cho con. Nhưng rồi chỉ đến khi bước ra du học, thiên tư toán học của con trai nhà thơ mới phát lộ. 

Để cứ nghĩ, những tấm bằng tốt nghiệp nói lên điều gì, nếu bước vào đời mỗi người trẻ không tự lắng nghe, phát hiện ra sức mạnh, thiên tư và khát vọng của riêng mình. Để trở thành "một người khác" đặc biệt như chính bản thể được sinh ra. Nói thêm, trước khi là nhà thơ chuyên nghiệp và nổi tiếng, Vũ Quần Phương tốt nghiệp Y khoa và từng làm bác sĩ được mấy năm.

Kỳ thi vẫn sẽ diễn ra, kỳ thi thời quá độ, tạo tiền đề chín muồi cho những thay đổi cơ bản sẽ phải đến. Mong tất cả diễn ra thuận lợi và an toàn.