Kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10:

Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của hội Liên hiệp phụ nữ VN

Trải qua những chặng đường lịch sử, các thế hệ phụ nữ đất Quảng đã làm rạng danh truyền thống quê hương bằng những chiến công và thành tích lẫy lừng… Một trong những người như vậy là đồng chí Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của hội Liên hiệp phụ nữ VN - 1

Bà Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của hội Liên hiệp phụ nữ VN

Đồng chí Lê Thị Xuyến quê xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, sinh năm 1909. Học xong bậc sơ học yếu lược ở trường Mỹ Hoà, trường nữ sinh Hội An, rồi trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Năm 1928, vừa tốt nghiệp bậc Thành Chung vừa đỗ bằng sư phạm. Lê Thị Xuyến là phụ nữ đầu tiên ở Quảng Nam có được tấm bằng ấy và được giữ lại làm giáo viên của Trường Đồng Khánh.

Cuối năm 1928, Lê Thị Xuyến lập gia đình với Phan Thanh - một trí thức cách mạng nổi tiếng, quê làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Lúc này, Phan Thanh đang dạy học ở Hà Nội; sau đó Lê Thị Xuyến chuyển ra Hà Nội sống với chồng và tiếp tục dạy học ở các trường tư thục Sùng Đức, Hoài Đức (trường nữ) và trường Thăng Long (trường nam), đồng thời còn làm trợ lý cho chồng trong việc quản lý kinh tế của trường Thăng Long. Ngôi nhà số 165A, phố Hen ri D’Orle’ans (Đường Thành) của vợ chồng Xuyến - Thanh là đầu mối liên lạc của Đảng Cộng sản Đông Dương, đây là địa điểm lui đến thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo của Đảng lúc bấy giờ như Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Cũng tại đây diễn ra các cuộc họp bàn việc thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ, vận động bầu Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ (khoá III) và Hội đồng Kinh tế - Lý tài Đông Dương...

Một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với những người yêu nước lúc này là phải chống nạn thất học cho người dân. Để đáp ứng yêu cầu đó, năm 1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập. Tuy không nằm trong Ban sáng lập và lãnh đạo Hội, song Lê Thị Xuyến tham gia các công việc của Hội một cách tích cực và được giao các nhiệm vụ thư ký, thủ quỹ, vận động gây quỹ, kiểm tra các lớp học ở Hà Nội và lúc này chưa phải là đảng viên, chưa thuộc tổ chức nào của Đảng, nhưng đồng chí hiểu rằng mình đã nằm trong guồng máy cách mạng, mỗi việc mình làm đều phục vụ cho sự nghiệp lớn lao của đất nước của dân tộc.

Sau khi Phan Thanh mất, một mình nuôi hai con nhỏ, lại xa gia đình hai bên, Lê Thị Xuyến phải trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả. Một lần nữa nghị lực, ý thức tự lập đã giúp người phụ nữ Quảng Nam xa quê này vượt qua những lực cản của cuộc đời. Nhiều lúc Lê Thị Xuyến bị ốm nặng, tưởng chừng không qua khỏi và mỗi khi sức khỏe ổn định đã tích cực dạy học, làm thủ quỹ cho trường Thăng Long và tham gia hoạt động truyền bá Quốc ngữ. Ngôi nhà số 165 A, phố Hen ri D’Orle’ans vẫn là nơi liên lạc và làm việc của nhiều chiến sĩ cách mạng.

Tháng 5 năm 1945, Lê Thị Xuyến quyết định đưa cả gia đình về quê hương Quảng Nam. Theo chỉ thị của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) đến gặp Lê Thị Xuyến yêu cầu chuyển một số tài liệu: Chỉ thị Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh; Mười chính sách của Mặt trận Việt Minh; Đề cương văn hóa Việt Nam... về Quảng Nam. Số tài liệu này sau đó được gia đình chuyển đến Mặt trận Việt minh tỉnh Quảng Nam (Mặt trận Trần Cao Vân) để in gửi cho Mặt trận Việt Minh các phủ, huyện trong tỉnh. Những ngày cách mạng tháng 8 sôi sục, Lê Thị Xuyến hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn. Khởi nghĩa thắng lợi, đồng chí được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã Bảo An, phụ trách cứu tế xã hội. Sau cách mạng, Đảng ta chủ trương thay đổi thành phần của Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp theo hướng mở rộng, tiếp nhận các nhà tri thức tiến bộ vào cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Lê Thị Xuyến là một trong những tri thức được Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ mời ra tham gia bộ máy chính quyền Trung Bộ và được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ, phụ trách Nha cứu tế xã hội.

Tháng 01 năm 1946, Lê Thị Xuyến được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I (1946-1960) và đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành một trong 15 đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong mười người nữ đầu tiên của cả nước được bầu làm đại biểu Quốc hội. Trúng cử Quốc hội, Lê Thị Xuyến trở lại Hà Nội và tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Sau đó, Lê Thị Xuyến liên tục là đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, V và cũng được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ các khoá IV, V; Ủy viên Ban Văn hoá - Xã hội của Quốc hội.

Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài đang điên cuồng chống phá, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải gấp rút thành lập Mặt trận thống nhất đoàn kết dân tộc để hình thành một lực lượng hùng hậu, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc Việt Nam. Mặt trận Liên việt - tiền thân của Mặt trận Tổ quốc được thành lập, Lê Thị Xuyến được cử vào Ban Thường trực Mặt trận. Theo sự chỉ đạo của Đảng, Lê Thị Xuyến cùng một số trí thức, công chức có tinh thần dân tộc thành lập Đảng Xã hội Việt Nam. Bấy giờ, Đoàn phụ nữ cứu quốc đang hoạt động mạnh nhưng mới chỉ thu hút chị em là công nhân, nông dân, chưa tập hợp được đông đảo các tầng lớp phụ nữ tri thức tiểu tư sản, tiểu chủ, điền chủ, tôn giáo, thành một lực lượng mạnh mẽ, rộng rãi nhằm đoàn kết thống nhất các tầng lớp phụ nữ đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và giải phóng bản thân chị em. Do đó, giữa năm 1946, Lê Thị Xuyến cùng bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng được Đảng giao nhiệm vụ tham gia Ban vận động sáng lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm mở rộng tập hợp các tầng lớp phụ nữ chưa đúng vào Hội phụ nữ cứu quốc. Đoàn phụ nữ cứu quốc sẽ là lực lượng nòng cốt của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong Mặt trận Liên Việt.

Lấy danh nghĩa Bà Phan Thanh quả phụ một chiến sĩ cách mạng, hơn nữa với danh nghĩa là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời là ủy viên Thường trực Mặt trận Liên Việt, đồng chí đã thâm nhập vào các đối tượng phụ nữ để đoàn kết tập hợp các tầng lớp phụ nữ tiêu biểu và cùng với các cán bộ phụ nữ chuyên nghiệp tiến hành tổ chức Đại hội thành lập Hội liên Hiệp phụ nữ.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 20 tháng 10 năm 1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, đồng chí Lê Thị Xuyến được cử làm Hội trưởng lâm thời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam , mở đầu giai đoạn đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ Việt Nam sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ chống giặc cứu nước. Với những hoạt động tích cực trên, ngày 20 tháng 7 năm 1947, Lê Thị Xuyến vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Do được thử thách trong hoạt động thực tiễn, ngày được kết nạp vào Đảng cũng là ngày đồng chí trở thành đảng viên chính thức của Đảng. Tháng 8 năm 1948, đồng chí tham gia Đoàn Đại biểu

Tháng 4 năm 1950, tại Đại hội phụ nữ Toàn quốc lần thứ nhất, Đoàn phụ nữ cứu quốc đã hợp nhất vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Đồng chí Lê Thị Xuyến được cử làm Hội trưởng. Ngoài các nhiệm vụ trong Quốc hội, trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí Lê Thị Xuyến còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1946 – 1977); Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới Việt Nam (1952 – 1976); Ủy viên Ủy ban đoàn kết Á- Phi (1958 - 1988); Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban đoàn kết hữu nghị với các nước (1977 - 1983); ... đồng chí còn là Chủ nhiệm báo Phụ nữ Việt Nam trong những năm đầu báo mới thành lập và có thời gian phụ trách Nhà xuất bản Phụ nữ.

Từ một nhà giáo yêu nước trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tín nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước, mặt trận, các hội đoàn thể từ địa phương cho đến Trung ương. Đặc biệt, đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên và có thời gian công tác lâu nhất (32 năm) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể từ khi thành hợp nhất các tổ chức phụ nữ thành hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 

Lê Năng Đông

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam