Lấy tên người đặt cho chó, ngựa ở buổi giao lưu Đại Nam: Có phạm luật?

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, trong nhận thức và văn hóa người Việt thì việc gọi tên, đặt tên người cho súc vật là hành động nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Vào chiều ngày 19/3, khu du lịch Đại Nam đã tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng và được livestream trên mạng xã hội. 

Đáng chú ý, trong chương trình có tiết mục đua chó, đua ngựa. Tuy nhiên, các chú chó đua, ngựa đua được công ty này đặt theo tên của những người đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh… 

Khi đoạn video này được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía dư luận xã hội. Nhiều người đặt ra câu hỏi pháp luật quy định như thế nào về hành vi sử dụng tên của người có mâu thuẫn để đặt cho chó, ngựa?

Lấy tên người đặt cho chó, ngựa ở buổi giao lưu Đại Nam: Có phạm luật? - 1

Trường đua trị giá trăm triệu USD của ông Dũng "lò vôi" (Ảnh: Trung Kiên).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp trị - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong nhận thức và văn hóa người Việt thì việc gọi tên, đặt tên người cho súc vật là hành động nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Hành động này là đi ngược lại những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo khoản 1 điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Hành xử như vậy là đi ngược lại sự tiến bộ văn minh, có những biểu lộ của tâm lý nguyên thủy, hoang dã, không thừa nhận sự tồn tại của đạo đức cơ bản, sự điều chỉnh của luật pháp, sự quản lý của Nhà nước.

Nghệ danh, bút danh của những người nổi tiếng, được mọi người biết đến, nhận ra còn có giá trị hơn cả tên riêng của họ. Việc sử dụng những nghệ danh, bút danh để đặt cho súc vật là hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm cá nhân người đó.

Sự lan truyền hành động xúc phạm thông qua một cuộc đua động vật với sự tham dự đông đảo người xem, kết hợp với sự lan truyền không bị giới hạn trên phương tiện truyền thông càng làm rõ nét thêm hành động xúc phạm. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của cá nhân trong trường hợp này đã rõ.

Luật sư Lực cho rằng, các cá nhân bị xúc phạm cũng cần phải có ý kiến, quan điểm bày tỏ thái độ, tâm lý của mình trước sự kiện này để gửi cơ quan chức năng. Có như vậy cơ quan chức năng mới có cơ sở, căn cứ khách quan đánh giá được hậu quả tâm lý của người bị xúc phạm.

Với yếu tố hành vi, hậu quả kết hợp với dư luận xã hội cơ quan chức năng có căn cứ để áp dụng chế tài hình sự về tội danh làm nhục người khác của người đặt tên người cho súc vật.

Luật sư Quách Thành Lực dẫn lại câu chuyện tại đất nước Trung Quốc năm 2012 về việc một phụ nữ bị phạt 800 USD vì lấy tên hàng xóm đặt cho chó. Theo đó, Hu Lin từ lâu đã không hài lòng với hàng xóm của cô là anh Wang Sun sau khi hai người có va chạm về chuyện đất đai trước đó.

Có vẻ như cô đã tức giận tới nỗi quyết định đặt tên cho cún cưng của mình theo tên anh Wang và bất cứ khi nào người hàng xóm tới gần, Hu đều bắt đầu chửi rủa con vật cưng của mình.

"Để trả thù, cô ấy đã đặt tên cho cún cưng của mình là Wang và sau đó hễ nhìn thấy tôi là cô ấy lại bắt đầu chửi thề hoặc lăng mạ nó," Wang nói trong một phiên tố tụng ở tòa án tỉnh Cam Túc, miền Bắc Trung Quốc.

"Ai cũng biết cô ấy muốn ám chỉ điều gì," Wang nói thêm.

Thẩm phán cũng đồng ý rằng hành động của Hu đã gây ra "tổn thất về tinh thần" đối với Wang và yêu cầu cô nộp 800 USD tiền phạt, ngoài ra Hu phải gửi lời xin lỗi tới hàng xóm của mình.

Từ đó, luật sư Lực cho rằng, việc cơ quan chức năng không xem xét xử lý hình sự trong vụ việc này sẽ tạo ra một hiệu ứng tâm lý xấu trong xã hội, phá bỏ các chuẩn mực ứng xử đạo đức văn minh và còn cổ súy cho các hoạt động tương tự sau này.

Sỉ nhục (hay làm nhục) người khác là một trong những hành vi xâm phạm đến quyền của con người đối với danh dự, nhân phẩm được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành.

Theo Luật sư Lực, chuỗi các hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng từ trước đó như đưa thông tin sai sự thật, tố cáo không có căn cứ, kích động người dân, dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa chửi bới trên mạng xã hội, sử dụng tên của người có mâu thuẫn để đặt cho động vật… có thể xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác".

Nhằm bảo vệ một trong những quyền quan trọng nhất của công dân, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) về tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 như sau:

"Điều 155. Tội làm nhục người khác 

  1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;