Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ:

Lật tẩy hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ

(Dân trí) – Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Công ty TNHH cửa cuốn Úc Vinh Quang, có trụ sở tại 180 Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân, Hải Phòng.

Lật tẩy hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ  - 1
Cán bộ thanh tra Bộ KH&CN đang kiểm tra hiện trường

Ngày 1/11/2011, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kí Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Công ty TNHH cửa cuốn Úc Vinh Quang (Công ty Vinh Quang). Phạt tiền 66 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cảnh cáo đối với hành vi, vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gắn dấu hiệu (R trong vòng tròn) gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng như chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu). Buộc Công ty Vinh Quang loại bỏ yếu tố vi phạm "GemanRodoor" được gắn trên 08 bộ cửa cuốn; loại bỏ dấu hiệu đó dưới sự chứng kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, hàng loạt sản phẩm cửa cuốn của Công ty Vinh Quang được kết luận xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Tân Trường Sơn (Công ty Tân Trường Sơn), có trụ sở tại 3/357 đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bởi Đoàn Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế C46 (Bộ Công an). Thế nhưng, đại diện Cty Vinh Quang vẫn bất hợp tác với cơ quan chức năng.

Bắt quả tang hàng loạt sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu

Đầu tháng 10/2011, Đoàn thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định thanh tra đột xuất tại trụ sở Công ty Vinh Quang. Trong số nhiều sản phẩm cửa cuốn được giới thiệu tại đây, có mẫu sản phẩm trên thanh nhôm có gắn dấu hiệu GemanRodoor đã được bảo hộ của Công ty Tân Trường Sơn. Tuy nhiên, cùng có mặt tại hiện trường, Giám đốc Kinh doanh của Tân Trường Sơn khẳng định: "Đây không phải sản phẩm do Công ty mình sản xuất"?

Từ điểm nghi vấn này, một mũi khác của Đoàn thanh tra cũng đồng thời tiến hành thanh tra tại cơ sở sản xuất của Công ty Vinh Quang tại địa chỉ 402 đường Trần Nhân Tông, phường Nam Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng phát hiện trên thanh nhôm có gắn dấu hiệu GemanRodoor. Tiếp tục kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện 08 bộ sản phẩm cửa cuốn này đang trong quá trình hoàn thiện và đóng gói chuẩn bị đi tiêu thụ. Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy có nhiều điểm tương tự đến mức gần giống với nhãn hiệu của Công ty Tân Trường Sơn.

Theo ông Phạm Văn Toàn, Trưởng đoàn Thanh tra, căn cứ theo hồ sơ đã tra cứu, căn cứ vào nhãn hiệu Công ty Vinh Quang đang sử dụng trên sản phẩm, đối chiếu với văn bằng đã được bảo hộ cho Công ty Tân Trường Sơn, kết luận ban đầu thì việc sử dụng dấu hiệu GemanRodoor xâm phạm đến nhãn hiệu đang được bảo hộ cho Công ty Tân Trường Sơn.

Ông Phạm Văn Toàn nhấn mạnh: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa và Công nghệ) đã giám định và kết luận: "Việc Công ty Vinh Quang gắn dấu hiệu GemanRodoor trên sản phẩm, trên catalogue là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho Tân Trường Sơn". Đồng thời, trên sản phẩm của Công ty Vinh Quang giữa các cách trình bày trên các tài liệu giao dịch, cattalogue và các visit cũng rất tương tự với cách trình bày của Tân Trường Sơn…

Khó kiểm soát được sản phẩm vi phạm đã được tiêu thụ

Được biết, trước thời điểm cơ sở sản xuất của Công ty Vinh Quang bị thanh tra thì số lượng đơn hàng đối với riêng sản phẩm cửa cuốn có gắn dấu hiệu xâm phạm của Tân Trường Sơn khá nhiều và tần xuất giao hàng cũng không hề ít. Thậm chí đơn hàng dồn dập trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây. Đặc biệt và so với các sản phẩm cửa cuốn khác thì những lô hàng này được sản xuất trong khoảng thời gian nhanh hơn, khâu in phun dấu hiệu GemanRodoor chỉ được thực hiện trước xuất xưởng chừng vài chục phút?
 

Lật tẩy hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ  - 2

Một nhân viên kỹ thuật nhận định, dấu hiệu vi phạm được in theo một kỹ thuật tương đối hiện đại. Bề mặt sơn cũng khá giống với sản phẩm của Tân Trường Sơn tuy nhiên quan sát thanh nhôm trước khi được sơn thì chất lượng khá thấp và mỏng.

Qua dấu hiệu đã điều tra và quan sát, có thể thấy lượng sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp của Công ty Vinh Quang đã tiêu thụ ngoài thị trường là khó kiểm soát hết. Như vậy, thiệt hại cả về vật chất và thương hiệu mà Công ty Tân Trường Sơn đang bị Công ty Vinh Quang xâm hại nhãn hiệu cũng khó có thể đo đếm hết.

Ngày 28/11, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Trước vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp với nhà chức trách địa phương kiểm tra, theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ công nghiệp. Đặt biệt, đối với những doanh nghiệp đã vi phạm cần phải được xử lý nghiêm; tái kiểm, hậu kiểm tra là hết sức cần thiết để đem lại một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Vũ Văn Tiến – Thu Hà