Phú Thọ:

Lập hồ sơ sai, rút tiền ngân sách trục lợi

Lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển thủy sản hàng hóa, Công ty cổ phần Hòa Thanh, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã lập hồ sơ sai để rút tiền ngân sách trục lợi.

Vụ việc được Thanh tra tỉnh Phú Thọ làm rõ nhưng không hiểu lý do gì đến nay những người sai phạm vẫn chưa bị xử lý.

Làm sai hồ sơ để rút tiền

Công ty cổ phần Hòa Thanh được UBND tỉnh Phú Thọ giao 88,6 ha để làm dịch vụ du lịch trên địa bàn các xã Đồng Luận, Trung Nghĩa, Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, trong đó diện tích mặt nước là 72,52 ha, diện tích đất nông nghiệp 10,5 ha, 5 ha đất lâm nghiệp, đất trồng sắn trên đồi Vườn Vua.
Diện tích mặt nước nuôi thủy sản của Công ty cổ phần Hòa Thanh
Diện tích mặt nước nuôi thủy sản của Công ty cổ phần Hòa Thanh
 
Ngày 16/3/2004, UBND tỉnh Phú thọ ra Quyết định số 747/2004/QĐ - UB về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản hàng hóa. Trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ vốn cho các gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả chuyển sang chuyên nuôi thủy sản. Để được hưởng chính sách ưu đãi này, ngày 25/8/2004, ông Hồ Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Thanh đã lập phương án đề nghị hỗ trợ kinh phí chuyển đổi 84,4/88,6 ha đất làm dịch vụ du lịch sang nuôi thủy sản. Mục đích của việc này là để "biến" đất làm dịch vụ du lịch thành đất "kém hiệu quả", nhận tiền hỗ trợ của nhà nước. Phương án chuyển đổi này đã được UBND huyện Thanh Thủy đồng ý và tiến hành thẩm định, xác định diện tích đủ điều kiện hỗ trợ là 43 ha, với số tiền được hỗ trợ là 129 triệu đồng. Nhưng sau khi đại diện Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ kiểm tra và xác định lại thì số diện tích đủ điều kiện hỗ trợ giảm xuống còn 30 ha, với số tiền là 90 triệu đồng.


Ông Lê Văn Sáu ở xã Đoan Hạ (Thanh Thuỷ) là kế toán trưởng Công ty cổ phần Hòa Thanh cũng đứng tên lập phương án đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi 87 ha đất đang nuôi trồng 1 vụ lúa, 1 vụ cá chuyển thành đất "kém hiệu quả" để được nhận tiền hỗ trợ. Việc làm này đã "qua mặt" được đại diện cả hai ngành là Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ. Sau khi kiểm tra lại, hai sở này đã xác định diện tích đủ điều kiện hỗ trợ là 80 ha, với tiền được hỗ trợ là 240 triệu đồng.


Đề nghị thu hồi tiền hỗ trợ trái quy định

Bà Đào Thị Phương, nguyên là thủ quỹ của Công ty Hòa Thanh đã viết đơn tố cáo ông Hồ Văn Sơn, Giám đốc công ty về việc lập phương án sai để nhận 90 triệu đồng tiền hỗ trợ và ông Lê Văn Sáu, kế toán của công ty nhận 240 triệu đồng. Bà Phương đã gửi đơn lên cơ quan chức năng, đề nghị thu hồi số tiền hỗ trợ trái quy định trên.

Ngày 26/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Thanh tra tỉnh làm việc với người tố cáo, xác minh chứng cứ, kết luận, kiến nghị biện pháp giải quyết nội dung tố cáo và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 2/2012.

Sau khi xác minh, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã có kết luận việc tố cáo của người dân là có cơ sở. Kết quả xác minh của Thanh tra tỉnh cho thấy, diện tích thực tế mới chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản của Công ty Hòa Thanh chỉ là 13,56 ha (không phải là 30 ha như đã nhận hỗ trợ), diện tích còn lại nguyên là diện tích mặt nước sẵn có từ khi công ty nhận giao đất không phải đầu tư chuyển đổi. Như vậy, diện tích không đủ điều kiện chuyển đổi là 16,4 ha, tương ứng với số tiền không đủ điều kiện hỗ trợ là 49,32 triệu đồng. Xác minh lần thứ hai, Thanh tra tiếp tục phát hiện thêm 4,5 ha không đủ điều kiện hỗ trợ với số tiền là 13,3 triệu đồng, nâng tổng số tiền không đủ điều kiện hỗ trợ phải thu hồi về ngân sách trên 62,6 triệu đồng.

Với cá nhân ông Lê Văn Sáu: Năm 2004, ông Sáu được xã Đoan Hạ (Thanh Thủy) cho nhận thầu 87 ha để nuôi cá trong 6 tháng cuối năm, còn 6 tháng đầu năm vẫn do các hộ dân trồng lúa. Toàn bộ diện tích trên là đất trồng 1 vụ lúa, 1 vụ cá ăn chắc, hiệu quả kinh tế cao. Ông Sáu không phải đầu tư gì trên diện tích trên nhưng ông Sáu vẫn lập phương án chuyển đổi thành đất “kém hiệu quả” để được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước. Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh đã phát hiện chỉ có 8,49 ha được ông Sáu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản, còn lại tới 71,5ha không đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, tương ứng với số tiền trên 214 triệu đồng. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi số tiền trên.

Nhưng theo người dân, Thanh tra tỉnh không tiến hành đo đạc thực tế mà chỉ căn cứ số liệu tại hồ sơ giao đất và hồ sơ giải phóng mặt bằng để kết luận là không chính xác. Trong số 8,49 ha đất mà ông Sáu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, thực tế chỉ có 3,8 ha là chuyển đổi. Người dân kiến nghị thu hồi nốt số tiền ông Sáu đã nhận hỗ trợ. Qua đo kiểm tra và đo đạc lại, Thanh tra tỉnh cũng đã xác nhận những kiến nghị của người dân là có căn cứ, đồng thời tiếp tục truy thu về ngân sách thêm 11,46 triệu đồng, nâng tổng số tiền phải thu hồi đến thời điểm này là 225, 4 triệu đồng.

Người vi phạm vẫn chưa bị xử lý

Đến tháng 5/2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã cho thu hồi vào ngân sách nhà nước gần 300 triệu đồng; trong đó, thu hồi 49,39 triệu đồng tiền không đủ điều kiện hỗ trợ của Công ty Hòa Thanh; 214 triệu đồng của ông Lê Văn Sáu. Số tiền sai phạm được phát hiện lần 2 là trên 13 triệu đồng của công ty này và 11,46 triệu đồng của ông Lê Văn Sáu sẽ tiếp tục được thu hồi trong thời gian tới.

Vụ việc sai phạm đã quá rõ, nhưng không hiểu lý do gì Thanh tra tỉnh Phú Thọ không đề xuất với cơ quan điều tra xử lý những người vi phạm. Theo khoản 2, điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem, khởi tố vụ án hình sự.

Rõ ràng, vụ việc này đã có dấu hiệu phạm tội hình sự. Điều này đã được thể hiện từ lúc lập dự án đề nghị hỗ trợ và được từ cấp xã đến cấp huyện phê duyệt. Trong vụ việc này, Thanh tra tỉnh Phú Thọ chỉ đề nghị thu hồi tiền về mà không có kiến nghị xử lý những người vi phạm là chưa đúng. Bên cạnh đó, tại văn bản số 1574/UBND-TD ngày 27/4/2012, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc ký giải quyết đơn tố cáo của người dân cũng không đả động gì đến biện pháp xử lý những người vi phạm?

Dư luận không khỏi băn khoăn rằng liệu vụ việc này có tạo tiền lệ xấu: Có chính sách hỗ trợ là cứ lập hồ sơ lấy tiền nhà nước, nếu bị phát hiện thì trả lại là xong mà không bị xử lý? UBND tỉnh Phú Thọ cần kiên quyết xử lý triệt để các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng chính sách của nhà nước, lập dự án sai để trục lợi.
Theo Tin Tức