Bến Tre:

Lão nông 2 lần bị truy tố oan vì dám viết tiểu phẩm phê phán tham nhũng

(Dân trí) - Chỉ vì kiện lãnh đạo xã mượn đất của mình rồi bán, viết tiểu phẩm phê phán tham nhũng, lão nông 2 lần bị khởi tố oan. Sau đó ông được bồi thường nhưng vẫn chưa được công khai xin lỗi và huỷ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú khiến gia đình khốn đốn.

2 lần khởi tố oan vì kiện đòi đất, viết tiểu phẩm chống tham nhũng

Phóng viên Dân trí nhận được đơn cầu cứu của ông Huỳnh Thành Nghiệp, SN 1950 (ngụ ấp 1, An Phước, Châu Thành, Bến Tre) về việc kiện đòi đất do lãnh đạo xã mượn rồi bán mà 2 lần bị khởi tố, bắt giam oan và gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Trong đơn, ông Nghiệp trình bày: “Năm 1981 tôi có cho ông Lê Văn Chậm, cán bộ xã An Phước mượn 3 bờ đất diện tích 2.500 m2 để trồng mía. Sau khi mượn ông Chậm lấy phần đất này bán cho người khác nên tôi mới khiếu nại đòi đất. Ông Chậm không những không trả đất mà còn hăm doạ nên trong đơn khiếu nại tôi cho rằng ông Chậm là kẻ cướp giật đất. Chỉ có vậy mà UBND xã có văn bản đề nghị xử lý nghiêm về hành vi “vu khống”. Vì vậy, ngày 10/11/1993, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Châu Thành khởi tố, tạm giam tôi 110 vì tội “vu khống”. Do  không đủ yếu tố buộc tội nên sau đó VKSND huyện Châu Thành rút quyết định khởi tố, tạm đình chỉ vụ án”.

Khu đất ông Nghiệp cho lãnh đạo xã mượn rồi bị bán cho người khác
Khu đất ông Nghiệp cho lãnh đạo xã mượn rồi bị bán cho người khác

Sau khi ra tù ông Nghiệp tiếp tục khiếu nại thì năm 1995 được VKSND tối cao ra quyết định yêu cầu cơ quan tố tụng huyện Châu Thành bồi thường oan sai và công khai xin lỗi ông Nghiệp.

Lần thứ 2 ông Nghiệp bị khởi tố còn “khôi hài” hơn nhiều chỉ vì dám viết tiểu phẩm phê phán thói tham nhũng. Ông Nghiệp kể lại: “Năm 1998 tôi có viết tiêu phẩm dạng chuyện góp vui nói về thói tham nhũng gửi cho Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre. Nội dung tiểu phẩm kể về cuộc nói chuyện giữa sư Cụ và chú Tiểu trong giai đoạn trước năm 1975. Trong đó sư Cụ có đứa con làm Quận trưởng dạy chú Tiểu thói luồng lách, xu nịnh để được thăng quan tiến chức, hối lộ tiền cho lãnh đạo… mà con mình đã áp dụng”. Câu chuyện ngay trong thời điểm ông Trần Ngọc Hùng (Nguyên Bí thư huyện uỷ Châu Thành) bị phanh phui những sai phạm trong quản lý đất đai, cắt đất chia cho cán bộ lúc đương chức chủ tịch UBND huyện. Ông Hùng cho rằng câu chuyện đó nhằm ám chỉ mình tham nhũng nên lập tức chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc, xác định tiểu phẩm đó là của ông Nghiệp viết nên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vì có hành vi “vu khống” bí thư huyện.

Mấy chục năm kiện đòi đất gia đình ông dần kiệt quệ
Mấy chục năm kiện đòi đất gia đình ông dần kiệt quệ

Cũng như lần trước, cơ quan chức năng khẳng định ông Nghiệp không can tội “vu khống”. Sau nhiều lần kiện đòi công lý, năm 2005, Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre đưa vụ án ra xét xử và quyết định buộc VKSND huyện Châu Thành bồi thường thiệt hại cho ông Huỳnh Thành Nghiệp 22.409.996 đồng sau 2 lần bị truy tố oan. Đồng thời buộc VKSND huyện Châu Thành công khai xin lỗi ông Huỳnh Thành Nghiệp trong lần khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú lần thứ 2 bằng hình thức họp dân công khai và xin lỗi trên báo.

Vụ kiện dần “chìm xuồng”, gia đình chồng chất khó khăn

Theo ông Nghiệp, trong 2 lần khởi tố oan chỉ có lần thứ nhất ông được ông Nguyễn Hoàng Phúc, lúc đó là Chánh thanh tra huyện Châu Thành công khai xin lỗi và bồi thường. Đối với lần oan sai thứ 2 cơ quan chức năng huyện Châu Thành chỉ bồi thường mà vẫn chưa công khai xin lỗi và ra quyết định huỷ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông. Vì vậy gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Ông Nghiệp cho biết: “Năm 1999 tôi nhận lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do công an huyện Châu Thành ký. Đến năm 2000 khi vụ án bị đình chỉ nhưng không thấy cơ quan nào ra quyết định huỷ bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến năm 2005 khi toà xử tôi bị oan buộc xin lỗi tôi nhưng từ đó đến nay chưa thấy cơ quan nào đứng ra xin lỗi và ra quyết định huỷ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho tôi. Vì vậy từ năm 1999 đến năm 2005 muốn đi đâu tôi đều phải đến công an xã để xin giấy đi đường rất phiền phức. Quyền được đi lại của một công dân bình thường như tôi đã bị cấm nên bị ảnh hưởng rất lớn trong việc làm ăn. Tuy nhiên, khi toà xử đại diện VKSND huyện chỉ nhận thiếu xót chưa ra quyết định huỷ trong thời gian dài chứ không chấp nhận bồi thường. Mấy năm nay già rồi nên tôi ít khi ra ngoài, không biết đợi đến khi nào người ta mới huỷ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, tôi cũng không biết mình có quyền đi khỏi nơi cư trú hay không”.

Mấy chục năm kiện đòi đất gia đình ông dần kiệt quệ
Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ năm 1999 nhưng đến nay ông Nghiệp không biết mình có tự do đi lai hay không vì không thấy cơ quan nào ra quyết định huỷ

Suốt mấy chục năm liền vướng vòng lao lý, kiện tụng làm gia đình ông Nghiệp như kiệt quệ, căn nhà xiêu vẹo mà chẳng có tiền để sửa lại. Năm nay ông đã 64 tuổi, những cán bộ lúc đó bị ông kiện giờ thì người đã chết, người đã về hưu mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Suốt thời gian dài đi đâu ông Nghiệp cũng phải đến công an xã xin phép đi đường
Suốt thời gian dài đi đâu ông Nghiệp cũng phải đến công an xã xin phép đi đường

Hiện tại tuổi đã cao nhưng ông vẫn tiếp tục gửi đơn kiện đòi đất đã cho cán bộ mượn. Ông cho rằng, bây giờ rất mòn mỏi sau 2 lần bị khởi tố oan, nhận được tiền bồi thường của nhà nước chẳng hề vui vẻ gì vì sau đó bị cơ quan chức năng ở địa phương cố tình trù dập, vụ kiện đòi đất của mình không biết bao giờ mới kết thúc.

Minh Giang