Bình Định:
Lãnh đạo địa phương liên tục xin lỗi vì dự án 250 triệu USD "trói dân" hơn 1 thập niên!
(Dân trí) - Đã hơn một thập kỷ triển khai, nhưng đến nay Dự án Khu Du lịch - Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn chỉ là khu đất trống và một thùng container đặt làm “trụ sở”.
Người dân bị "trói" đến bao giờ?
Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ (gọi tắt công ty Việt Mỹ) làm chủ đầu tư có diện tích hơn 300 ha tại thôn Vĩnh Hội, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Dự án được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2006. Để triển khai dự án, cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời toàn bộ người dân thôn Vĩnh Hội khoảng hơn 300 hộ với khoảng 1.500 nhân khẩu. Hiện công tác bồi thường GPMT vẫn chưa hoàn thành vì nhà đầu tư không ứng tiền để đền bù. Dự án nghìn tỷ vẫn chỉ nằm trên giấy (!?).
Một góc thôn Vĩnh Hội bên bãi biển đẹp tuyệt vời nhưng đang để lãng phí?
Điều đáng nói, dự án kéo dài hơn 1 thập kỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh kế, xã hội tại địa phương. Đặc biệt, cuộc sống của hơn 300 hộ dân thôn Vĩnh Hội thực sự khốn khổ “bị trói” bởi dự án vì chẳng biết đi hay ở. Nhiều hộ gia đình có 4-5 cặp vợ chồng, con cháu sống chung trong một ngôi nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng không được xây dựng, sửa chữa vì đất thuộc dự án. Trong khi đó, đất tái định cư chưa được bố nên phát sinh tình trạng lấn chiếm, tự ý cơi nới, xây dựng nhà cửa ở một số hộ dân. Chưa nói đến những công trình công cộng như trường mầm non, trụ sợ thôn… xuống cấp nghiêm trọng không được sửa chữa, nâng cấp. Bức xúc kéo dài, nhiều nỗi thống khổ kéo dài gần 13 năm trời nhưng người dân kêu trời chẳng thấu.
Ông Đức - Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội nói lên bức xúc chung của người dân suốt hơn 10 năm qua.
Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội, ông Võ Hoài Đức, bức xúc: “Nghe có dự án về dân ở đây mừng lắm, ai cũng đồng tình, chẳng ai bức xúc. Song, suốt 12 năm qua, dự án bỏ hoang, khiến người dân mất đi cái quyền lợi hợp pháp vốn được nhà nước bảo hộ. Giờ thì khác, dân bức xúc dữ lắm. Đến dân với dân cũng mâu thuẫn, dân với cán bộ với cán bộ địa phương càng mâu thuẫn hơn nên giờ nói ai nghe nữa?”.
Thấu hiểu nỗi khổ của dân, ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát với tư cách là người đứng đầu huyện này cũng nhận trách nhiệm vì sự chậm trễ dự án ở thôn Vĩnh Hội đã ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân.
Ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát (Bình Định) chia sẻ sự khốn khổ của người dân.
“Tính từ thời điểm khởi công, sự chậm trễ này kéo dài 13 năm rồi. Mọi nơi khác đều phát triển nhưng riêng thôn Vĩnh Hội thì chẳng phát triển gì cả, đời sống, điều kiện dân sinh, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng không được xã đầu tư vì chúng tôi cứ nghĩ đây là khu vực dự án. Nhiều gia đình có ba đến bốn thế hệ phải ở chung nhà, ngôi nhà chỉ khoảng 30m2 mà có 4 đến 5 cặp vợ chồng, con cháu thì họ phải sống làm sao? Người dân lâm cảnh “chết dở, sống dở”, tới đây cần phải giải quyết việc tái định cư, đất ở cho họ, khi đó mới yên dân được”, ông Trình đề nghị.
Tỉnh thu hồi, nhà đầu tư đòi kiện ra tòa quốc tế
Ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho rằng nguyên nhân chính khiến dự án tại thôn Vĩnh Hội chậm tiến độ là chi phí GPMT quá lớn. Trong khi đó, ngân sách tỉnh quá khó khăn, ngân sách của trung ương phân bố cho tỉnh thì hạn hẹp, còn nhà đầu tư lại không chịu hợp tác vì năng lực yếu.
Ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đồng cảm với tình cảnh người dân thôn Vĩnh Hội.
Theo ông Hùng, khi tỉnh đề nghị nhà đầu tư ứng tiền để GPMB thì họ không đáp ứng. Sau đó, tỉnh tạm giao trước 134 ha để họ nộp tiền thuế đất với số tiền 37 tỷ, nhưng họ không đủ khả năng chi trả nên công tác GPMT không thực hiện được. Dù khó khăn vậy nhưng nhà đầu tư cũng không thực sự hợp tác, giải quyết cho hiệu quả. Cuối năm 2015, Ban đã ra quyết định thu hồi nhưng rà soát lại cơ sở pháp lý, tỉnh phải đàm phán xây dựng lại tiến độ dự án.
“Tuy nhiên, sau nhiều lần nhà đầu tư thất hứa, Ban tiếp tục ra quyết định thu hồi thì bị họ khởi kiện. Quản điểm của tỉnh cũng rất bức xúc, dự định theo kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không thể theo kiện. Sắp tới, Ban sẽ tiếp tục đàm phán lại với nhà đầu tư”, ông Hùng cho hay.
Những bãi biển đẹp nước trong xanh, bãi cát vàng chưa được đánh thức hết tiềm năng.
Liên quan đến những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn: “Dù người dân ủng hộ dự án này, nhưng từ ngày triển khai dự đã 13 năm rồi mà đến hôm nay mới chỉ có 1 container thì quá bức xúc. Tỉnh rất thiện chí với nhà đầu tư khi họ tìm mọi cách xin gia hạn dự án nhưng không thực hiện. Năm 2015, tỉnh đã 1 lần ký thu hồi dự án này, sau đó nhà đầu tư cam kết ứng tiền giải phóng mặt bằng nhưng họ không làm”.
Ông Long nói tiếp: “Khi tôi về nhận chức Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định chính tôi là người ký quyết định thu hôi. Nhưng khi tôi vừa ký quyết định thu hồi thì xuất hiện hàng loạt đơn thư từ phía nhà đầu tư gởi đến tận Trung ương, Thủ tướng Chính phủ với đề nghị không đàm phán được sẽ kiện ra tòa án quốc tế”.
Tuyến đường ven biển thuận lợi cho phát triển du lịch.
Thực ra, trước khi đặt bút ký cho chủ trương thực hiện bất kỳ dự án nào, lãnh đạo tỉnh luôn nghĩ đến sinh kế, cuộc sống người dân. Lãnh đạo mà làm sai đến khi về hưu vẫn bị xử lý trách nhiệm, người dân cứ yên tâm. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục đàm phán lần thứ 2 một cách cương quyết với nhà đầu tư về dự án Vĩnh Hội để sớm có câu trả lời cho người dân về dự án”, ông Nguyễn Phi Long khẳng định.
Lãnh đạo xin lỗi vì dự án “trói dân” hơn 1 thập niên
Trước nỗi khổ của người dân, ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định liên tục nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về dự án chậm tiến độ kéo dài suốt hơn 10 năm trời.
“Thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế tôi xin nhận khuyết điểm, thiếu sót đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bà con xã Cát Hải. Tôi xin lỗi bà con đây vừa là tư cách cá nhân, vừa là tư cách Ban Quản lý Khu kinh tế. Bản thân tôi nhà dột một chút, hay mất nước một hai ngày thôi thì mình đã cảm thấy day dứt, khó sống huống gì bà con chịu đựng hơn 10 năm qua. Tôi thành thật xin lỗi!”, ông Hùng nói.
Doãn Công