Viết tiếp vụ sau 4 năm vẫn bị truy thu thuế:

Lãnh đạo Hải quan “quên” luật?

(Dân trí) - Sau khi Dân trí phản ánh việc hơn 30 doanh nghiệp (DN) kinh doanh thiết bị vận thăng lồng bị truy thu 10% thuế nhập khẩu, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của DN bày tỏ quan điểm đồng tình với Dân trí.

Ngày 12/11 Tổng cục Hải quan cũng có ý kiến về vụ việc. Theo Tổng cụ Hải quan, hàng hóa các DN nhập khẩu thuộc luồng xanh nên các DN tự khai hồ sơ hải quan và tự chịu trách nhiệm. Xem xét kỹ hồ sơ cua các DN, Dân trí nhận thấy quan điểm của Tổng cục Hải quan là không có cơ sở…

Sao lại nhầm lẫn thế?

Sau khi Dân trí đưa tin về việc một số cơ quan hải quan ra quyết định truy thu thuế nhập khẩu từ 0% lên 10% đối với hơn 30 DN nhập khẩu vận thăng lồng từ năm 2008 – 2010 khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. Ngày 12/11, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6336/TCHQ-VP bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, ngành Hải quan đang trong quá trình cải cách, hiện đại hóa; áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, thông quan điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc luồng xanh, được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, chỉ kiểm tra sơ bộ hồ sơ sau đó thông quan. Luật Hải quan cũng quy định rõ nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm… Đồng thời, để hạn chế việc lợi dụng sự thông thoáng trong quá trình làm thủ tục hải quan để buôn lậu, gian lận thương mại, pháp luật quy định Cơ quan Hải quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra việc làm thủ tục hải quan của DN cũng như Cơ quan Hải quan”.

Văn bản này kết luận: “Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra sau thông quan để phát hiện những sai phạm, thiếu sót trong việc kê khai, tính thuế của cơ quan Hải quan là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật…”.

Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành hải quan cho biết: “Khi áp dụng hải quan điện tử từ giữa năm 2010, hàng hóa XNK được phân vào 3 luồng Xanh, Vàng, Đỏ. Khi nhận được thông tin khai hải quan điện tử của DN, thông qua hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử sẽ có phân luồng theo các hình thức sau: Chấp nhận thông quan trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử (Luồng Xanh); Kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trước khi thông quan hàng hóa (Luồng Vàng); Kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan hàng hóa (Luồng Đỏ).

Đọc văn bản trên qua trang web của Tổng cục Hải quan, ông Tuấn, Giám đốc Cty Đông Sơn bức xúc: “Văn bản do ông Lê Xuân Huế - Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan không dựa vào thực tế vụ việc, ông Huế nhầm lẫn lớn vì đến cuối năm 2010 Cục Hải quan Lạng Sơn mới chính thức áp dụng hải quan điện tử và mới có khái niệm luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng. Chúng tôi bị truy thu thuế từ năm 2008 – 2010 thì sao hàng hóa có thể vào luồng xanh như ông Huế nói. Hơn nữa, để hàng hóa được vào luồng xanh thì bất cứ DN nào cũng phải qua luồng vàng, luồng đỏ trước. DN nào không vi phạm thủ tục hải quan một thời gian dài mới được chuyển sang luồng xanh. Từ năm 2008 đến tận cuối năm 20110 hàng hóa của chúng tôi trước đó đều được cán bộ hải quan kiểm tra thủ công rất kỹ lưỡng, xác nhận khai đúng chủng loại hàng hóa và cho thông quan. Nếu cứ đổ cho DN tự khai tự chịu trách nhiệm thì không cần có các cán bộ hải quan kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa, chỉ cần họ ở khâu kiểm tra sau thông quan ”.

Theo quy định của ngành hải quan, việc phân “luồng xanh”, “luồng vàng” chỉ là tương đối. Nếu có vấn đề bất thường, hàng hóa đang ở luồng xanh vẫn bị chuyển sang luồng vàng, luồng đỏ để kiểm tra hồ sơ hoặc thực tế hàng hóa.

Đừng “lờ” trách nhiệm của hải quan

Theo quy trình của hải quan cửa khẩu, khi làm thủ tục cho hàng hóa thông quan, hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu của DN phải qua 2 lần kiểm tra sau thông quan, một lần tại Chi cục, một lần tại Cục. Như vậy, việc sau 4 năm hải quan mới xác định “nhầm lẫn” khi áp mã số hàng hóa là trách nhiệm của cán bộ Hải quan Lạng Sơn và những cán bộ đã kiểm hóa phải chịu trách nhiệm theo Luật Hải quan.
Cán bộ hải quan có vô can?
Cán bộ hải quan có vô can?

Văn bản của Tổng cục Hải quan khẳng định “việc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra sau thông quan để phát hiện những sai phạm, thiếu sót trong việc kê khai, tính thuế của cơ quan Hải quan là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật; nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”. Đúng là việc kiểm tra sau thông quan là quyền của cơ quan Hải quan nhưng không phải khi phát hiện “có thiếu sót” thì cứ đổ hết lỗi cho DN là… khai báo gian dối và truy thu thuế.

Về vấn đè này, luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty Luật Hòa Lợi cho biết: “Dù DN được tự kê khai nhưng tại khoản 2, điều 16 Luật Hải quan năm 2005 quy định về Thủ tục Hải quan như sau: Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan phải: a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan…; b) Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải…”.

Trong cả tập hồ sơ nhập khẩu của Cty Đông Sơn, ở các tờ khai hải quan đều có xác nhận của cán bộ hải quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa. Xin đưa ra một ví dụ, ngày 25/8/2010 bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan CK Hữu Nghị đã xác nhận vào phần kiểm tra hàng hóa số 2291 của Cty Đông Sơn như sau:  “Kiểm tra toàn bộ tời nâng kiểu thùng (vận thăng lồng) moden SC100/100 điện 380v – 30KW mới 100% xuất xứ Trung Quốc. Kiểm tra 01/01 bộ. Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế kết luận: Hàng nhập khẩu đúng như khai của người khai báo hải quan”.

Tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-BTC-TCHQ của Tổng cục Thuế về Xử lý truy thu thuế xuất nhập khẩu quy định rõ: “Cán bộ, nhân viên Hải quan có vi phạm làm thất thu cho Ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”. Vậy tại sao Tổng cục Hải quan lại “lờ” đi trách nhiệm của cán bộ hải quan đã kiểm tra hàng hóa của Cty Đông Sơn và đổ hết lỗi cho DN?

Luật Thuế cũng quy định, việc truy thu thuế với thời hạn 5 năm chỉ áp dụng cho các DN trốn thuế, khai báo thuế gian dối. Ở vụ việc trên các DN không trốn thuế, không khai báo gian dối nên việc Tổng cục Hải quan cho rằng các DN vẫn bị truy thu thuế đối với những lô hàng đã nhập khẩu từ năm 2008 – 2010 là không có cơ sở.

Theo pháp luật hiện hành, khi kiểm tra sau thông quan, nếu phát hiện nhầm lẫn cán bộ hải quan phải báo cáo lên cấp trên và Tổng cục Hải quan phải báo cáo lên Bộ Tài chính để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng. Đề nghị Bộ Tài chính vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cán bộ hải quan trong vụ việc này để các DN không bị “xử ép”….

                                                       Vũ Văn Tiến