Lạng Sơn: Không thu hồi sổ xanh vẫn làm sổ đỏ và lời kêu cứu của người dân

(Dân trí) - Gia đình bà Lã Thị Mai (thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) đang chuẩn bị đất trồng rừng trên mảnh đất được giao thì chính quyền địa phương đã xuống lập biên bản, ra công văn đình chỉ, cho rằng gia đình bà phá rừng tự nhiên. Chính quyền xã chuyển hồ sơ lên kiểm lâm huyện, kiểm lâm chuyển sang công an. Vụ việc đã kéo hơn 1 năm trong khi người dân liên tiếp kêu cứu.

Không thu hồi sổ xanh vẫn làm sổ đỏ!

Theo đơn kêu cứu, gia đình bà Mai cho  biết có 4 thửa đất rừng: 83, 88, 90, 986, tại tiểu khu I, khe Ma, thôn Nà Phai. Khi được nhà nước giao sổ xanh, gia đình bà đã khoanh nuôi, trồng nhiều cây như trám, bạch đàn và chăm sóc các loại cây khác. Gia đình bà Mai đã nhiều lần khai thác và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Năm 2006, Nhà nước chính thức bàn giao thửa đất số 83 cho gia đình bà Mai. Cũng trong năm 2006, Chính quyền địa phương đã hợp tác với Tổ chức phi chính phủ là Trung tâm quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Cirum) để làm lại sổ đỏ. Việc làm lại sổ đỏ được chính quyền chia diện tích đất trong sổ xanh ra từng thửa nhỏ. Do sơ xuất chưa kê thửa đất số 83 vào đơn xin nên thửa đất này chưa được cấp sổ đỏ.


Bà Lã Thị Mai bức xúc chỉ khu đất rừng được giao bị chính quyền dại phương quy kết là phá rừng.

Bà Lã Thị Mai bức xúc chỉ khu đất rừng được giao bị chính quyền dại phương quy kết là phá rừng.

Tuy nhiên, quá trình làm sổ đỏ, gia đình bà Mai và người dân trong xã vẫn chưa nhận được bất cứ quyết định thu hồi sổ xanh nào. Sau khi cấp lại sổ đỏ, gia đình bà Mai vẫn dùng sổ xanh để thế chấp và vay vốn ngân hàng, có đầy đủ giấy tờ, biên lai nộp lãi hàng tháng cho ngân hàng. Trong khi đó, thời hạn của sổ xanh là 50 năm, nếu tính từ thời điểm cấp (năm 1993) đến nay mới được 22 năm. Do đó, cùng một miếng đất nhưng lại có 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của pháp luật, khi tiến hành làm lại sổ đỏ, chính quyền phải thu hồi lại sổ xanh. Việc làm lại sổ đỏ mà không thu hồi sổ xanh là trái với pháp luật.

Ngày 07/07/2015, UBND huyện Đình Lập đã có công văn số 485/UBND - TTr “trả lời nội dung đơn của bà Lã Thị Mai”. Trong công văn trả lời về việc chưa thu hồi sổ xanh, chính quyền huyện này thừa nhận nhưng lại cho rằng: “Thời hạn sử dụng của các diện tích đất thuộc Sổ xanh vẫn còn hiệu lực, đồng thời một số thửa đất nằm trong diện tích đất Sổ xanh đã được cấp Sổ đỏ không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Lã Thị Mai vì trên thực tế gia đình bà Lã Thị Mai vẫn quản lý và sử dụng toàn bộ diện tích đất đã được giao, không có tranh chấp”.

 


Biên bản giao nhận ghi rõ là rừng vầu non không phải rừng tự nhiên.

Biên bản giao nhận ghi rõ là rừng vầu non không phải rừng tự nhiên.

“Vậy khi sổ xanh vẫn còn hiệu lực thì đồng nghĩa với việc UBND xã Bắc Lãng tự ý đình chỉ là trái với quy định của pháp luật.

Tính từ thời điểm xã ra công văn đình chỉ đến nay đã hơn 1 năm. Công văn đình chỉ không cho gia đình sản xuất, canh tác trên diện tích đã phát, gây nặng nề. Cả hai lần ươm với hơn 10 vạn cây giống đều đã hỏng. Bên cạnh đó, chi phí mở đường và chuẩn bị rừng trồng đã mất hàng trăm triệu đồng. Gia đình tôi chỉ mong các cơ quan thực thi pháp luật giải quyết đúng vụ việc, trả lại công bằng cho gia đình tôi”, bà Mai bức xúc.

Dân kêu cứu bị vu khống phá rừng

Đơn kêu cứu của bà Mai cho biết: Lợi dụng việc gia đình sơ xuất chưa kê thửa đất số 83 vào đơn xin cấp sổ đỏ, một số cán bộ thôn có ý định lấy thửa đất đó làm đất cộng đồng. “Trước đó, thửa đất số 83 đã được nhà nước bàn giao, có xác nhận của trưởng thôn Nà Phai là ông Lại Ngọc Tân, ghi rõ không có rừng tự nhiên. Thế nhưng, sau đó, ông Tân lại làm đơn phản ánh gia đình tôi phá rừng tự nhiên và muốn lấy đất đó làm đất cộng đồng. Làm gì có luật nào cho phép cán bộ tự ý lấy đất của dân về làm đất cộng đồng ?”, bà Mai bức xúc.


Công văn của UBND xã Bắc Lãng quy kết gia đình bà Mai đốt phá rừng tự nhiên.

Công văn của UBND xã Bắc Lãng quy kết gia đình bà Mai đốt phá rừng tự nhiên.

Khi gia đình bà Mai đang chuẩn bị đất trồng rừng, chính quyền xã lập tổ công tác vào hiện trường đo, đếm tất cả số cây đã chặt.

Bà mai cho rằng: “Biên bản đã đo đạc sai về diện tích và số lượng gỗ trên thửa 83. Trong khi đó, các tổ công tác kiểm đếm không nắm được ranh giới thửa đất số 83 đã cố tình quy kết toàn bộ diện tích đã phát chỉ nằm trên thửa 83 (14,5ha). Nhưng sau đó, Cán bộ kiểm lâm huyện xuống đo lại hiện trường (Biên bản đo đạc hiện trường ngày 27/06/2014) thì tổng số diện tích đã phát là 10 ha. Số liệu chênh lệch 4ha so với số liệu của xã. Trên thực tế, diện tích thửa 83 là 14,5ha, nếu trừ đi 2ha chưa chặt và hơn 3ha đã trồng keo cộng với diện tích nằm trong sổ đỏ thì diện tích thực tế đã phát nằm trên thửa đất số 83 sẽ chẳng đáng là bao! Vậy mà chính quyền xã quy kết gia đình tôi phát 14,5ha rừng tự nhiên”, bà Mai nói.


Tuy nhiên, bà Mai khẳng định tất cả những lần khai thác, gia đình bà đều xin phép và đóng thuế tài nguyên đầy đủ.

Tuy nhiên, bà Mai khẳng định tất cả những lần khai thác, gia đình bà đều xin phép và đóng thuế tài nguyên đầy đủ.

Theo bà Mai, chính quyền xã không tiến hành xác minh đã vội ký công văn số 68/UBND về việc “Đình chỉ phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83”. Điều bất hợp lý là trong biên bản bàn giao đất năm 2006, không có rừng tự nhiên. Lần nào khai thác, gia đình bà Mai đều viết đơn xin, ghi rõ dự kiến sản phẩm và có biên lai thu thuế tài nguyên do chính ông Đàm Văn Thành xác nhận. “Nếu nói tôi phá rừng tự nhiên thì đồng nghĩa với việc chủ tịch xã đồng ý cho dân phá rừng tự nhiên”, bà Lã Thị Mai bức xúc.

Liên quan sự việc, ngày 4/7/2014, UBND xã Bắc Lãng đã có công văn chuyển hồ sơ lên chính quyền huyện. Ngày 15/01/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đình Lập đã nhận hồ sơ từ cơ quan Hạt kiểm lâm huyện để giải quyết. Gia đình bà Mai kiên quyết phản đối và nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Công an huyện Đình Lập nhưng vụ việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế