Làm ơn đừng cổ súy cho cái sai
(Dân trí) - Chúng ta không nên để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm mà họ đã làm. Việc một số người đến nhà nữ sinh trộm đồ bị bắt quỳ để ủng hộ tiền có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Sáng 3/12/2021, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc một nữ sinh trộm một chiếc váy ngắn trị giá 160.000 đồng ở một shop quần áo trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa bị chủ cửa hàng bắt quả tang.
Ngay sau khi video nữ sinh ở Thanh Hóa bị chủ shop thời trang đánh đập, cắt áo vì hành động trộm chiếc váy 160 nghìn đồng được đăng tải, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại shop quần áo Mai Hường, số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường, sinh năm 1992, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh, sinh năm 1990 (là chồng của Hường) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Không nên để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm mà họ đã làm
Sự việc tưởng chừng đã khép lại. Tuy nhiên, dư luận lại "dậy sóng" khi nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi, ủng hộ tiền mặt cho thiếu nữ này và vô hình chung đã khiến cho thủ phạm trộm chiếc váy 160 nghìn đồng trở thành "người hùng" trong câu chuyện.
Thiết nghĩ, hành vi bạo hành, đánh đập của vợ chồng chủ shop ở Thanh Hóa là sai và đã phải trả giá trước pháp luật. Tuy nhiên, việc ăn trộm đồ của nữ sinh là sai hoàn toàn.
Chúng ta không nên để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm mà họ đã làm, rồi cổ súy cho cái sai. Việc một số người đến nhà cô bé để ủng hộ tiền có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi nếu không thật sự cảnh tỉnh và có sự dạy dỗ nghiêm khắc thì có thể vụ việc này sẽ trở thành tiền lệ cho những câu chuyện tương tự. Khi có người có thể đi ăn trộm đồ và biện minh rằng do hoàn cảnh gia đình mình nghèo nên mình có quyền đi ăn trộm và mình sẽ được tha thứ.
Trước pháp luật, ai phạm tội đều sẽ bị trừng phạt. Cô bé cần phải bị phạt hành chính về hành vi trộm cắp của mình. Đừng vì lên án cách hành xử của chủ shop rồi bênh vực hành vi trộm cắp, cho rằng số tiền không đáng là bao hay trẻ con thì biết cái gì.
Hãy nhìn từ vụ shop quần áo này, nếu phát hiện cô bé có hành vi trộm cắp tài sản thì chỉ được phép "giữ nguyên hiện trường" trình báo sự việc cho cơ quan chức năng để xử lý. Họ sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận.
Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động đều phải được điều chỉnh theo luật pháp chứ không ai được quyền đặt mình cao hơn luật pháp, làm thay luật pháp. Những bài viết bóc phốt dù đầy đủ bằng chứng đi chăng nữa cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác.
Mạng xã hội không phải tòa án. Mỗi chúng ta không phải là thẩm phán, trên mạng xã hội chúng ta không thể phân xử hay kết án bất cứ một ai. Nhưng dường như, không nhiều người biết điều này, cố tình không biết điều này. Nhiều người vẫn sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn minh.
Mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng như một công cụ để công kích, "vạch trần" người khác. Và vì thế, có một thuật ngữ mới xuất hiện là "bóc phốt". Thế nhưng, không phải lúc nào người "bóc phốt" cũng ý thức được hành vi của mình là đúng luật hay phạm luật và dễ rơi vào những hành vi vi phạm pháp luật như: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; tội làm nhục người khác và Tội vu khống theo Bộ luật Hình sự 2015; sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác;...
Mạng ảo nhưng cuộc sống và những con người phía sau đó là thật
Qua các phân tích trên có thể thấy rằng: Mạng xã hội cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hóa ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật. Nếu vượt quá giới hạn cho phép thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Câu chuyện shop quần áo có thể là câu chuyện để chúng ta bức xúc, tranh luận về sự đối xử giữa con người và con người. Nhưng hãy thử nghĩ về những điều sâu xa hơn, về cách chúng ta hành xử trong cuộc sống này. Về việc tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Giá như cô bé không đến cửa hàng để ăn trộm chiếc váy. Giá như chủ shop bắt được kẻ trộm giao nộp cho công an thay vì tự mình làm pháp luật xử án.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội với những giá trị lan tỏa, những điều đẹp đẽ chạm tới trái tim, là câu chuyện không biên giới, khoảng cách, gắn kết, tựa như đời sống thứ hai của mỗi người. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy...
Cùng với những cá nhân với "cái tôi" quá lớn, là những "anh hùng bàn phím" không ngừng chạy đua theo các trào lưu, xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống đời tư người khác để… chửi rủa bất chấp đúng sai. Đấu tranh với cái xấu là trách nhiệm của mỗi công dân và xã hội.
Thế nhưng, nhất định không phải là săm soi tìm cái xấu của người khác để tung hê lên mạng xã hội. Người ngoài cuộc nhìn vào, chỉ thấy trong cuộc chiến "tương tàn" ấy, là những hình ảnh không khác mấy so với đấu tố thời trung cổ.
Những màn bóc phốt, thóa mạ không có hồi kết ấy, phía sau đó là những "chật hẹp" cá nhân, lợi ích nhóm và những hành xử không đáng có. Đôi khi là sự rùng mình bởi tất cả những gì hiển hiện là sự lạnh lẽo, bạc bẽo, thủ đoạn nham hiểm, cay độc giữa con người với con người, tìm mọi cách giẫm đạp lên người khác để thăng tiến, để trục lợi cá nhân.
TS. Đặng Hoàng Giang, trong cuốn sách: "Thiện - Ác và Smatphone" đã chỉ ra rằng, thảm họa trong thời đại công nghệ 4.0 chính là văn hóa làm nhục. Bởi internet là thành tựu vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ 20 nhưng cũng phải thừa nhận nó đang tiếp tay tạo ra sự vô cảm, làm xói mòn trách nhiệm đạo đức cá nhân.
Chúng ta đang bước dần tới cuộc sống văn minh, những màn bóc phốt không làm họ ở trên cao hơn người khác. Bởi khi không thể kiểm soát cơn nóng giận của bản thân, đồng thời họ cũng làm mất chính mình và cả đời họ sẽ không thể nhận được tình cảm chân thành từ những người xung quanh. Mạng ảo nhưng cuộc sống và những con người phía sau đó là thật.
Tại sao chúng ta không thể sống điềm tĩnh và tử tế, biết tha thứ và giữ lòng yêu thương, giữa công bằng của pháp quyền và công lý của sự cuồng nộ… Để mỗi người cố gắng ứng xử tử tế khi đối diện với giận dữ. Đó là việc dừng lại và chờ cho đến khi tiếng nói cất lên không phải tiếng nói của nỗi căm ghét, mà là của lòng từ tâm. Chỉ có sự tử tế, sự tôn trọng, lòng vị tha mới là điều còn lại làm nên những giá trị tốt đẹp trong những hành xử giữa con người với con người. Đó mới chính là điều khiến người khác khâm phục và nể trọng nhân cách của bạn.
Dù là tội lớn hay tội nhỏ, thì chừng nào bạn còn lên mạng xã hội làm nhục người khác, chừng nào bạn không thượng tôn pháp luật, sẽ có ngày bạn phải trả giá rất đắt với chính những hành vi xem nhẹ pháp luật của mình vậy.