Ba phút cùng luật sư:

Làm gì khi bị gạ tình, quấy rối tình dục?

(Dân trí) - Tuần qua, dư luận bức xúc về scandal bị tố gạ tình của ca sĩ Phạm Anh Khoa đối với các nghệ sĩ nữ. Điều xã hội quan tâm là ai sẽ bảo vệ các chị em trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị quấy rối tình dục? Người bị quấy rối tình dục nên làm gì?

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Hãng luật Đức Chánh (DC Counsel), hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là quấy rối tình dục và trong Bộ luật Hình sự cũng không có tội danh quấy rối tình dục nên rất khó để bảo vệ chị em phụ nữ vì không có chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi này.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện pháp luật chưa có quy định rõ ràng để xử lý hành vi quấy rối tình dục
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện pháp luật chưa có quy định rõ ràng để xử lý hành vi quấy rối tình dục

Ông cho biết, theo khoản 2, điều 8 Bộ luật Lao động 2012 thì quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động soạn thảo, công bố vào năm 2015 cũng có định nghĩ rõ về hành vi quấy rối tình dục là “hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu…". Tuy nhiên, ông cho biết: “Nhưng đây chỉ là văn bản có tính chất tham khảo, không có chế tài kèm theo”.

Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi gạ tình, quấy rối tình dục

Luật sư Chánh cũng hướng dẫn những người bị quấy rối tình dục có thể dựa vào các điều luật liên quan để bảo vệ quyền lợi cho mình, trừng trị kẻ gây hại đến mình.

Cụ thể, người bị quấy rối tình dục có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người quấy rối mình dựa vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ đối với người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngoài ra, người bị quấy rối tình dục cũng có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu đối tượng quấy rối mình bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Các khoản mà người bị quấy rối tình dục có thể đòi bồi thường bao gồm các khoản: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút…); Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở).

Tuy nhiên, ông Chánh cũng thừa nhận để đeo đuổi các vụ kiện trên rất nhiêu khê. Do đó, ông kiến nghị cơ quan lập pháp nên có quy định rõ ràng về tội danh quấy rối tình dục để tăng cường chế tài đủ sức răn đe ngăn chặn hành vi này, bảo vệ sức khỏe và môi trường làm việc an toàn cho chị em phụ nữ.

Ông nêu lý do: “Bởi hành vi quấy rối tình dục không chỉ là làm tổn thương đến thân thể, tinh thần người bị hại mà còn là hành vi méo mó, không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam!”.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn