Làm gì để nâng cao chất lượng bậc học mầm non ?
(Dân trí) - Trong hệ thống các bậc học, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ của trẻ. Vậy mà bậc học này đang bị coi nhẹ và trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục thì, trẻ được tiếp cận với bậc học mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển ở các giai đọan tiếp theo.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của bậc học có nhiều nét đặc thù này, thủ tuớng đã ban hành quyết định số 239/QĐTTg phê duyệt đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015”. Mục tiêu của đề án này là hầu hết trẻ ở mọi miền được trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng Việt, đảm bảo chất lượng để trẻ vào lớp 1. Cũng theo đề án này, từ nay đến 2015, nước ta phấn đấu nâng tỉ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường lên 30%; trẻ 3 – 5 tuổi được đến lớp mẫu giáo đạt 75%. Để hoàn thành được những mục tiêu trên, phải trông chờ vào hệ thống các trường mầm non trong và ngoài công lập. Tuy nhiên, với hệ thống giáo dục mầm non tại các tỉnh, thành, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như hiện nay, nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại rằng, mục tiêu trên sẽ khó khả thi. Nhất là khi mà nguồn ngân sách đầu tư cho bậc học mầm non, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cho bậc học này còn nhiều thiếu thốn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đảm bảo chất lượng và số lượng nhằm thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, hệ thống các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT cần quản lý tốt hơn chất lượng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Khuyến khích giáo viên tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Bảo đảm không có giáo viên mầm non nào vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết loại bỏ những hành vi bạo hành đối với trẻ mầm non. Việc thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng cần được quan tâm, nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề. Mỗi địa phương cần xác định nhu cầu giáo viên, lập kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. Có thể sử dụng phương pháp “đặt hàng”các trường đại học, cao đẳng sư phạm đào tạo kết hợp với chính sách khuyến khích giáo viên về công tác tại địa phương. Các chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non cũng cần được cải tiến theo hướng từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Có một thực tế là hiện nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất các trường mầm non còn nhiều thiếu thốn, chưa đảm bảo yêu cầu và phân bố không đồng đều. Trong những năm gần đây, khi số trẻ mới sinh có chiều hướng gia tăng, nhu cầu của gia đình phụ huynh tăng cao thì hệ thống các trường mầm non, nhất là các trường công lập đã không đáp ứng được, gây ra tình trạng “quá tải”. Đặc biệt, ở vùng thành phố, người dân có nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng lại thiếu quỹ đất xây dựng trường lớp. Việc xây dựng, quy hoạch các khu dân cư đô thị chưa gắn với quy hoạch đất đai để xây dựng trường lớp cho bậc học mầm non đã dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em trong lứa tuổi mầm non ở đây không được đến trường. Trường lớp thiếu nên không ít phụ huynh phải gửi con ở những điểm trông giữ trẻ tư nhân, hoạt động “chui”, không có giấy phép, điều kiện chăm sóc trẻ không đảm bảo, thậm chí một số nơi gây ra tình trạng bạo hành đối với trẻ em.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới các cấp, ngành cần quan tâm nhiều hơn tới bậc học mầm non trong việc tăng cường đầu tư quỹ đất, đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học nhất là ở những vùng còn khó khăn. Bởi trên thực tế, ngân sách nhà nước dành cho bậc học này vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo số liệu đã công bố của Vụ giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT, hiện nay, cơ cấu ngân sách cấp cho bậc học mầm non chỉ đạt chưa tới 10%. Theo đó, tỉ lệ chi cho giáo dục mầm non ở nước ta là: nhà nước chi 38,6%, gia đình chi 61,4%. So sánh tỉ lệ chi của nhà nước và người dân cho bậc học mầm non ở các nước cho thấy, với tỉ lệ này, ngân sách chi cho giáo dục mầm non ở nước ta thấp hơn so với mức bình quân các nước đang phát triển: nhà nước chi 65,8%, gia đình chi 34,2%.
Theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT đề ra, trường mầm non tốt là trường có các tiêu chuẩn như: phòng sinh hoạt thoáng mát, rộng rãi, hợp vệ sinh, có các trang, thiết bị và các loại đồ chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi mầm non; có sân chơi thoáng đãng để trẻ vận động và hoạt động ngoài trời hằng ngày; nhà bếp có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp dưỡng phải được đào tạo ít nhất là kỹ thuật viên sơ cấp nấu ăn; có y, bác sỹ theo dõi sức khoẻ của trẻ và làm công tác dự phòng về môi trường để phòng bệnh cho trẻ; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được đào tạo bài bản. Mỗi trường mầm non thuộc hệ công lập hay tư thục muốn đảm nhiệm được trọng trách “ươm mầm” phải đảm bảo được những tiêu chuẩn tối thiểu ấy. Cần phải nhận thức rõ rang rằng, trường mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ mà còn là môi trường để cho trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời là bước đệm cần thiết để hình thành nhân cách và phát triển nguồn lực con người.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí - Đã từ lâu tồn tại một nghịch lý rất đáng quan tâm trong hệ thống giáo dục nước ta là bậc học yếu kém nhất và ít được quan tâm nhất lại rơi vào bậc học mầm non, một bậc học mở đầu và làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tầm quan trọng cũng như thực trạng của bậc học này đã được nói đến nhiều, kể cả những kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên cho đến nay sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của bậc học đó. Thậm chí, vẫn còn khá phổ biến tình trạng cơ sở vật chất của bậc học mầm non ở nhiều vùng nông thôn còn quá nghèo nàn và cô giáo ở đây có mức lương không bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hằng ngày.
Nhằm sớm khắc phục tình trạng nói trên, đi đôi với việc tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, cần có sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền địa phương cũng như các cấp quản lý giáo dục nhằm phát triển hài hòa hệ thông giáo dục mầm non công lập cùng với hệ thống mầm non tư thục, huy động sự đóng góp của toàn xã hội đối với bậc học quan trọng này. Đấy cũng là yêu cầu thiết thân của mọi gia đình, hầu như đều có con cháu học lớp mầm non.