Làm dự án chống hạn, ai ngờ người dân… gặp hạn!
(Dân trí) - Hai dự án thủy lợi chống hạn gần 300 tỷ đồng tại Đắk Nông vướng tai tiếng khi chưa chống được hạn mà ngược lại, người dân lại rơi vào hàng loạt nghịch cảnh ngang trái vì dự án.
Nghịch cảnh cắt lúa về cho trâu ăn
Cuối tháng 3/2021, trước những phản ánh của cử tri xã Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông), Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông đã đi kiểm tra thực tế tại Công trình thủy lợi Suối Đá. Đây là công trình cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông với trị giá 90 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương.
Đáng chú ý, dù được xác định là dự án cấp bách, thi công trong thời hạn không quá 5 năm, thế nhưng từ năm 2017 tới nay, dù đã 3 lần gia hạn nhưng công trình vẫn chưa thể hoàn thành.
Một trong những nguyên nhân mà chủ đầu tư- Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (Ban Nông nghiệp) đưa ra là do quá trình thi công, địa chất phức tạp ảnh hưởng tới tiến độ.
Thiếu nước sản xuất, kênh dẫn nước chạy ngang qua ruộng nhưng không thể dẫn nước vào ruộng… đang khiến nhiều cánh đồng tại xã Quảng Hòa nứt nẻ như sa mạc. Nhiều gia đình bỏ không ruộng vì "chỉ có trời mới cứu được lúa", một số hộ khác vớt vát bằng cách cắt lúa non về cho trâu bò ăn… Người dân xã nghèo nhất Đắk Nông đứng trước nguy cơ thiếu đói vì không thể sản xuất.
"6 tháng nay chưa mưa. Người dân vẫn nghĩ cuối năm 2020, công trình thủy lợi sẽ dẫn nước về tận ruộng nên chủ động gieo trồng lúa. Đến nay, đã cuối tháng 3, nước không có, lúa không lớn, chúng tôi đành cắt về cho trâu bò ăn vì lúa không làm đòng được", một người dân xã Quảng Hòa xót xa.
Tương tự xã Quảng Hòa, hàng trăm hecta lúa tại vùng trọng điểm lương thực xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng. Nguyên nhân là bởi dự án thủy lợi trị giá gần 200 tỷ vẫn chưa cung cấp đủ nước cho vùng chuyên canh lúa nước này.
Thời gian gieo sạ chậm hơn 1 tháng, đến thời kỳ bón phân, làm đòng, lúa cũng không đủ nước khiến cây chậm phát triển, cỏ mọc tốt hơn lúa. Để tự cứu nồi cơm của mình, người dân vẫn trắng đêm đắp đập be bờ, dẫn từng dòng nước vào ruộng. Nhiều cánh đồng trên cao, người dân phải dùng máy bơm để bơm nước vào cứu lúa.
Bất cập và vô lý !
Kết luận tại buổi kiểm tra công trình thủy lợi xã Buôn Chóah, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, có bất cập trong thiết kế và vận hành công trình. Tuy nhiên, trước khi có kết luận của cơ quan chức năng, chủ đầu tư, đơn vị vận hành và chính quyền địa phương không đổ lỗi cho nhau mà tập trung tìm cách khắc phục, đảm bảo đủ nước cho người dân sản xuất.
Theo người dân địa phương, cuối tháng 3/2021, dù chủ đầu tư khẳng định "lúa thiếu nước do lúa cần nhiều nước" thì hàng trăm hecta lúa vẫn đang đứng trước nguy cơ mất mùa.
"Nhà tôi bao nhiêu thế hệ làm lúa, chưa năm nào rơi vào tình cảnh 3 tháng trời mắc màn ngoài ruộng để canh nước đêm. Những năm trước, khi còn hệ thống kênh cũ, nước sản xuất bà con không thiếu, thế nhưng năm nay có kênh chống hạn mới, bà con lại chịu cảnh hạn nặng", ông Vũ Ngọc Son (thôn Bình Giang, xã Buôn Chóah) tuyệt vọng.
Cũng tại buổi kiểm tra Công trình thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa), ông Y Quang B'Krông, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng bất ngờ về thiết kế và tiến độ thi công của công trình.
"Lần đầu tiên chúng tôi thấy một con kênh thủy lợi nằm sâu dưới đất. Nếu khi đưa vào vận hành, hệ thống tắc hay gặp sự cố thì chúng ta phải xử lý như thế nào. Ngoài ra, không thể nói ruộng đồng không nằm trong quy hoạch nên không cấp nước. Kênh chạy qua ruộng mà ruộng không có nước thì rất bất hợp lý và cần phải xem lại", ông Y Quang B'Krông nhấn mạnh.
Trước câu trả lời của chủ đầu tư về việc có 1 số diện tích lúa không nằm trong quy hoạch tưới tiêu dù công trình thủy lợi chạy qua, HĐND tỉnh Đắk Nông đã phản biện ngay rằng: "Không thể nào kênh dẫn nước đi qua ruộng lúa nhưng không cung cấp nước cho ruộng. Bỏ gần 100 tỷ thực hiện dự án mà không phục vụ cho người dân thì cần xem xét lại".
Trước tình cảnh người dân thiếu nước sản xuất dù được đầu tư dự án lớn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa Nguyễn Bá Thủy xót xa: "Xã Quảng Hòa có thể là xã nghèo nhất nước. Được đầu tư công trình 90 tỷ không chỉ là niềm mơ ước của người dân mà còn giúp họ thoát nghèo. Địa phương chỉ mong mỏi, công trình sớm đi vào vận hành, đạt mục tiêu đã đề ra khi phê duyệt dự án".
Được biết, cả hai công trình phòng chống hạn tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) và Quảng Hòa (Đắk G'Long) đều do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế công trình.