Lái xe sử dụng rượu bia: Chế tài đã đủ cả phạt tiền và xử tù!
(Dân trí) - “Không đưa việc xử lý hành vi người sử dụng rượu bia khi lái xe vào vào Luật phòng chống tác hại rượu bia không có nghĩa là bỏ trống hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội đó, mà các chế tài xử lý hành vi này đã được quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ và Luật xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Quách Thành Lực phân tích.
Phương án bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau và phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn không được đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung vào Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc uống rượu bia khi lái xe không bị xử nghiêm theo quy định pháp luật.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Khoản 8 điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 6 điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:“Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở”, ngoài việc phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng; người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, gây tai nạn sẽ bị tước từ 2 đến 4 tháng. Hiểu nhanh, đơn giản là lái xe ô tô trong máu hoặc hơi thở cứ có nồng độ cồn là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Với người điều khiển xe máy thì nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở từ 50 miligam/100 mililít máu trở lên hoặc từ 0,25 miligam/1 lít khí thở trở lên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, để tránh tình trạng nhiều văn bản Luật cùng điều chỉnh một hành vi, gây nên tình trạng trồng chéo trong quá trình áp dụng thì việc không đưa nội dung xử lý người sử dụng rươu bia khi điều khiển phương tiện giao thông vào Luật phòng chống tác hại rượu bia là đúng đắn”.
Theo luật sư Lực, không những việc uống rượu bia lái xe có thể bị xử lý hành chính, phạt tiền mà còn có thể bị truy tố hình sự.
Cụ thể, điều 260 “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Bộ luật Hình sự quy định rõ:
- Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
- b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác…
Xin cảm ơn luật sư!
Anh Thế (thực hiện)