Lại sôi nổi tranh luận về ý thức tham gia giao thông và chế tài xử phạt

(Dân trí) - Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được áp dụng đã gần 4 năm, nhưng vẫn có không ít người “quên” thực hiện. Tình trạng này cùng các vụ tấn công CSGT mới đây khiến dư luận lại băn khoăn về ý thức và chế tài xử phạt.

Ý thức kém
 
Ý thức của nhiều người VN ta, nhất là khi tham gia giao thông trên đường, thật đáng buồn là không chỉ theo nhận xét của bạn bè nước ngoài mà cả từ các Việt kiều cũng như từ chính cộng đồng người dân chúng ta, là... từ kém đến rất kém.
 
Tất nhiên cũng có thể (như nhiều người vẫn làm) đổ  lỗi cho các nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng ý thức kém đó, như: cơ sở hạ tầng không theo  kịp đà phát triển, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập... và cái chính là: thiên hạ như vậy cả, mình biết làm sao?
 
Vin cớ khách quan bao giờ cũng rất dễ, song nếu chịu nghiêm túc nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh, chúng ta không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan vẫn là "thủ phạm" chính gây ra thực trạng mà hiện nay dường như trong suy nghĩ của nhiều người, đã thành chuyện... quá bình thường.
 
Đặc biệt thời gian gần đây liên tục xảy ra những sự việc đáng báo động liên quan đến ý thức người tham gia giao thông như: vụ một cô gái vi phạm luật giao thông còn hùng hổ lao tới tát CSGT rồi lăn ra ăn vạ tại TPHCM; vụ một trung úy CSCĐ mặc thường phục không đội mũ bảo hiểm hung hăng tấn công, lăng mạ CSGT cũng tại TPHCM; mới đây nhất là vụ một thanh niên cũng không đội mũ bảo hiểm đã lao xe vào CSGT trên đường Quán Thánh, Hà Nội.

 

Đó chỉ là những sự việc điển hình về ý thức người tham gia giao thông được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, còn thực tế hàng ngày có bao nhiêu những trường hợp vi phạm tương còn chưa được phản ánh. Tuy cũng còn không ít người dân vì lý do này, lý do khác mà tỏ ra không mấy thiện cảm, thậm chí là cả ác cảm với  lực lượng CSGT. Nhưng đại đa số đều phản ứng mạnh mẽ, đề nghị có hình thức xử phạt nghiêm khác hơn với đối tượng vi phạm giao thông có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
 
 Minh Thắng: Ruoitrau0@Yahoo.com bức xúc:

 

 “Ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, đã quá thừa những kẻ tham gia giao thông phạm luật trắng trợn, lại còn có hành động hung bạo thậm chí tông xe (ôtô, xe máy) thẳng vào cảnh sát. Đề nghị CA thẳng tay nghiêm trị những kẻ có máu côn đồ vô cảm này. Và thiết tha đề nghị các chú CSGT kiên quyết, nhưng phải cẩn trọng và khôn khéo hơn trong việc chặn giữ người vi phạm giao thông. Tính mạng con người là quý nhất!”

 

Ly thanh cong: tc_laocai@yahoo.co.in cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục những quy định về an toàn giao thông để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông:

 

“Ý thức chấp hành luật giao thông của công dân Việt Nam quá kém. Theo cách nhìn nhận của tôi thì hình như những người tham gia giao thông chỉ sợ Công an chứ không biết sợ Luật. Tuy nhiên theo một số những sự việc xảy ra gần đây thì có lẽ người đang tham giao thông không sợ cả Công an? Đề nghị gia đình, XH cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách, văn hóa để tránh những tình trạng như trên tiếp tục xảy ra”.

 

Chứng kiến khá nhiều hiện tượng vi phạm giao thông, coi thường luật pháp của một bộ phận người trong xã hội, Le Khanh: botsongmk@yahoo.com quan ngại:

 

“Mỗi khi tham gia giao thông, tôi thấy tim mình thót lại và hoa hết cả mắt khi gặp các cô cậu tuổi teen, thậm chí cả người lớn, đầu không đội mũ, lao xe đánh võng, lượn lách trên phố. Với công an mà họ còn thế kia thì với dân thường, chúng tôi phải biết làm sao đây? Chúng ngày càng coi thường tính mạng của người cùng tham gia giao thông”

 

“Tôi nghĩ, nên có những hình phạt thật đắt giá cho những kẻ coi thường pháp luật, lấy đó làm gương cho kẻ khác!”, độc giả này nói thêm.

 

Thông cảm với nhiệm vụ đấy khó khăn, vất vả của lưc lượng CSGT, Ngô Xuân Đạo: NXD115@gmail.com một lần nữa nhấn mạnh điều nhiều người dân đã nhiều lần đề xuất. Đó là cơ quan chức năng cần xem xét, áp dụng các chế tài xử phạt nặng hơn mới đủ sức răn đẻ những đối tượng "nhờn thuốc" cố tính vi phạm.

 
“Phải xử lý nghiêm minh những người quá coi thường pháp luật, dù người đó là ai. Phải thông cảm cho những chiến sỹ CSGT. Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng họ vì đó là những người đảm trách nhiệm vụ vất vả, khó khăn vì cuộc sống quanh ta. Pháp luật cần hết sức nghiêm khắc với các hành vi vi phạm trên...”

 

Gây thêm tình thế nguy hiểm

 

Sự việc đáng tiếc xảy ra với một chiến sĩ CSGT khi chạy ra chặn xe của người vi phạm đã bị xe tông thẳng vào người hôm 3/8, cũng cho thấy cả những khía cạnh khác về tác phong làm việc của CSGT cần tuân thủ đúng theo quy định. Đây cũng là điều đã nhiều lần được người dân đề cập khi góp ý với các lực lượng chức năng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

 
Tôi xin đưa ra một dẫn chứng khác mà chính tôi là người trải qua. Trên đường Lê Văn Lương (đoạn Trần Duy Hưng rẽ phải) lúc gần 19h hôm 4/8, trời đã chập choạng tối cũng một thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chạy với vận tốc cao ,lạng lách bất chấp dòng xe hướng ngược lại, chỉ để tránh một CSGT từ trên vỉa hè lao ra.

 

Chúng tôi ai cũng thót tim khi bất ngờ trước đầu xe mình xuất hiện một xe máy chạy tốc độ cao, loạng choạng. Cũng may có lẽ thấy rõ tình thế nguy hiểm, anh CSGT kia đã dừng lại không đuổi theo kẻ vi phạm nữa. Dừng lại chờ đèn đỏ một hồi lâu mà tôi vẫn chưa hết hoảng hồn.

 

Hay một trường hợp khác xảy ra trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội mà tôi cũng vô tình là người chứng kiến. Để đuổi theo chiếc xe taxi vượt đèn đỏ, hai CSGT (đứng ở lề đường  bên phía Tràng Tiền Plaza) đã chạy với tốc độ lớn tiến về đường Đinh Tiên Hoàng trên chiếc xe môtô cảnh sát dù lúc đó đường rất đông người. Để tránh sự truy đuổi của CS, chiếc taxi ngoặt bất ngờ vào đường Lê Lai và thật choáng váng - chiếc xe khuất dạng, để lại dưới lòng đường một cụ già nằm trên vũng máu…

 

Từ những sự việc trên cho ta thấy sự nguy hiểm không chỉ đe dọa tính mạng những người làm nhiệm vụ, người vi phạm mà thậm chí cả với nhiều người cùng tham gia giao thông. Trước thực tế đó, rất nhiều độc giả đề nghị: để tránh những tai nạn đáng tiếc, ngành công an cần sớm có phương án lâu dài, hiệu quả cũng như nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ CSGT khi thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường giờ đâu gần như ở đâu cũng rất đông đúc.

 

Qua sự việc xảy ra với Thượng sĩ Vũ Thế Bằng, nhiều bạn đọc cho rằng việc đứng tại những góc khuất, bất  ngờ lao xuống đường chặn ngay trước mũi xe … của CSGT là rất không nên vì chỉ gia tăng thêm tình thế nguy hiểm.

 

“Xem clip thì thấy anh CSGT lao ra quá nhanh, người đi xe máy không phản ứng kịp. Công an cần huấn luyện cho CSGT quy trình xử lý những trường hợp này như thế nào, để bảo đảm an toàn cho cả người dân và người thi hành công vụ. Bài học của sự việc này là vì muốn ngăn chặn 1 tai nạn giao thông tiềm ẩn (không đội mũ bảo hiểm), nhưng lại gây ra 1 vụ tai nạn giao thông thực sự” - Huỳnh: ndh.tanphu@gmail.com đưa ra nhận định.

 

Đinh Quốc Chính: dinhquocchinh@gmail.com nêu rõ: 

 

“Nhà tôi ở ngay vị trí xảy ra tai nạn. Rất nhiều lần tôi chứng kiến các đồng chí công an từ trên vỉa hè (đứng tại các chỗ khuất) lao ra đường chặn đầu các xe máy, do người điều khiển không đội mũ bảo hiểm. Việc làm trên không những chỉ gây nguy hiểm cho người vi phạm, mà cả với những người dân tham gia giao thông không vi phạm nữa. Đây là một bài học cho cả người vi phạm lẫn đồng chí công an làm nhiệm vụ. 

 

Nguyễn Hùng: duocvamat_2210@yahoo.com phân tích:

 

“Có 2 vấn đề đáng nói: 1/. Là người điều khiển xe máy, anh này là hoàn toàn có lỗi do không đội nón bảo hiểm, chạy xe lấn làn đường... 2/. Nhưng anh CSGT bi xe đụng cũng là do anh xử lý tình huống quá nhanh nên làm người điều khiển xe máy trở tay không kịp. Nên theo tôi, việc đối tượng Lân bị xử lý hình sự có lẽ là chưa chính xác”.

 

Đồng quan điểm, Minh: minhcuchai@yahoo.com nêu một bất cập khác:

 

“Xe máy đi sát vỉa hè, thời gian anh công an bước xuống cũng rất nhanh, nếu xe máy đang phóng với tốc độ cao thì khó có thể tránh được anh công an. Tôi nghĩ, huy động một lực lượng công an khá đông tại nơi không phải là một ngã tư liệu có phải là lãng phí nhân lực không?”

 

Tuấn Khanh: tuankhanh@gmail.com đề xuất:
 

“Tham gia giao thông bây giờ quả thực là rất khó khăn và nguy hiểm: Đường sá thì quá tải, biển báo thì cắm lộn xộn và không rõ ràng, vạch kẻ đường thì mờ nhạt và thiếu hướng dẫn. Theo tôi, số tiền phạt thu được hàng năm cần được sử dụng để đầu tư cho hệ thống giám sát và xử phạt tự động, đặc biệt là ở trong thành phố và các ngã tư chia cắt... Để CSGT đỡ vất vả và người tham gia giao thông được hỗ trợ nhiều hơn”. 

Nguyệt Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm