Kỳ thi tốt nghiệp đã đi qua, hệ lụy còn ở lại
(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã qua đi khá lâu, dư luận không còn bán tán nhiều nữa. Nhưng trong lòng nhiều người còn trăn trở về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót ở mọi địa phương. Quả thật là vẫn còn đó những hệ lụy...
Hai không - một thời để nhớ
Trước năm 2006, dường như ngành giáo dục mắc phải một căn bệnh trầm kha –đó là “căn bệnh thành tích”. Khi tân Bộ trưởng lúc đó lên nhậm chức đã nhận ra căn bệnh nguy hiểm này và đua ra cuộc vận động thực hiện “Hai không” trong ngành giáo dục, trong đó có "Nói không với căn bệnh thành tích trong giáo dục". Chủ trương này nhanh chóng được triển khai rộng khắp trong toàn ngành giáo dục từ năm học 2006-2007, nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội và cả ngành giáo dục.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Cũng nhờ đó mà kỷ cương của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ấy được siết chặt, những biểu hiện tiêu cực trong phòng thi được ngăn chặn và xử lý gần như triệt để, đã có hơn 3.000 thí sinh vi phạm qui chế thi bị xử lý kỷ luật, đình chỉ thi. Và kết quả đỗ tốt nghiệp năm 2007 lần đầu tiên của cả nước (sau chuỗi năm cao chót vót) đã tụt xuống mức thấp nhất: 66,7%, có địa phương chỉ đỗ dưới 40-50%. Thậm chí có một số trường không có một em nào đỗ tốt nghiệp.
Kết quả ấy đã được xã hội ghi nhận và xem đây là con số phản ánh tương đối chính xác chất lượng giáo dục, việc dạy và học của thầy và trò.
Phần đông thầy cô giáo rất phấn khởi và tin tưởng vào hiệu quả, thành công bước đầu của chủ trương hai không, từ đây không còn quá lo lắng, day dứt về căn bệnh thành tích, về những thành tích ảo cần phải đạt trong phong trào “thi đua”.
Những con số “đẹp” khó tin
Những tưởng chủ trương, phong trào tốt đẹp, đúng đắn ấy tiếp tục được duy trì, đi vào nề nếp như buổi ban đầu. Nào ngờ đến những năm học sau, nhất là năm 2010 và năm 2011
Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 là 66,72%; năm 2008: 75,96%; năm 2009: 83,8%; năm 2010: 92,57% và năm 2011 này cả nước đạt gần 95.72%. Hệ giáo dục thường xuyên tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đến đột biến, có nhiều nơi hơn cả hệ phổ thông. |
|
Trước hết, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có tỉ lệ cao ngất ngưởng và "tuyệt đẹp" còn ở chỗ nó nằm trong một chuỗi tỉ lệ tốt nghiệp 5 năm liền, năm sau tăng cao hơn năm trước khoảng 10%.
Có thể tin được không về sự tiến bộ “kì diệu” ấy và làm cách nào để có được những con số đẹp như vậy? Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục báo cáo: riêng số học sinh bậc THCS đạt giỏi chiếm 1 phần 7, đạt loại khá chiếm trên 1 phần 3 tổng học sinh.
Tại hội nghị triển khai công tác năm học 2009-2010 diễn ra tại Đà Nẵng, khi nghe con số học sinh khá, giỏi nhiều đến kinh khủng như vậy, không ít đại biểu tham dự bắt đầu tỏ ra lo ngại, băn khoăn, hoài nghi về tính khả thi của chủ trương "nói không với bệnh thành tích trong giáo dục".
Mới đây báo chí đưa tin, trong một kỳ thi thử ở TPHCM có tới 404 học sinh đều có cùng số điểm là 6 điểm/6 môn thi. Có HS cả 6 môn đều bị điểm 0. Còn tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện một lớp 10 mà toàn bộ HS của lớp đều xếp loại yếu, kém.
Ví dụ, năm 2009, tỉnh Sơn La có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ THPT là 39,1%, đứng cuối bảng xếp hạng trong cả nước. Thế nhưng đến 2010, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh này tăng vọt lên… 92,07% và năm nay là 97% (hệ GDTX là 98%). |
Những cứ liệu cụ thể " biết nói" ở trên, khiến chúng ta thêm đau lòng, nhức nhối về chất lượng thật của giáo dục phổ thông.
Áp lực biến không thành... có
(nguồn ảnh: internet)
Nhiều thầy cô giáo hiện nay cũng rất ham hố danh hiệu, thành tích này nọ. Dạy thì dở nhưng cuối năm lớp nào cũng tỉ lệ khá, giỏi bát ngát...nhằm để đạt mục đích riêng của mình. Được cấp trên khen thưởng này nọ. Được phụ huynh biết tiếng là giáo viên có bề dày thành tích, dễ thu hút học sinh dạy thêm - học thêm tại nhà...
Có một bộ phận giáo viên rất bất bình với căn bệnh thành tích nhưng lực bất tòng tâm, nghĩ mình là thân phận "con sâu, cái kiến" chẳng làm nên trò trống gì. Có người bộc bạch với tôi rằng: "đấu tranh là tránh đâu”, bao nhiêu vị quan chức lên tiếng mà có thay đổi được gì...
Trở lại với thành tích ảo thì trường “được tiếng thơm”; địa phương có nhiều trường đỗ tốt nghiệp cao thì địa phương cũng “tự hào”; các phụ huynh học sinh cũng phấn khởi… Và cơ quan quản lý cao nhất của ngành là Bộ GD-ĐT căn cứ vào kết quả tổng kết thi tốt nghiệp ở các địa phương cũng được thơm lây, vì sự tiến bộ không ngừng của việc dạy và học trong toàn ngành giáo dục thể hiện qua các kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT đã đạt tỷ lệ tốt nghiệp ngày càng cao!
Không ai có thể sống lâu dài bằng thành tích ảo. Sớm muộn thi ngành giáo dục sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về những con số “đẹp như mơ” qua hai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 và 2011!
Hoàng Việt
LTS Dân trí - Bài viết trên đây là sự trăn trở tâm huyết của một nhà giáo lâu năm trong nghề, từng dược giao nhiệm vụ coi thi, chấm thi, thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT, biết rất rõ hiện trạng tình hình thi đua trong ngành cũng như các kỳ thi tốt nghiệp những năm vừa qua.
Muốn lập lại nền nếp, kỷ cương trong giáo dục nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học cũng như thi cử, điều quan trọng nhất đối với toàn ngành giáo dục cũng như mỗi trường vẫn là sự “nhận diện” đúng những biểu hiện của căn bệnh thành tích, đồng thời kiên quyết khắc phục triệt để căn bệnh nguy hiểm này.
Bắt đầu từ năm học mới này, nên có sự chỉ đạo thống nhất để các trường đều tiến hành cuộc tổng kiểm tra trình độ của học sinh. Trên cơ sở đó đề ra kế hoach hành động cũng như chỉ tiêu thi đua cho sát với tình hình thực tế của mỗi lớp học. Các cấp quản lý giáo dục không ép cấp dưới nâng chỉ tiêu thi đua để đạt những thành tích ảo, không phản ánh đúng thực chất kết quả dạy và học.
Bằng những việc làm thiết thực như vậy ngay từ đầu năm học, hy vọng rằng ngành giáo dục sẽ từng bước đẩy lùi được sự tái phát mạnh mẽ của căn bệnh thành tích. Chỉ trên cơ sở dạy thật, học thật và đánh giá đúng thực chất kết quả dạy và học, chúng ta mới có thể từng bước phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.