Chuyện buồn ở xã 135:
Kỳ IV: 90 triệu vẫn còn ở xã … Ai đã lập những bộ hồ sơ khống?
(Dân trí) - Theo hồ sơ thì toàn bộ số tiền đã được 151 dân ký nhận, chi ngân sách xã năm 2014 đã duyệt, phiếu chi cũng được vị Chủ tịch ký. Nhưng ông Phạm Công Lý lại khẳng định: “Hiện vẫn còn 90 triệu tiền hỗ trợ đang trong quỹ của xã”.
Xã giữ lại 90 triệu đồng?
Để làm rõ vấn đề trên chúng tôi có buổi làm việc với ông Phạm Công Lý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Tại buổi làm việc ông Lý cho biết: Năm 2013, huyện Tân Kỳ nói chung và xã Đồng Văn nói riêng không đưa giống BC15 vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua Ban nông nghiệp và Hội nông dân xã một số đơn vị kinh doanh cung ứng giống lúa vẫn tiến hành bán giống lúa này (PC15) cho bà con trong xã. Việc đó cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân.
Cũng theo ông Lý, sau khi nhân dân chịu thiệt hại và Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì UBND xã đã giao cho Hội nông dân và Ban nông nghiệp tiến hành kiểm kê để có danh sách hỗ trợ đến từng hộ dân làm sao chính xác nhất có thể. Để đảm bảo quyền lợi cho bà con nhân dân. Tiền hỗ trợ sau đó được cấp về xã theo hai đợt gồm 80 triệu đồng hỗ trợ giống lúa PC15 và 200 triệu đồng hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
“Số tiền này đã giao Ban nông nghiệp và Hội nông dân cùng các xóm trưởng tiến hành cấp phát đến từng hộ dân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn còn 90 triệu đồng đang ở quỹ của xã và chưa bàn giao để phát cho nhân dân”, ông Lý cho biết.
Lý giải về việc “tồn” 90.000.000 đồng, ông Lý phân trần: “Sau khi lập danh sách kê khai có tiền và tiến hành chi trả. Tôi có nhận được thông tin rằng giữa thực tế và danh sách chi trả có điểm chưa rõ ràng. Lập tức tôi cho dừng việc chi trả và giữ lại tiền để làm rõ”.
Nhưng khi được hỏi tại sao trong các bản danh sách cấp tiền của từng xóm đều được các hộ dân ký nhận rõ ràng. Như vậy, số tiền đó đã phải đến tay của người dân thì mới có những chữ ký rành mạch của từng hộ. Nếu không phải nhân dân khi nhận tiền đã ký thì ai là người thay họ để ký vào các danh sách trên. Bên cạnh trong quá trình chi trả tất cả các xóm trưởng cũng đã ký nhận đủ tiền từ xã. Phiếu chi, duyệt chi, kê khai chi ngân sách thì toàn bộ số tiền trên đều đã được “thông qua” trong đó có đầy đủ chữ ký của chủ tịch xã, thủ quỹ, người cấp tiền. Như vậy thì bộ hồ sơ đã hoàn chỉnh và tiền phải được chi trả hết. Vậy tại sao trong quỹ của xã vẫn còn? Trong khi nhân dân vẫn chưa nhận được tiền?
Ông Lý ngập ngừng và không trả lời trực tiếp vào vấn đề mà rằng: “Ngay sau khi phát hiện sai thì tôi đã trao đổi với đồng chí bí thư đồng thời báo cáo hội đồng nhân dân xã để tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó cũng giao cho từng xóm, hội nông dân, ban nông nghiệp xác minh lại cụ thể”.
Chính trong toàn bộ “hồ sơ” liên quan đến quá trình chi trả ông Phạm Công Lý cũng đã ký phê duyệt với cương vị là chủ tài khoản. Phóng viên đặt ngược trở lại vấn đề: Khi có trong tay bộ hồ sơ hoàn chỉnh như vậy. Thì trên giấy tờ toàn bộ số tiền đã được chi trả. Nếu không có người phát hiện và chất vấn vậy có hay không việc lập hồ sơ, giả mạo chữ ký để “bớt” tiền chi trả cho người dân?. Vị Chủ tịch xã sau đó né tránh vấn đề và mời đồng chí Nguyễn Như Phúc - Chủ tịch hội nông dân xã để cùng làm việc với Phóng viên. Ông Nguyễn Như Phúc người được cho là đã lập nên bộ hồ sơ “hoàn thiện” và cũng là người được giao cấp tiền cho bà con nhân dân trong xã.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Như Phúc cũng đã thừa nhận rằng mình có sai trong quá trình lập hồ sơ. “Do thời gian gấp quá nên có sơ suất trong quá trình lập hồ sơ. Hơn thế nữa khi có chủ trương thì trên thực tế diện tích thiệt hại cũng đã được bà con thu hoạch hết từ lâu nên muốn làm cho sát cũng khó. Khi đó tôi mời các xóm trưởng lên và cùng nhau thống kê và lập danh sách”.
Trong quá trình lập hồ sơ ông Phúc cùng các “cộng sự” không hề xác minh, hay thông báo đến từng hộ dân để họ kê khai thiệt hại. Khi tiền đã được “xin” về nhờ bộ hồ sơ trên, thì ông Nguyễn Như Phúc lại tiếp tục được Chủ tịch UBND ông xã Phạm Công Lý “tín nhiệm” giao cho chi trả với cương vị người cấp tiền. Quá trình chi trả, để hồ sơ “hợp lệ” cần có danh sách cấp tiền và ký nhận của từng hộ dân theo đúng như số tiền, diện tích trong hồ sơ trước đó.
Vậy là những bản danh sách cấp tiền mới được lập nên có đầy đủ chữ ký của từng hộ dân đã được đích thân Chủ tịch UBND xã phê duyệt từ cách đây cả nửa năm (tháng 7/2014).
Tuy nhiên, tại thời điểm (từ ngày 10-13/1/2015) khi phóng viên đi tìm hiểu thực tế và thật bất ngờ khi hàng trăm hộ dân ở 8 xóm được nhận hỗ trợ trên họ đều chưa nhận tiền và chưa ký vào bất cứ một văn bản, danh sách nào. Thế nhưng trong 16 bản kê danh sách của 8 xóm (mỗi xóm có 2 bản gồm: hỗ trợ giống lúa PC15, phân bón và bảo vệ thực vật) đều đã có chữ ký nhận của các hộ dân. Điều đáng buồn hơn, khi được hỏi các hộ dân về chữ ký trong bản danh sách, ai cũng đều trả lời: Chữ ký đó không phải của họ. Chưa bao giờ nhìn thấy danh sách này.
Khi được hỏi tại sao dân chưa nhận, xóm chưa phát tiền, thậm chí tiền còn “sót” ở quỹ của xã nhưng tại các bản danh sách cấp tiền lại có ký nhận đầy đủ của người dân. Ông Nguyễn Như Phúc cũng né tránh vấn đề và không trả lời. Với cương vị là người cấp tiền hơn ai hết ông Phúc phải ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình chi trả. Vậy ai đã thay những hộ dân ký vào những bản danh sách cấp tiền trên? Có hay không sự “thông đồng” trong quá trình làm hồ sơ, chi trả tiền cho nhân dân để trục lợi bất chính?
Thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm và có thể khởi tố vụ việc
Rời mảnh đất khó khăn 135 xã Đồng Văn. Chúng tôi trở lại trung tâm hành chính của huyện tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Tân Kỳ.
Tại buổi làm việc, ông Thức cho biết: “Trong vụ đông xuân năm 2013 thực hiện chủ trương của tỉnh Nghệ An không đưa giống BC15 vào sản xuất. Tuy nhiên, bà con vẫn sản xuất một diện tích rất lớn. Theo báo cáo toàn huyện có gần 600ha chịu thiệt hại nặng nề. Sau khi có chủ trương hỗ trợ thì UBND huyện cũng giao cho các xã tiến hành kiểm kê để hướng hỗ trợ cho nhân dân. Tới thời điểm này tiền cũng đã cấp hết về cho từng xã hoàn chỉnh. Và địa phương cũng đã chi trả cho người dân. Riêng địa bàn xã Đồng Văn thiệt hại khoảng 40ha và được hỗ trợ là 280 triệu đồng”.
Nhưng khi được phóng viên cho biết rằng người dân vẫn chưa nhận được tiền. Thậm chí tiền còn “sót” ở quỹ của xã, ở các xóm trưởng. Thì ông Thức tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Ông càng “bất ngờ” hơn khi được xem những bản danh sách có ký nhận của từng hộ dân trong các danh sách cấp tiền: “Trong quá trình chi trả thực tế và danh sách kê khai thì có thể lệch nhau. Nhưng ở danh sách cấp tiền và có chữ ký của người dân như thế này thì không thể sai được. Phòng sẽ cử cán bộ về trực tiếp tại xã Đồng Văn để rà soát lại toàn bộ quá trình chi trả cho nhân dân tại đây”, ông Thức cho biết thêm.
Đem vấn đề trên, phóng viên tiếp tục gặp ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ. Tại buổi làm việc ngắn gọn này, ông Hóa cho biết: “Nếu đúng như các anh phản ánh, UBND huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra xác minh sự việc. Xử lý nghiêm những người vi phạm để làm gương. Tùy theo mức độ để có hình thức kỷ luật đích đáng”.
“Hiện tôi đã giao cho Phòng Nông nghiệp lập đoàn kiểm tra toàn bộ, đồng thời xã cũng lập đoàn kiểm tra. Kiểm tra sai phạm đến mức độ nào. Nếu sai cán bộ thì xử lý cán bộ. Ban chỉ đạo cũng sẽ chỉ đạo kiểm tra toàn huyện liên quan đến việc này. Mà chớm biểu hiện thế này thì phải kiểm tra toàn bộ, toàn diện, việc này cũng cần phải làm ngay. Việc anh em ở dưới làm sơ suất thì không thể tránh khỏi, nhưng mà cái cố ý thì không được”, ông Hóa cho biết thêm.
Cũng theo ông Hóa: “Khi kiểm tra nếu thực sự việc người dân đã ký thực, nhưng thực chất tiền nằm ở đâu? Nếu có dấu hiệu thì có thể khởi tố vụ việc. Việc này chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Ông Hóa cũng khẳng định: “Không chỉ riêng xã Đồng Văn mà tất cả các xã khác nằm trong diện được hỗ trợ thiệt hại do sản xuất giống lúa BC15, phân bón và bảo vệ thực vật cũng phải được rà soát lại toàn bộ”.
Trong khi câu chuyện buồn về quá trình chi trả chính sách hỗ trợ do sản xuất giống lúa BC15, phân bón và bảo vệ thực vật đang khiến dư luận tại xã nghèo 135 Đồng Văn đang dậy sóng, người dân đang trong thời gian chờ đợi câu trả lời của UBND huyện Tân Kỳ và kết quả làm việc của đoàn kiểm tra.
Nguyễn Phê - Nguyễn Tình