Bản án nhiều tranh cãi:

Kỳ I: Người đi tố cáo thành bị cáo

Chị Yến là người đi tố cáo hành vi phạm pháp của người khác và được cơ quan công an kết luận là bị hại. Nhưng, sau nhiều lần điều tra, Viện KSND tiếp tục truy tố chị Yến với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Kỳ I: Người đi tố cáo thành bị cáo
Quyết định của TAND Tối cao tuyên hủy Bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên đối với Đặng Thị Hải Yến. Ảnh: ND

Điều đáng nói, trước đó, chính Viện KSND khẳng định hành vi của chị Yến “không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Từ người đi tố cáo…

Đơn phản ánh của chị Đặng Thị Hải Yến (SN 1987, HKTT tại Viện Chiến lược và Khoa học Công an, đang bị tạm đình chỉ công tác) cho biết: Vụ việc bắt nguồn từ tháng 10/2010, chị Triệu Ngọc Điệp là sinh viên học cùng Học viện Cảnh sát tìm Yến và nói có khả năng giúp mua đất ở các khu đô thị tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Do có nhu cầu nên chị Yến đã gửi tiền nhờ chị Điệp mua giúp 1 căn nhà chung cư và 1 ô đất khu đô thị.

Tháng 12/2010, chị Điệp nói phải về trường học nên giới thiệu để chị Yến gặp mợ của chị Điệp là bà Lê Thị Minh Hiền (cán bộ Ban Quản lý Dự án tỉnh Phú Thọ). Khi gặp Yến, bà Hiền nói là cháu của lãnh đạo UBND tỉnh nên có khả năng giúp xin việc và mua đất dự án khu đô thị.

Tin tưởng Điệp cùng Hiền nên từ tháng 12/2010 đến đầu tháng 3/2011, Yến đã đưa Hiền hơn 2 tỉ đồng để nhờ Hiền mua đất cho cá nhân.

Khi đồng nghiệp biết Yến đang nhờ mua đất với giá rẻ, nhiều người đã đến gặp và nhờ giúp (cả mua đất lẫn xin việc), trong đó có cả các cán bộ công an và người nhà của các cán bộ này. Một số người nhờ Yến mua đất, sau đó thu tiền nhờ mua đất và hưởng chênh lệch.

Yến đã nhận hồ sơ mua đất và xin việc của nhiều người để đưa cho Hiền. Từ tháng 12/2010 - 18/6/2011, Yến đã chuyển cho Hiền tổng số tiền 11,199 tỷ đồng (Hiền kí nhận đầy đủ trong giấy và sổ ghi nhận tiền). Trong đó, tiền của riêng cá nhân Yến là 2 tỉ đồng, tiền xin việc 1,9 tỉ đồng, tiền của 15 người nhờ mua đất là 7,2 tỉ đồng. Yến chuyển cho Hiền còn thiếu 667 triệu đồng. Hiền nói với Yến cứ cầm lấy, khi nào có quyết định giao đất thì đưa nốt cho Hiền. 

Tháng 6/2011, một số người do chờ đợi lâu không nhận đất đã xin rút tiền về. Khi đó Yến đã hỏi ý kiến của Hiền và được Hiền đồng ý trả. Yến mang số tiền 667 triệu đồng mình đang giữ và bỏ thêm tiền túi là 90 triệu đồng gửi lại cho bà Vũ Thị Sơn 540 triệu đồng, Nguyễn Thị Thụ 76 triệu đồng, Nguyễn Thị Bích Ngọc 80 triệu đồng, Trần Thị Hoa 70 triệu đồng (một số người nhờ Yến mua đất).

Sau thời gian dài không mua được đất, không xin được việc, những người nhờ giúp đã đến đòi Yến trả lại hồ sơ và tiền. Yến có hỏi Hiền về việc đó thì Hiền vẫn hứa hẹn sẽ làm được đất và nói sẽ trả lại tiền nếu việc không thành.

Ngày 3/7/2011, khi thấy Hiền nhiều lần sai hẹn, không thực hiện cam kết, Yến đã có đơn tố cáo và đề nghị xin được giải quyết tới cơ quan công an. Sau đó cơ quan công an đã kết luận Yến là một trong những bị hại, bị Hiền lừa tiền.

Tính đến thời điểm này, Hiền còn cầm của Yến trên 7 tỉ đồng. Hiền khai, số tiền hơn 7 tỉ đồng đó đã đưa cho Cao Thị Thu Hằng nhưng không có chứng cứ chứng minh. Số tiền xin việc hơn 2 tỉ đồng mà mọi người đưa cho Yến, Yến đã trả lại hết, không có khiếu kiện gì.

…Trở thành bị cáo

 Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Minh Hiền về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, Viện KSND tỉnh Phú Thọ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ trách nhiệm của Đặng Thị Hải Yến cùng một số người khác. Tuy nhiên, CQĐT vẫn kết luận Yến không phạm tội.

Ngày 13/6/2012, Viện KSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và truy tố Yến tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm cùng Lê Thị Minh Hiền.

Ngày 18/1/2013, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa vụ án ra xét xử. Hội đồng Xét xử nhận định bị cáo Yến không có dấu hiệu đồng phạm với Hiền nên đã trả hồ sơ điều tra lại.

Ngày 12/3/2013, CQĐT tỉnh Phú Thọ đã có quyết định tách vụ án thành 3 quyết định khởi tố 3 vụ án khác nhau. Trong đó, bị can Đặng Thị Hải Yến bị truy tố về tội “sử dụng trái phép tài sản”.

Ngày 21/4/2013, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã ra Cáo trạng số 20 phê chuẩn đề nghị truy tố Yến về tội “sử dụng trái phép tài sản”.

Ngày 28/5/2013, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử và tuyên Lê Thị Minh Hiền 18 năm tù. Trong vụ án này Đặng Thị Hải Yến tham gia phiên tòa với tư cách là người bị hại.

Đến ngày 26/6/2013, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị can Đặng Thị Hải Yến và tuyên phạt 6 năm tù giam về tội “sử dụng trái phép tài sản”.

Sau khi nhận được kháng cáo của Yến, ngày 6/1/2014, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã ra Bản án số 08/2014/HSPT tuyên hủy Bản án của TAND tỉnh Phú thọ đã tuyên với bị cáo Yến và yêu cầu điều tra lại.

Sau quá trình điều tra lại vụ án, mới đây ngày 18/8/2014, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã ra Bản cáo trạng số 37 để truy tố Đặng Thị Hải Yến về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, theo chị Yến, trải qua các mốc thời gian từ năm 2011 đến 2014, chị 2 lần tham gia tố tụng với tư cách là bị hại rồi sau đó trở thành bị can từ tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm” sang tội danh “sử dụng trái phép tài sản” rồi lại trở về “lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò độc lập”. Trong Bản án số 29/2013/HSST của TAND tỉnh Phú Thọ đã công nhận Yến là bị hại với số tiền bị chiếm đoạt 9,1 tỷ đồng.

“Trong quá trình bị Lê Thị Minh Hiền lừa đảo, tôi không hề được hưởng lợi bất kỳ một đồng nào. Điều đó được thể hiện trong các bản cung mà Hiền đã khai tại CQĐT. Một vụ án tôi phải trải qua từ tội danh này sang tội danh kia đủ thấy mập mờ vi phạm tố tụng của CQĐT và Viện KSND tỉnh Phú Thọ cố tình gây oan trái cho tôi”, chị Đặng Thị Hải Yến nói.

Kỳ II: Có dấu hiệu oan sai

 Theo Nam Dũng
Báo Thanh tra